Vượt qua 624 tiêu chí kiểm định, gạo Việt Nam chinh phục thị trường Nhật Bản

Hoài Hạnh - 09/10/2024 15:42 (GMT+7)

(VNF) - Gạo Việt Nam bắt đầu nhận được đánh giá cao từ các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản. Những thị trường này đã tăng sản lượng nhập khẩu gạo của Việt Nam qua từng năm.

Sự kiện Tập đoàn Tân Long kết hợp cùng Ngân hàng Kiraboshi của Nhật Bản đưa sản phẩm gạo thương hiệu Việt Nam thứ hai sang thị trường Nhật Bản ngày 9/10/2024, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của thương hiệu gạo Việt Nam tại thị trường khó tính này.

Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Đức Minh cho biết, gạo Việt Nam bắt đầu nhận được đánh giá cao từ các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản. Những thị trường này đã tăng sản lượng nhập khẩu gạo của Việt Nam qua từng năm.

Năm 2022, sản phẩm gạo ST25 được bày bán tại siêu thị Nhật Bản, đánh dấu lần đầu tiên một thương hiệu gạo của Việt Nam chinh phục thành công một trong những thị trường tiêu dùng khắt khe nhất thế giới. Việc ra mắt dòng sản phẩm thứ hai, tiếp tục khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản quốc gia, tự tin chinh phục những thị trường khó tính, trong đó có Nhật Bản.

Để có mặt trên thị trường này, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Tập đoàn Tân Long bày tỏ, nhờ quy trình canh tác theo đúng chuẩn kỹ thuật kiểm soát dư lượng đạt chuẩn nên đã được đối tác tin tưởng. Thương hiệu nội địa Việt Nam sẽ từng bước chinh phục những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu”, Chủ tịch Tập đoàn Tân Long nói.

Ông Trương Sỹ Bá chia sẻ: Năm 2022, tập đoàn đã thử nghiệm thành công 5 container (khoảng 100 tấn) gạo ST25 đến thị trường Nhật Bản. Tân Long xem đó là bước khởi đầu cho quyết tâm kiểm soát chất lượng, liên kết với bà con nông dân để thực hiện canh tác xanh, canh tác bền vững, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng như phân bón để có chất lượng gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi Nhật Bản.

Sau hai năm, Tân Long đã có đợt xuất khẩu gạo thứ hai ngoài gạo ST25 - gạo Japonica đã đến thị trường Nhật Bản thành công với sản lượng năm nay dự báo khoảng gần 6.000 tấn.

Chú thích ảnh; Khách hàng Nhật Bản tìm hiểu về gạo Việt Nam. (Ảnh: Xuân Giao/TTXVN)

Tuy nhiên, ngoài chất lượng, Tân Long phải thông qua “cầu nối” mới đưa được hàng hoá đến người tiêu dùng nước Nhật, đó là Ngân hàng Kiraboshi.

Theo ông Yoshino Takeshi, Giám đốc điều hành Ngân hàng Kirabosh, chính sách bảo hộ nông sản của Nhật Bản không cho phép các doanh nghiệp hai nước trực tiếp mua bán mặt hàng gạo, mà yêu cầu phải mua qua hình thức SBS (nhà sản xuất - nhà nhập khẩu - Chính phủ Nhật Bản - nhà phân phối). Việc tìm kiếm các đơn vị có thể tham gia hình thức mua bán SBS này rất có hạn, đòi hỏi Kiraboshi phải có nguồn thông tin được kiểm chứng khi kết nối các bên.

Ngoài việc nhập khẩu gạo Việt Nam phải vượt qua các quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật với 624 tiêu chí kiểm định qua 3 lần kiểm tra trước khi xuất khẩu sang Nhật Bản. Kiraboshi đóng vai trò là đơn vị tìm hiểu quy định hướng dẫn cho từng đơn vị từ nhà sản xuất đến nhà phân phối nắm được quy trình cũng những việc mình cần làm.

Đề cập đến lý do hợp tác với Tân Long để đưa gạo Việt Nam vào Nhật Bản, ông Yoshino Takeshi cho biết, nắm bắt được mong muốn của cộng đồng người Việt tại Nhật Bản được sử dụng sản phẩm gạo quê hương, với nguồn thông tin và các mối quan hệ sẵn có, Kiraboshi đã đề xuất các doanh nghiệp Nhật Bản nghiên cứu nhập khẩu gạo Việt Nam.

Song song với đề xuất này, Kiraboshi đã tìm kiếm kết nối các nhà sản xuất gạo tại Việt Nam. Trong quá trình này, Kiraboshi đóng vai trò là đơn vị đề xuất thực hiện dự án, cung cấp thông tin, kết nối giới thiệu các bên tham gia dự án và tài trợ vốn để thực hiện.

Đối với dự án nhập khẩu ST25 năm 2022, theo ông Yoshino Takeshi, do là lần đầu tiên thực hiện nên các bên đã gặp nhiều khó khăn về việc tìm hiểu thông tin thủ tục cũng như quy trình thực hiện, dẫn đến thời gian hoàn thành dự án mất 1,5 năm. Tuy nhiên, đối với dự án nhập khẩu gạo Japonica lần này, thời gian rút gọn chỉ còn 6 tháng từ khi tiếp nhận đơn hàng.

Nhận định về tiềm năng của gạo Việt Nam tại thị trường Nhật Bản, ông Yoshino Takeshi cho rằng hiện có gần 600.000 người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, tạo ra nhu cầu lớn sử dụng các sản phẩm quê hương, trong đó có gạo Việt Nam.

Bên cạnh đó, Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng thiếu gạo trong nước nên việc tìm nguồn gạo thay thế cho các hệ thống nhà hàng, nhà máy gia công sử dụng gạo sẽ rất cấp bách. Sản phẩm gạo Japonica của Việt Nam có những nét tương đồng với gạo Nhật Bản nên sẽ được xem xét là sản phẩm thay thế tiềm năng cho gạo Nhật.

Cùng chuyên mục
Tin khác