Vướng nhiều luật, loạt dự án LNG tỷ USD nguy cơ chậm tiến độ

Kỳ Thư - 19/12/2024 12:30 (GMT+7)

(VNF) - Tại một số địa phương, quy trình phê duyệt chủ trương đầu tư và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án LNG vẫn còn lúng túng và chậm trễ. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ chậm tiến độ hàng loạt dự án LNG tỷ USD.

Dự án LNG: Thủ tục lúng túng và chậm trễ

2023 là năm đáng nhớ đối với ngành điện khí LNG khi Việt Nam chính thức ghi tên vào bản đồ LNG toàn cầu với vai trò là nhà nhập khẩu mới.

Đặc biệt, Việt Nam đang được biết đến là một nhà nhập khẩu tiềm năng và tương lai sẽ là mắt xích quan trọng trong chuỗi LNG toàn cầu nói chung và của khu vực Đông Nam Á nói riêng.

Bà Đặng Thị Thủy - Trung tâm thông tin và công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, thị trường LNG Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phát triển. Điển hình như xu hướng chuyển đổi sử dụng LNG đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, tạo cơ hội giúp Việt Nam thuận lợi tiếp cận với các nguồn cung LNG ổn định với mức giá tốt.

Lúng túng lựa chọn nhà đầu tư: Nhiều dự án LNG có nguy cơ chậm tiến độ

Bên cạnh đó, sự chuyển dịch của các nhà máy sản xuất trên thế giới về Việt Nam cùng với sự gia tăng của các nhà máy nhiệt điện khí trong nước mở ra thị trường tiềm năng cho thị trường LNG Việt Nam trong nhiều năm tới. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam có hoạch định chiến lược phát triển thị trường LNG rõ ràng, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước chuyển đổi sử dụng LNG.

Tuy nhiên, theo bà Thủy, thị trường LNG Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như do gia nhập thị trường LNG quốc tế muộn, Việt Nam buộc phải tuân thủ các thông lệ quốc tế được định sẵn trong quá trình nhập khẩu LNG.

Tuy nhiêm, phát triển điện khí LNG mới khởi đầu đã gặp nhiều khó khăn. Ông Lã Hồng Kỳ - Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước các dự án ngành năng lượng cho biết, tại một số tỉnh, quy trình phê duyệt chủ trương đầu tư và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án LNG vẫn còn lúng túng và chậm trễ. Chưa xác định rõ chủ đầu tư cho các đường dây đấu nối đồng bộ để giải tỏa công suất cho các nhà máy nhiệt điện LNG. Điều này dẫn đến trì hoãn trong triển khai các dự án truyền tải điện và thỏa thuận đấu nối giải tỏa công suất.

Hơn nữa, một số nhà đầu tư nước ngoài còn yêu cầu Việt Nam cung cấp bảo lãnh chính phủ về các vấn đề như chuyển đổi ngoại tệ, thanh toán và tiến độ đường dây truyền tải điện, khiến việc triển khai các dự án LNG thêm phức tạp.

Bên cạnh vướng mắc trong việc lựa chọn nhà đầu tư, vị chuyên gia này cũng chỉ ra thêm những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch cục bộ, công tác bàn giao đất, cho thuê đất đối với dự án nguồn và tuyến đường dây đấu nối đồng bộ để giải tỏa công suất cho các dự án.

“Trong quá trình triển khai khó lường hết được những vướng mắc, có thể dẫn đến nguy cơ chậm tiến độ của các dự án LNG”, ông Kỳ nói.

Ông Nguyễn Đức Tùng, Viện Nghiên cứu chiến lược - chính sách công thương cho biết, Việt Nam hiện chỉ đóng vai trò nhập khẩu và tiêu thụ LNG, phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà cung cấp nước ngoài.

“Hiện, Việt Nam đang chỉ mới tiếp xúc với thị trường LNG thông qua các giao dịch ngắn hạn. Việc phụ thuộc vào các giao dịch ngắn hạn làm cho giá LNG thường xuyên biến động, chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như thị trường quốc tế, chính sách xuất nhập khẩu của các nước cung cấp, và các biến động giá nhiên liệu”, ông Tùng cho hay.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của các nhà máy điện và các cơ sở công nghiệp mà còn gây khó khăn trong việc lập kế hoạch đầu tư và hoạt động lâu dài.

Sớm hoàn thiện cơ chế và chính sách

Để tiếp tục gặt hái được những kết quả tích cực cũng như đảm bảo hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhiệt điện khí LNG đặt ra theo Quy hoạch điện VIII, nhiều chuyên gia nhấn mạnh, Việt Nam cần sớm xây dựng cơ chế và chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ các rào cản pháp lý và tài chính hiện nay.

Cần sớm xây dựng cơ chế và chính sách phù hợp.

Cụ thể, ông Tùng cho rằng, cần rà soát và chỉnh sửa các quy định về thủ tục, trình tự đầu tư trong các Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Môi trường, Luật Quy hoạch... để tạo điều kiện cho việc hoàn thiện và phát triển điện khí LNG.

“Các cơ chế chính sách được ban hành cần phải rõ ràng, khả thi, thực tế, bảo đảm quản lý và quy định hiệu quả, xây dựng hệ thống phân phối và tiếp cận thị trường và thúc đẩy hợp tác quốc tế”, ông Tùng nhấn mạnh.

Cùng với đó, Việt Nam cần phát triển đồng bộ khai thác nội địa kết hợp với nhập khẩu. Tăng cường công tác tìm kiếm và thăm dò các mỏ khí mới là ưu tiên hàng đầu. Điều này không chỉ giúp giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu mà còn tạo cơ hội khai thác các nguồn tài nguyên nội địa tiềm năng.

Đối với thu hút đầu tư các nhà máy điện khí LNG, vị chuyên gia này cho hay, Việt Nam cần xây dựng và ban hành cơ chế nhập khẩu và bố trí các nhà máy điện khí trên quy mô cả nước để giảm giá thành vận chuyển nhiên liệu, cũng như khả năng hấp thụ nguồn nhiên liệu LNG của nhà máy điện.

“Thực hiện rà soát và điều chỉnh các cơ chế mua bán điện khí LNG nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Đảm bảo một chính sách giá điện LNG ổn định và hợp lý sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, đồng thời đảm bảo lợi ích của các bên liên quan”, ông Tùng nói.

Ngoài ra, cũng cần ban hành cơ chế chuyển ngang giá LNG trong các hợp đồng mua bán LNG sang giá điện của các dự án điện khí LNG trong hợp đồng mua bán điện là điều kiện căn bản để đảm bảo hiệu quả và kích thích đầu tư cho các dự án điện khí LNG.

Điện khí và điện gió ngoài khơi vẫn còn rất 'xa bờ'

Điện khí và điện gió ngoài khơi vẫn còn rất 'xa bờ'

Tiêu điểm
(VNF) - Theo các chuyên gia, việc hiện thực hóa các dự án nguồn điện khí, khí LNG và điện ngoài khơi vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc do thiếu cơ chế chính sách, dẫn đến nguy cơ không đảm bảo tốc độ phát triển các dự án.
Cùng chuyên mục
Tin khác