Điện khí và điện gió ngoài khơi vẫn còn rất 'xa bờ'

Kỳ Thư - 27/10/2024 13:30 (GMT+7)

(VNF) - Theo các chuyên gia, việc hiện thực hóa các dự án nguồn điện khí, khí LNG và điện ngoài khơi vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc do thiếu cơ chế chính sách, dẫn đến nguy cơ không đảm bảo tốc độ phát triển các dự án.

Theo TS. Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, việc sửa đổi Luật Điện lực giúp khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư vào ngành năng lượng. Tuy nhiên, việc hiện thực hóa các dự án nguồn điện khí, khí LNG và điện gió ngoài khơi vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cùng với đó là nguy cơ không đảm bảo tốc độ phát triển các dự án.

Gần chục năm triển khai dự án điện khí

Đối với lĩnh vực điện khí, là đơn vị đang triển khai các dự án này, ông Nguyễn Duy Giang, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) cho biết, các dự án điện khí được công ty chuẩn bị trong 8 năm, trong đó quá trình làm thủ tục mất 2/3 thời gian, cho thấy vấn đề hoàn chỉnh thủ tục pháp lý chiếm nhiều thời gian thực hiện.

Gần chục năm triển khai dự án điện khí.

Theo ông Giang, trong quá trình triển khai, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn lớn vì giá nguyên liệu biến động, do đó cơ chế chuyển ngang giá đóng vai trò cần thiết. Bên cạnh đó, hiện có nhiều dự án điện khí không triển khai được vì vướng mắc ở mô hình tài chính, bên cho vay không xác định được nguồn tiền.

“Nếu không có nhận thức khác về thúc đẩy cơ chế mua bán điện thì không thể đẩy mạnh phát triển các dự án điện khí LNG. Từ bài học kinh nghiệm của dự án nhà máy điện khí Nhơn Trạch 3 và 4, kiến nghị Bộ Công Thương có cái nhìn thực tiễn để rút kinh nghiệm cho các dự án LNG về sau. Đề xuất mô hình tài chính các dự án bắt buộc phải có hợp đồng mua bán điện PPA”, ông Giang kiến nghị.

Bên cạnh đó, theo ông Giang, để triển khai một dự án điện khí mất trung bình 7-8 năm, do đó cần sớm hoàn thiện cơ chế, nhất là cơ chế thu hút đầu tư và vận hành thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia thị trường điện.

Còn theo ông Đinh Đức Mạnh, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas), các nhà đầu tư dự án điện khí LNG đang thực hiện theo hướng đầu tư kho cảng nhập LNG riêng lẻ, phân tán theo cấu hình một nhà máy một kho cảng. Điều này không thể tối ưu chi phí để giảm giá thành điện, có thể rủi ro không kịp thời triển khai các dự án, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng.

Theo Quyết định 893 ngày 26/7/2023 về phê duyệt Quy hoạch tổng thể năng lượng Quốc gia thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến 2050, ngoài các kho LNG kèm theo các nhà máy trong Quy hoạch điện VII, bổ sung thêm 4 kho cảng LNG trung tâm (LNG Hub).

Tuy nhiên, ông Mạnh cho biết, dự thảo luật Điện lực (sửa đổi) không có quy định về việc xây dựng các dự án nhiệt điện sử dụng LNG theo chuỗi gắn với LNG Hub. Do đó, ông Mạnh kiến nghị, xem xét cụ thể hóa trong luật Điện lực (sửa đổi) về cơ chế xây dựng các dự án nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên, LNG theo chuỗi gắn với LNG Hub để tận dụng cơ sở hạ tầng hiện hữu và đảm bảo hiệu quả của Nhà nước.

Bên cạnh đó, trong dự thảo luật Điện lực (sửa đổi), Chính phủ cần quy định cơ chế ưu tiên huy động, bảo đảm huy động các dự án nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên trong nước tối đa theo khả năng hấp thụ khí và các ràng buộc về nhiên liệu…

Thiếu cơ chế đặc thù cho phát triển điện gió ngoài khơi

Không chỉ những dự án điện khí đang gặp khó, mà các dự án điện gió ngoài khơi cũng đang rơi vào bối cảnh tương tự. Ông Nguyễn Tuấn, Trưởng ban Thương mại của Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) cho rằng, hiện tại Việt Nam đã chủ động được nhiều khâu trong phát triển điện gió ngoài khơi như khảo sát, mua sắm, thi công lắp đặt trạm biến áp ngoài khơi đến quản lý vận hành, tàu dịch vụ phục vụ dự án gần bờ. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong nước phát triển nguồn năng lượng này.

Thiếu cơ chế đặc thù cho phát triển điện gió ngoài khơi.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, nếu không đủ hành lang pháp lý, mục tiêu 6.000 MW đặt ra tại Quy hoạch Điện VIII sẽ khó đạt được. Vì thế, ông Tuấn đề xuất cơ quan quản lý có các chính sách ưu đãi đột phá với loại hình này. Các chính sách được nêu gồm miễn giảm tiền sử dụng đất, mặt nước, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hoặc hỗ trợ về vốn vay.

"Làm 1 GW điện gió ngoài khơi tốn kém mấy tỷ USD. Nếu không có cơ chế ưu đãi thì nhà đầu tư sẽ bỏ đi", ông Tuấn nói. Mặt khác, tại dự thảo Luật Điện lực sửa đổi, nhiều quy định vẫn chưa được cơ quan soạn thảo tiếp thu, dẫn tới thiếu cơ chế để phát triển điện gió ngoài khơi bền vững. Do đó, đại diện PTSC kiến nghị luật sửa lần này cần quy định việc giao Chính phủ, Thủ tướng quyết định phân kỳ các giai đoạn phát triển của ngành. Các tiêu chí chọn nhà đầu tư, phân cấp, thủ tục phê duyệt chủ trương... cũng cần rõ ràng tại dự luật này.

Tương tự, TS. Dư Văn Toán, Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra rằng, ngoài nhu cầu lớn từ phía nhà đầu tư, vướng mắc trong phát triển điện gió ngoài khơi là thiếu cơ chế đặc thù để thí điểm dự án, khung pháp lý về dài hạn.

Hiện Bộ Công Thương được giao báo cáo Chính phủ các thủ tục cần thiết để đề xuất Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thí điểm khảo sát điện gió ngoài khơi. Nhưng để thí điểm được dự án, ông Toán cho rằng, Quốc hội cần ban hành Nghị quyết, trong đó, nêu rõ quy mô thí điểm ở mức 1.000 - 2.000 MW, thời hạn và giá mua bán loại nguồn điện này.

"Đây là hai nơi có sức gió tốt, thuận lợi về mảng giao biển và dễ huy động các đối tác tham gia", TS. Dư Văn Toán nhấn mạnh.

Thông tin về dự thảo Luật, ở góc độ cơ quan quản lý, ông Đoàn Ngọc Dương, Phó Cục trưởng Cục Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết dự thảo Luật đã qua bản cập nhật thứ 5, quá trình xử lý giải quyết tiếp thu, có sàng lọc nhiều kiến nghị. Tuy nhiên, trong phát triển điện lực nói riêng và năng lượng nói chung, các vướng mắc còn đa dạng.

“Cơ quan soạn thảo sẽ nỗ lực giải quyết theo hướng tập trung xử lý tối đa các vấn đề phát sinh, thể chế hóa đường lối chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Nội dung nào chưa chín chưa được tổng kết kinh nghiệm từ thực tiễn, cơ quan soạn thảo áp dụng các quy định có tính khái quát và ban hành thông tư, nghị định hướng dẫn dưới Luật”, ông Dương nói.

Về kiến nghị kho LNG Hub, ông Dương cũng cho biết, dự thảo Luật không yêu cầu về nguồn cung, không giới hạn việc tự đầu tư hệ thống kho cảng đối với các chủ đầu tư, nhưng việc lấy nguồn từ kho cảng khác để tối ưu chí phí, hạ giá thành điện, tạo sức cạnh tranh sẽ được khuyến khích.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ các kiến nghị về cơ chế thí điểm cho các dự án năng lượng tái tạo khác trên tinh thần vấn đề nào chưa có kinh nghiệm trong thực tế sẽ được thực hiện theo nguyên tắc mang tính tổng thể.

Tập đoàn PNE của Đức khảo sát dự án điện gió 4,6 tỷ USD ở Bình Định

Tập đoàn PNE của Đức khảo sát dự án điện gió 4,6 tỷ USD ở Bình Định

Đầu tư
(VNF) - Ngày 22/10, Tập đoàn PNE của Đức đã có buổi khảo sát thực địa một số địa điểm dự kiến để nghiên cứu triển khai dự án điện gió ngoài khơi trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Cùng chuyên mục
Tin khác