Vụ đấu giá 'dở khóc dở cười': Bỏ 436 tỷ mua 100m2 đất rồi xin rút lại cọc

Lệ Chi - 02/01/2024 06:22 (GMT+7)

(VNF) - Gần đây có nhiều phiên đấu giá đất gây xôn xao dư luận, trong đó đáng chú ý là vụ đại gia Hà Nội trúng đấu giá nhà hàng Thủy Tạ (Đà Lạt) bỏ cọc hơn 600 triệu đồng vì không được đổi tên nhà hàng, tiếp đó một người đàn ông trúng đấu giá 436 tỷ đồng cho mảnh đất hơn 100m2 xin rút tiền cọc vì "trả nhầm".

VNF
Đấu giá đảo hồ Xuân Hương: Đại gia Hà Nội bỏ cọc

Vụ đấu giá gây xôn xao nhất là trong buổi đấu giá ngày 30/10/2023 tại Lâm Đồng, ông Đoàn Hải Hà (trú tại Hà Nội) đã vượt qua nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn để thắng đấu giá thuê nhà hàng Thủy Tạ Đà Lạt sau 63 bước giá, số tiền tăng thêm hơn 12,1 tỷ đồng/năm. Tổng số tiền thanh toán là 151,5 tỷ đồng/10 năm thuê.

Có một doanh nghiệp lớn đã đấu giá lên mức 15 tỷ đồng nhưng sau đó không thắng vì ông Đoàn Hải Hà tiếp tục đẩy giá lên 15,15 tỷ đồng/năm và thắng đấu giá.

Tuy nhiên, vị đại gia này đã bỏ cọc sau khi trúng đấu giá vì đề nghị đổi tên nhà hàng Thủy Tạ thành HV không được chấp thuận. Theo người này, cách hiểu về quy hoạch kiến trúc của địa danh Thủy Tạ có khác nhau nên xảy ra việc này.

Liên quan đến vụ đấu giá này, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nói: “Sau khi đấu giá thành công, Sở Tài chính và UBND TP. Đà Lạt báo cáo kết quả khả quan khi mức trúng đấu giá cao. Tôi nhắn ngay là người ta sẽ bỏ cọc. Làm gì để có một tháng hơn 1,2 tỷ đồng để trả tiền đất, đó là chưa nói về doanh số, về lợi nhuận, về cơ hội đầu tư".

Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng nhận định sau khi người ta về suy nghĩ trong 30 ngày mới sinh ra một cái “mẹo” là xin được đổi tên Thủy Tạ. "Đó là kỹ thuật của người ta thôi. Không thể đổi tên Thủy Tạ thành Thủy Tạ HV hay Thủy Tạ AB gì đó được. Nó là câu chuyện mang tính truyền thống, mang tính lịch sử và không thể bán đứng chuyện đó được. Người ta đánh ngay vào vấn đề đó”, ông nói.

Trước đơn đề nghị hủy bỏ kết quả đấu giá đất của ông Hà, tháng 12/2023, lãnh đạo tỉnh này đã ban hành quyết định hủy kết quả đấu giá cho thuê 10 năm nhà hàng Thủy Tạ. Ông Đoàn Hải Hà cũng chấp nhận bỏ không lấy lại số tiền cọc hơn 608 triệu đồng.

Đúng ngày cuối cùng của năm 2023, UBND huyện Mê Linh (Hà Nội) tổ chức đấu giá 47 thửa đất ở thôn Chu Trần (xã Tiến Thịnh), với sự tham gia đấu giá của 175 người. Các thửa đất có diện tích từ gần 84 - 300m2, với mức giá khởi điểm từ 23,2 - 31,9 triệu đồng/m2.

Phiên đấu giá đất tại Mê Linh vào cuối năm 2023.

Tại phiên đấu giá, chỉ có một số thửa đất có đông người tham gia đấu giá, nhiều nhất 19 hồ sơ, ít nhất 2 hồ sơ. Hầu hết giá trúng cao hơn giá khởi điểm 1-5 triệu đồng một m2, mức chênh lệch cao nhất 47,6 triệu đối với thửa đất có giá khởi điểm 30 triệu đồng một m2.

Tuy nhiên, khi quá nửa số thửa đất đã đấu giá thành công, đấu giá viên công bố các phiếu trả giá cho thửa đất 102m2, giá khởi điểm 30 triệu đồng một m2, thì hội trường đấu giá bỗng huyên náo. Một cá nhân tên Nguyễn Thanh Tùng đã trả 4,28 tỷ đồng một m2 cho thửa đất trên, gấp 142 lần giá khởi điểm và trở thành người trúng đấu giá. Đấu giá viên điều hành đã đề nghị ông Tùng cầm căn cước công dân lên bàn thư ký phiên đấu giá để ký biên bản như những người trúng giá trước đó.

Kết thúc phiên đấu giá, ông Tùng đã nán lại nói chuyện với đơn vị tổ chức đấu giá và đại diện chính quyền huyện.

Trao đổi với báo chí, ông Tùng cho biết đây là lần đầu đi đấu giá quyền sử dụng đất nên "tâm lý hơi căng thẳng và cuống nên đã ghi nhầm". Ông mong muốn cơ quan chức năng xem xét cho xin rút lại tiền cọc hơn 600 triệu đồng (bằng 20% giá trị thửa đất tính theo giá khởi điểm) vì "đó là số tiền lớn".

Trường hợp đấu giá của ông Tùng hiện đang được cộng đồng mạng bàn tán, nhiều ý kiến cho rằng đây là câu chuyện hi hữu do ghi nhầm giá nên không thể tính như người bỏ cọc và xem xét trả lại cọc. Tuy nhiên, cũng có ý kiến rằng giấy trắng mực đen rồi khó có thể trả lại cọc, bởi như vậy sẽ tạo tiền lệ xấu. Hiện vụ trúng đấu giá vẫn đang chờ kết luận từ phía chính quyền.

Theo Luật Đấu giá tài sản, nếu người trúng đấu giá từ chối giao kết, không thực hiện hợp đồng thì sẽ bị mất tiền đặt cọc, đồng thời tiến hành đấu giá lại.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Đột nhập Làng Đại học Đà Nẵng quy hoạch 'treo' suốt 27 năm

Đột nhập Làng Đại học Đà Nẵng quy hoạch 'treo' suốt 27 năm

(VNF) - Dự án ở địa phần Đà Nẵng đến nay đã được giải phóng mặt bằng trên một diện tích lớn và vẫn còn một số hộ dân. Những căn hộ dời đi mặt bằng đã được đập để bàn giao mặt bằng sạch.