Tài chính

VTC Online kinh doanh thế nào dưới thời ông Phan Sào Nam?

(VNF) – VTC Online kinh doanh khá bết bát dưới thời ông Phan Sào Nam, đặc biệt là năm 2014 với khoản lỗ trên 100 tỷ đồng. Đáng chú ý hơn nữa, công ty này bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục trong hai năm 2015 và 2016.

VTC Online kinh doanh thế nào dưới thời ông Phan Sào Nam?

Ông Phan Sào Nam, nguyên Chủ tịch HĐQT VTC Online

Ngày 11/3/2018, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã ra Quyết định Khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Thanh Hóa về tội "Tổ chức đánh bạc" quy định tại khoản 2, Điều 249 - Bộ luật Hình sự năm 1999.

Việc khởi tố và bắt tạm giam trên căn cứ vào quyết định khởi tố vụ án hình sự: "Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh thành".

Đây là đường dây đánh bạc thông qua mạng Internet có quy mô lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Qua phá án, công an Phú Thọ đã thu được trên 1.000 tỷ đồng, số ngoại tệ đánh bạc chuyển ra nước ngoài ước khoảng 3,6 triệu USD nhưng đây mới chỉ là thống kê ban đầu.

Đường dây này được điều hành bởi 2 đối tượng là Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương.

Phan Sào Nam là ai?

Ông Phan Sào Nam (sinh năm 1979) từng tốt nghiệp Cử nhân quản trị kinh doanh của Trường đại học Kinh tế TP.HCM và Thạc sỹ quản trị kinh doanh công nghệ của Trường đại học Thông tin liên lạc Hàn Quốc.

Sau khi hoàn thành chương trình học, ông Phan Sào Nam về Việt Nam và gia nhập Công ty VASC và chấp nhận làm 2 tháng không lương.

Năm 2016, khi lãnh đạo VTC quyết định đầu tư vào nội dung số, một nhóm kỹ sư ở VASC (trong đó có ông Phan Sào Nam) đã chuyển về VTC, ông Phan Sào Nam được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc VTC Intecom.

2 năm sau, nhóm của ông Phan Sào Nam lập ra VTC Online. Ban đầu ông Nam làm Giám đốc, sau đó làm Chủ tịch HĐQT.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, năm 2016, ông Phan Sào Nam vẫn còn là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc của VTC Online.

Ông Phan Sào Nam vẫn giữ cương vị Chủ tịch kiêm Giám đốc VTC Online đến hết ngày 31/12/2016. Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2016 của VTC Online

Thời ông Phan Sào Nam làm Chủ tịch, VTC Online kinh doanh thế nào?

Dưới thời ông Phan Sào Nam, VTC Online kinh doanh khá bết bát. Năm 2014, doanh thu thuần của công ty này đạt mức 836 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn vượt cả doanh thu, đạt mức 844 tỷ đồng, khiến VTC Online lỗ gộp 7,4 tỷ đồng.

Sau khi trừ chi phí và các khoản lỗ khác, chốt sổ năm 2014, VTC Online lỗ tới 102 tỷ đồng.

Sang năm 2015, VTC Online đã kiểm soát được một phần vấn đề giá vốn, cũng không ghi nhận các khoản lỗ bất thường, tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 7,7 tỷ đồng.

Tình hình cũng không khá khẩm hơn trong năm 2016. Mặc dù doanh thu tăng gấp 2,2 lần, lên 1.828 tỷ nhưng do giá vốn cao cùng các khoản chi phí, VTC Online chỉ ghi nhận lợi nhuận sau thuế 9,8 tỷ đồng.

Thế nhưng, vẫn còn một vấn đề đáng chú ý hơn. Công ty Kiểm toán KPMG, trong báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2015 và năm 2016 đều đưa ra nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của VTC Online.

Dưới thời ông Phan Sào Nam, VTC Online bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

Cụ thể, theo nhận định của KPMG trong báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2016, tại ngày 31/12/2016, nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn trên 40 tỷ đồng (1/1/2016: 81,8 tỷ đồng). Công ty cũng có các khoản vay lớn cần tái tài trợ trong vòng 12 tháng kế tiếp trị giá 55,1 tỷ đồng (1/1/2016: 97 tỷ đồng).

Ngoài ra, tại ngày 31/12/2016, theo KPMG, VTC Online có các cổ phiếu mà các cổ đông có quyền yêu cầu Công ty mua lại một phần hoặc toàn bộ tại một thời điểm bất kỳ trong tương lai. Giá mua tùy thuộc vào số lượng cổ phiếu được yêu cầu mua lại và thời điểm mà các cổ đông này yêu cầu Công ty mua lại cổ phiếu.

"Công ty trình bày các cổ phiếu này là vốn cổ phần và thặng dư vốn cổ phần thuộc vốn chủ sở hữu với giá trị lần lượt là 6,9 tỷ đồng và 238,9 tỷ đồng (1/1/2016: 6,9 tỷ đồng và 238,9 tỷ đồng). Việc các cổ đông yêu cầu công ty mua lại số cổ phiếu này sẽ có ảnh hưởng trọng yếu đối với tình hình tài chính và thanh khoản của công ty", phía KPMG cho hay.

Kết lại, KPMG khẳng định: "Điều này cho thấy những yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty".

Tính đến hết ngày 31/12/2016, tổng tài sản của VTC Online ở mức 377 tỷ đồng, giảm 32% so với một năm trước đó. Trong đó, một nửa tài sản là bất động sản đầu tư.

Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu đến hết ngày 31/12/2016 của VTC Online ở mức 229 tỷ đồng; nợ phải trả ở mức 148 tỷ đồng.

Tin mới lên