Tài chính quốc tế

World Cup 2018: Những công nghệ thông minh nào sẽ được áp dụng?

Ngay khi giải bóng được bắt đầu, những cải tiến mới nhất thế kỉ 21 về công nghệ cho bóng đá cũng sẽ được áp dụng trong suốt 64 trận đấu.

World Cup 2018: Những công nghệ thông minh nào sẽ được áp dụng?

Những công nghệ thông minh được áp dụng trong World Cup 2018

World Cup 2018 - sự kiện thể thao được mong đợi nhất toàn cầu sẽ chính thức khai mạc ngày 14/6 với sự tranh tài 32 đội tuyển mạnh nhất cùng hàng loạt ngôi sao hàng đầu làng bóng thế giới.

Và ngay khi giải bóng được bắt đầu, những cải tiến mới nhất thế kỉ 21 về công nghệ cho bóng đá cũng sẽ được áp dụng trong suốt 64 trận đấu.

VAR - Trợ lý video hỗ trợ trọng tài (video assistant referee)

Tháng 3/2018, FIFA đã quyết định lần đầu tiên áp dụng công nghệ này nhằm hỗ trợ trọng tài tại World Cup 2018.

Trước đó, VAR đã được thử nghiệm trong hai năm ở các giải đấu nhỏ hơn như Confederation Cup (năm 2017).

VAR là hệ thống các camera quay và truyền hình ảnh về máy tính trung tâm. Hình ảnh này giúp kiểm tra lại các tình tiết gây tranh cãi trên sân cỏ.

Trọng tài chính của trận đấu có thể tham vấn với trợ lý hoặc tự mình xem lại hình ảnh trên một thiết bị chuyên dụng đặt tại đường biên giữa sân. VAR kết nối ba hệ thống camera khác nhau, gồm:

- Hawk Eye: gồm từ 7 đến 14 camera tốc độ cao gắn trên nóc sân vận động. Hawk Eye sẽ dự báo đường di chuyển của trái bóng để bảo đảm cho ít nhất có hai camera ghi lại được. Khi bóng lăn qua vạch cầu môn, đồng hồ của trọng tài chính sẽ phát tín hiệu báo bóng đã vào lưới.

- GoalControl-4D: gồm 14 camera đặt bên khung thành, theo dõi đường di chuyển của bóng và gửi tín hiệu đến đồng hồ của trọng tài chính.

- GoalRef: là hệ thống cảm ứng điện từ gắn lên xà ngang và cột dọc của khung thành, tạo nên một từ trường. Khi trái bóng lăn qua vạch cầu môn, ra khỏi đường biên, con chip bên trong trái bóng sẽ phát tiếng, đồng thời đồng hồ của trọng tài chính cũng sẽ nhận được tín hiệu.

>>> Xem thêm: Chân dung 10 ‘thuyền trưởng’ có mức lương cao nhất tại World Cup 2018

Chất xịt tan

Chất xịt được dùng để vẽ vạch giới hạn vị trí của cầu thủ trong các tình huống đá phạt, lập hàng rào và mất màu ngay sau khi tình huống được thực hiện xong.

Hiện chưa công bố tên hãng sản xuất chất xịt cho World Cup 2018, nhưng theo thông tin từ ban tổ chức cho biết thì khả năng cao là do Nga sản xuất, được cải tiến so với các chất xịt hiện có.

Đai gắn chai xịt cũng được củng cố để không cản trở trọng tài khi chạy từ đầu sân đến cuối sân. Chất xịt cũng đáp ứng tốt với điều kiện nhiệt độ thay đổi, với mặt sân cỏ nhân tạo lẫn tự nhiên.

Bóng thông minh

Đó là Telstar 18 – được hãng Adidas chính thức ra mắt tháng 11/2017. Bóng có 2 màu đen trắng chủ đạo, lấy cảm hứng từ trái Telstar đầu tiên của World Cup 1970 diễn ra tại Mexico.

Tuy nhiên, với các tiến bộ khoa học công nghệ được Adidas phát triển qua nhiều năm. Telstar 18 là trái bóng được tích hợp công nghệ cao nhất trong lịch sử. Bên trong mỗi quả bóng được nhúng một con chip điện tử NFC (giao thức kết nối trường gần), cho phép các trọng tài có thể tương tác với nó thông qua điện thoại thông minh.

Đồng thời, tốc độ và quỹ đạo của quả bóng cũng được theo dõi và phân tích. Mỗi quả bóng tạo ra một định danh duy nhất, mở khóa những nội dung và thông tin độc quyền cho người dùng về các chi tiết của từng quả bóng, đồng thời cung cấp quyền truy cập vào những thử thách mà người dùng có thể tham gia trước World Cup.

Để kết nối, người dùng chỉ cần kích hoạt tính năng NFC rồi chạm smartphone Android vào logo NFC trên trái bóng.

Telstar 18 chỉ tương thích với iPhone 7 và thiết bị chạy iOS 11 trở lên. Người dùng cũng phải sử dụng ứng dụng giao tiếp NFC của bên thứ ba do hệ điều hành này không hỗ trợ.

Telstar 18 là kết quả của bốn năm thiết kế và thử nghiệm của Adidas. Trái bóng này đã phải trải qua một loạt các thử nghiệm nghiêm ngặt trên cả ba lục địa, ở nhiều độ cao và các mức nhiệt độ khác nhau, từ dưới mức đóng băng tới hơn 100 độ C.

Thậm chí nó đã bị bắn ra khỏi một khẩu súng, vào thẳng một bức tường kim loại hàng ngàn lần với vận tốc hơn 50km/h.

Sân cỏ sử dụng công nghệ hiện đại nhất lịch sử World Cup

Việc sử dụng hệ thống SISAir được coi là mang tính “cách mạng” trong việc tạo ra một sân cỏ đặc biệt nhất từ trước đến nay trong lịch sử World Cup.

Hệ thống này giúp kiểm soát được nhiệt độ, độ ẩm của đất, loại bỏ nước thừa thông qua mạng lưới đường ống dưới sân, tức là tối ưu hóa các điều kiện giúp cỏ phát triển tốt nhất và phục hồi sân nhanh hơn.

Sân vận động Luzhniki, nơi diễn ra trận chung kết World Cup 2018 được trang bị thảm cỏ đặc biệt này. Thảm cỏ đặc biệt này gồm 95% cỏ tự nhiên và 5% sợi PE, được trồng theo công nghệ tiên tiến, được chiếu sáng và sưởi ấm bằng dàn máy di động đặc biệt có độ chính xác cao. Sân cỏ có độ nảy ổn định và độ bền cao hơn đáng kể so với sân cỏ hoàn toàn tự nhiên.

Việc xây dựng Luzhniki Olympic Complex bắt đầu vào năm 1954 và kết thúc sau 450 ngày. Sân vận động chính thức khai trương vào ngày 31/7/1956.

Xe buýt không người lái

Các cổ động viên tại Moskva sẽ được di chuyển trên những chiếc xe buýt tự hành mang tên Matreshka và xe con thoi “Suttle”, do Tập đoàn Volgabus hợp tác với hãng BMG (Bakulin Motors Group) và “Kamaz” sản xuất.

Hệ thống camera tần số cao giúp những chiếc xe "không người lái" này tránh được các vật cản trên đường. Mỗi chiếc xe tự hành Matreshka và Suttle có thể chở được đến 12 người.

Những chiếc xe Matreshka có thể tự lái với tốc độ 15-20km/h, còn những chiếc xe con thoi "Suttle" có thể đạt tốc độc tối đa 40 km/h. Xe không người lái Matreshka chạy bằng pin với quãng đường chạy liên tục lên đến 130 km.

Đối với xe con thoi Suttle, quãng đường tối đa là 200 km. Đặc biệt, các cổ động viên bóng đá khi tới Thủ đô Moskva của Nga cổ vũ World Cup năm nay có thể sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh để "gọi xe" Suttle.

>>> Xem thêm: Lịch phát sóng World Cup 2018 trên các kênh VTV theo giờ Việt Nam

Tin mới lên