Vừa báo lãi nghìn tỷ, PVTrans vội ‘cài số lùi’ mục tiêu lợi nhuận năm 2023
Hải Đường -
23/03/2023 11:43 (GMT+7)
(VNF) - PVTrans lên kế hoạch kinh doanh thận trọng với mục tiêu doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm ở mức 2 chữ số trong năm 2023.
Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans, HoSE: PVT) đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất năm 2023 đạt 6.800 tỷ đồng, giảm 29% so với mức thực hiện năm 2022. Lợi nhuận sau thuế mục tiêu dự kiến đạt 538 tỷ đồng, tương đương giảm 53%.
Mức doanh thu và lợi nhuận mục tiêu này khá khiêm tốn so với kết quả kỷ lục mà doanh nghiệp đạt được trong năm 2022. Theo đó, cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế của PVT đều lập đỉnh trong năm 2022, đánh dấu lần đầu tiên đạt lãi sau thuế vượt 1.000 tỷ đồng trong suốt quá trình hoạt động.
Ban lãnh đạo PVT cho biết dù kinh tế toàn cầu đã cho thấy nhiều tín hiệu phục hồi trong những tháng đầu năm, giới phân tích vẫn quan ngại về không ít khó khăn, thách thức phía trước. Về thị trường dầu mỏ quốc tế, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt 101,9 triệu thùng/ngày vào năm 2023, tăng 2 triệu thùng/ngày so với năm trước, mức cao nhất trong vòng 3 năm qua.
Riêng Trung Quốc, nhu cầu dự kiến tăng 900.000 thùng/ngày, chiếm gần một nửa mức tăng dự báo của toàn thế giới khi nhu cầu xăng dầu, nhiên liệu cho sản xuất và đi lại tăng mạnh. Trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt do Nga sẽ cắt giảm mạnh sản lượng xuất khẩu dầu, dự báo giá dầu tăng mạnh từ giữa năm 2023.
Về thị trường vận tải biển quốc tế, triển vọng thị trường vận tải hàng lỏng gồm dầu thô, dầu sản phẩm nhìn chung vẫn tích cực nhờ nhu cầu vận chuyển tấn hải lý (tonne - mile demand) tăng trong bối cảnh nguồn cung tàu giới hạn.
Tuy nhiên triển vọng tăng trưởng có thể bị ảnh hưởng do các rủi ro liên quan đến sự tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự báo và việc cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+. Giá cước năm 2023 dự kiến sẽ hạ nhiệt sau khi tăng cục bộ trong năm ngoái.
Thị trường vận tải hóa chất và LPG dự báo duy trì ổn định, trong khi đó thị trường vận tải hàng rời cũng tích cực hơn do Trung Quốc mở cửa lại và sự hạ nhiệt dần của các bất ổn vĩ mô.
Về tiêu thụ xăng dầu nội địa, công suất hoạt động của các nhà máy dự kiến sẽ suy giảm khi cả hai nhà máy lọc dầu đều đến kỳ bảo dưỡng trong năm 2023. Trong đó, nhà máy lọc dầu Dung Quất bảo dưỡng 50 - 55 ngày, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn bảo dưỡng trong 45 - 50 ngày.
Theo ban lãnh đạo PVT, nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu trong nước có thể bị tác động tiêu cực bởi do suy giảm đà hồi phục nền kinh tế và lạm phát còn ở mức cao. Do đó sản lượng vận chuyển dầu thô, xăng dầu và khí LPG nội địa dự kiến sẽ thấp hơn năm ngoái.
Năm 2023, PVT dự kiến chi 4.114 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư. Trong đó, 3.854 tỷ đồng dành cho đầu tư tàu và 260 tỷ đồng đầu tư góp vốn vào các đơn vị thành viên như Công ty Cổ phần Vận tải và Tiếp vận Phương Đông Việt, Công ty Cổ phần Hàng hải Thăng Long, Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí Đông Dương...
Các nội dung này dự kiến được PVT trình ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 vào ngày 11/4 tới đây. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng sẽ trình các nội dung quan trọng khác như phương án phân phối lợi nhuận, phương án tăng vốn điều lệ từ 3.560 tỷ đồng lên 3.916 tỷ đồng qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, thay đổi nhân sự cấp cao.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone