Vụ trúng đấu giá đất 4 tỷ đồng/m2: Xem xét trả lại tiền cho khách do nhầm lẫn

Lệ Chi - 17/01/2024 17:42 (GMT+7)

(VNF) - Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh (Hà Nội) cho biết đang xem xét đơn xin rút lại tiền cọc của ông Nguyễn Thanh Tùng - người trả hơn 4 tỷ đồng/m2 đất, cao hơn 142 lần giá khởi điểm, cho thửa đất 102m2 tại xã Tiến Thịnh vào ngày 30/12/2023.

VNF
Mê Linh: Xem xét trả tiền cọc vụ trúng đấu giá đất 4 tỷ đồng/m2

Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh thông tin ngày 3/1, ông Tùng có đơn đề nghị UBND huyện Mê Linh xem xét trả lại 600 triệu đồng tiền cọc của thửa đất do nhầm lẫn khi đấu giá. Nội dung nêu rõ do lần đầu đi đấu giá, ông đã hiểu nhầm thông tin ghi trên phiếu là giá trị của một thửa đất, không phải giá trị tính trên 1m2.

Sau khi xem xét đơn của ông Tùng và thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Mê Linh, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện đã xác minh nhân thân của ông Tùng và nhận thấy ông có nhân thân tốt; mục đích đấu giá đất để ở, không phải để đầu cơ.

Đơn vị đang xem xét giải quyết đơn đề nghị của ông Tùng để đề xuất cấp thẩm quyền cân nhắc, kiểm tra, từ đó có phương án giải quyết theo đúng quy định pháp luật, có xem xét điều kiện thực tế của ông Tùng và diễn biến sự việc.

Đúng ngày cuối cùng của năm 2023, UBND huyện Mê Linh (Hà Nội) tổ chức đấu giá 47 thửa đất ở thôn Chu Trần (xã Tiến Thịnh), với sự tham gia đấu giá của 175 người. Các thửa đất có diện tích từ gần 84 - 300m2, với mức giá khởi điểm từ 23,2 - 31,9 triệu đồng/m2.

Tại phiên đấu giá, chỉ có một số thửa đất có đông người tham gia đấu giá, nhiều nhất 19 hồ sơ, ít nhất 2 hồ sơ. Hầu hết giá trúng cao hơn giá khởi điểm 1-5 triệu đồng một m2, mức chênh lệch cao nhất 47,6 triệu đối với thửa đất có giá khởi điểm 30 triệu đồng một m2.

Tuy nhiên, khi quá nửa số thửa đất đã đấu giá thành công, đấu giá viên công bố các phiếu trả giá cho thửa đất 102m2, giá khởi điểm 30 triệu đồng một m2, thì hội trường đấu giá bỗng huyên náo. Một cá nhân tên Nguyễn Thanh Tùng đã trả 4,28 tỷ đồng một m2 cho thửa đất trên, gấp 142 lần giá khởi điểm và trở thành người trúng đấu giá. Đấu giá viên điều hành đã đề nghị ông Tùng cầm căn cước công dân lên bàn thư ký phiên đấu giá để ký biên bản như những người trúng giá trước đó.

Kết thúc phiên đấu giá, ông Tùng đã nán lại nói chuyện với đơn vị tổ chức đấu giá và đại diện chính quyền huyện.

Trao đổi với báo chí, ông Tùng cho biết đây là lần đầu đi đấu giá quyền sử dụng đất nên "tâm lý hơi căng thẳng và cuống nên đã ghi nhầm". Ông mong muốn cơ quan chức năng xem xét cho xin rút lại tiền cọc hơn 600 triệu đồng (bằng 20% giá trị thửa đất tính theo giá khởi điểm) vì "đó là số tiền lớn".

Trao đổi với VietnamFinance sau vụ đấu giá đất nhầm, ThS Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý bất động sản, cho biết qua nghiên cứu hồ sơ mời tham gia đấu giá được đăng tải công khai trên Cổng TTĐT của huyện Mê Linh, ông tìm thấy lý do dẫn đến sự nhầm lẫn của người tham gia đấu giá. Theo mẫu phiếu trả giá ghi: "Tôi xin trả giá cho thửa đất có ký hiệu… đã đăng ký đấu giá là: Số tiền: … (bằng số) đồng/m2; Bằng chữ: … đồng".

Như vậy, ông Đỉnh cho rằng ở đây đã có sai sót nghiêm trọng trên phiếu trả giá, có sự không thống nhất về đơn vị: Số tiền bằng số là đồng/m2; bằng chữ là đồng (lẽ ra số tiền bằng chữ cũng phải là đồng/m2). Từ sai sót này có thể đặt dấu hỏi về năng lực của tổ chức đấu giá tài sản, làm sao có thể để 1 sai sót rất căn bản và không đáng có như vậy xảy ra? Từ đây, có thể thấy có căn cứ về việc ông Tùng bị nhầm lẫn do phiếu trả giá có sai sót.

Nếu xét theo lập luận của đấu giá viên điều hành phiên đấu giá: trong trường hợp giá trả của khách hàng ghi bằng số hay bằng chữ có sự sai lệch thì đấu giá viên vẫn căn cứ giá trả bằng chữ để xác định. Đây là nguyên tắc chung về “sửa lỗi”, “hiệu chỉnh sai lệch”… trong các cuộc đấu giá, đấu thầu. Theo nguyên tắc này, phải ưu tiên xét theo giá trả bằng chữ (thể hiện ông Tùng trả 4,28 tỷ đồng cho toàn bộ thửa đất), không ưu tiên giá trả bằng bằng số!?

Theo Điều 126 Bộ luật dân sự 2015: “Trường hợp giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu…”.

"Như vậy, ông Tùng nếu cho rằng bản thân mình bị nhầm lẫn, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì có thể đề nghị Tòa án giải quyết. Trường hợp này, phiếu trả giá (có sai sót nghiêm trọng) chính là chứng cứ quan trọng nhất bảo vệ ông Tùng", ông Đỉnh nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác