Tài chính quốc tế

World Cup 2018 sẽ là cú hích cho nền kinh tế Nga?

(VNF) - Buổi lễ khai mạc World Cup 2018 đã chính thức diễn ra ngày 14/6 tại sân vận động Luzhniki, Moscow (Nga). Đây là lần đầu tiên ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh được tổ chức tại một quốc gia thuộc Đông Âu và cũng là lần đầu tiên được tổ chức tại một quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho nền kinh tế Nga, không chỉ cho năm diễn ra World Cup mà còn đóng góp ít nhất cho nền kinh tế Nga trong 5 năm tiếp theo.

World Cup 2018 sẽ là cú hích cho nền kinh tế Nga?

World Cup 2018 sẽ là cú hích cho nền kinh tế Nga?

Kỳ World Cup đắt nhất trong lịch sử

Nga đã vượt qua nhiều "đối thủ" nặng ký như liên minh Tây Ban Nha/Bồ Đào Nha, liên minh Bỉ/Hà Lan hay Anh để giành được quyền đăng cai ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh năm 2018.

Theo tính toán, Nga mạnh tay đầu tư tới 14 tỷ USD cho mùa World Cup 2018. Con số này nhiều hơn 2 tỷ USD so với Giải bóng đá vô địch thế giới 2014 tại Brazil, gấp 3 lần Nam Phi và là kỳ World Cup đắt nhất trong lịch sử.

Kể từ khi Nga giành được quyền đăng cai World Cup 2018 trong cuộc bỏ phiếu hồi năm 2010, ngân sách chính thức cho giải đã được điều chỉnh sửa đổi đến 12 lần.

Cụ thể, nước chủ nhà World Cup 2018 chủ yếu chi cho cơ sở hạ tầng giao thông (6,11 tỷ USD), xây dựng sân vận động (3,45 tỷ USD) và chỗ ở (680 triệu USD).

Kể từ thời điểm công bố về việc chuẩn bị cho World Cup 2018 vào năm 2014, đến nay Moscow đã xây dựng 27 khách sạn với 5.000 phòng. Trong thành phố đã bổ sung thêm lượng lớn các số phòng khách sạn để đáp ứng nhu cầu cao của khách du lịch mùa World Cup.

Lễ khai mạc World Cup 2018 đã diễn ra thành công trên sân vận động Luzhniki ngày 14/6.

Ngoài 8 sân vận động được xây mới, 4 sân vận động được sửa chữa, Nga đã bổ sung thêm 3 trạm tàu điện ngầm mới, xây dựng lại 31 ga đường sắt trong 11 thành phố tổ chức giải. Hạ tầng giao thông được nâng cấp từ 5% ở St.Petersburg cho đến 74% ở Kazan.

Để tạo thuận lợi cho người hâm mộ trong quá trình đi lại, Nga đã cung cấp vé tàu miễn phí trên 728 chuyến tàu bổ sung kết nối các thành phố tổ chức sự kiện trong thời gian diễn ra các trận cầu. Có khoảng 100 chiếc xe buýt cỡ lớn và cực lớn di chuyển giữa hai sân vận động “Luzhniki” (sân chính) và “Spartak”, cũng như đến các sân bay và bến tàu điện ngầm.

Đồng thời, an ninh cũng được thắt chặt trên khắp 11 thành phố sẽ diễn ra các trận cầu hấp dẫn của World Cup 2018. Hàng nghìn cảnh sát được trang bị vũ khí hiện đại sẵn sàng làm nhiệm vụ khi cần thiết.

Ngoài ra, các chiến đấu cơ của Không quân Nga như Mi-28, MiG-29 sẽ liên tục theo dõi các sân bay và bầu trời trong suốt giải đấu. Nga còn triển khai những vũ khí hiện đại để đảm bảo an ninh như hệ thống tên lửa đất đối không gần các sân vận động, thiết bị phát hiện bức xạ để ngăn chặn các vụ tấn công hạt nhân hay “bom bẩn”.

Nga sẽ thu về bao nhiêu?

World Cup 2018 được kỳ vọng sẽ tạo được một "cú hích" cho nền kinh tế Nga. Hãng thông tấn Reuters dẫn nguồn tin cho biết, dự kiến khoảng 570.000 người hâm mộ nước ngoài và 700.000 người Nga sẽ tham dự các trận đấu World Cup năm nay.

Theo Hiệp hội các nhà tổ chức du lịch Nga, số lượng giữ chỗ đặt vé máy bay quốc tế tới Nga vào thời điểm World Cup hiện đã cao hơn gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhằm kích cầu mua sắm dịp World Cup, Nga đã giới thiệu hệ thống hoàn thuế giá trị gia tăng tại các thành phố đăng cai World Cup. Theo hệ thống này, người nước ngoài là công dân các nước không thuộc Liên minh kinh tế Á-Âu sẽ được hoàn thuế ở mức 10-12% giá trị mua hàng, khi mua từ 10.000 Ruble (khoảng 170 USD) trở lên trong cùng một ngày.

Theo tính toán của Ủy ban Tổ chức World Cup của Nga, vòng chung kết World Cup ước tính sẽ đóng góp 150 tới 210 tỷ Ruble, tương đương khoảng 2,5 tỷ - 3,5 tỷ USD cho nền kinh tế Nga mỗi năm, trong 5 năm tiếp theo.

Dự kiến khoảng 570.000 người hâm mộ nước ngoài và 700.000 người Nga sẽ tham dự các trận đấu World Cup năm nay.

Một nghiên cứu mới về tác động của World Cup tới kinh tế cho thấy, GDP của Nga có thể tăng lên khoảng 26 tỷ USD (khoảng 1,62 triệu tỷ rúp) đến 30,8 tỷ USD trong 10 năm từ 2013 đến 2023. Mức tăng trưởng này là nhờ du lịch ngày càng phát triển, tăng chi tiêu cho xây dựng với các khoản đầu tư của Chính phủ.

“World Cup mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể. Giải đấu giúp thúc đẩy kinh tế của nước chủ nhà và sẽ tiếp tục tác động tích cực với nền kinh tế trong dài hạn”, Phó thủ tướng Arkady Dvorkovich nói trong báo cáo.

Trước đó, Nga cũng chi một số tiền lớn để tổ chức Olympic Sochi 2014, với khoảng 50 tỷ USD theo một ước tính của Chính phủ. Sự kiện này được xem như là chìa khóa cho uy tín của nước chủ nhà và cũng trở thành thế vận hội mùa đông tốn kém nhất lịch sử. Do đó, với Nga, World Cup 2018 cũng có vai trò tương tự.

"World Cup 2018 mang đến một hiệu quả kinh tế đáng kể. Giải đấu này thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các nước chủ nhà và vẫn còn tiếp tục có những tác động kinh tế tích cực và lâu dài ", theo nhận định của Phó Thủ tướng Arkady Dvorkovich.

Nguy cơ lỗ?

Chuyện nước chủ nhà của một kỳ đại hội thể thao lớn phải gánh chịu những hậu quả nặng nề về kinh tế, lẫn an sinh xã hội sau khi giải đấu kết thúc xưa nay không hề hiếm.

Tính riêng trong vòng 20 năm trở lại đây, chỉ duy nhất người Mỹ thắng lợi sau khi tổ chức thành công Thế vận hội Atlanta 96. Số còn lại đều gặp phải những vấn đề trầm trọng sau những màn vung tay quá trán.

Trong mùa World Cup 2014, Brazil cũng đã bỏ ra tới 12 tỷ để nâng cấp hạ tầng và thực hiện các khâu chuẩn bị cho giải bóng đá lớn nhất hành tinh. Sở dĩ nước chủ nhà Brazil phải chi nhiều đến vậy là do nạn tham nhũng, do chậm trễ trong thi công khiến chi phí phát sinh và hầu hết cơ sở hạ tầng của đất nước Nam Mỹ, nhất là đường sá đều đã xuống cấp nghiêm trọng.

Tuy nhiên, số tiền mà Brazil thu lại chưa xứng đáng với kỳ vọng và còn kém xa với doanh thu 11 tỷ USD mà Chính phủ nước này đã hứa với người dân trước khi World Cup 2014 khởi tranh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại lễ khai mạc World Cup 2018.

Cụ thể, trong thời gian diễn ra World Cup, Brasil đón khoảng 3,2 tỷ lượt khách du lịch, thu về khoảng 3,7 tỷ USD từ các ngành dịch vụ.

Bên cạnh đó, bốn sân vận động đã bị bỏ hoang ngay sau khi vòng bảng kết thúc, bao gồm các sân Amazonia (Manaus), Pantanal (Cuiaba), Baixada (Curitiba), Dunas (Natal). Trong đó, sân Amazonia được xây mới với tổng chi phí lên tới 300 triệu USD, và là nơi chẳng có bất cứ CLB nào thi đấu.

Trong quá khứ, thua lỗ từ việc tổ chức World Cup không phải quá xa lạ. Hy Lạp là quốc gia hứng chịu hậu quả nặng nề nhất. Olympic Athens 2004 chẳng mang lại chút sinh khí mới nào cho nền kinh tế quốc gia Nam Âu. Trái lại, nó còn khiến đất nước này ngập trong nợ nần. 10 năm sau ngày trở thành nước chủ nhà kỳ Thế vận hội mùa hè, Hy Lạp vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm thiệt hại kinh tế đó.

Bồ Đào Nha (chủ nhà EURO 2004), Áo, Thụy Sỹ (EURO 2008), Ukraina, Ba Lan (EURO 2012) đều chẳng thu về chút lời lãi nào như dự tính. Kinh tế của những nước chủ nhà các VCK EURO gần đây đều suy sụp thấy rõ. Ngay đến một siêu cường kinh tế như Đức cũng lỗ (dù không nhiều) sau World Cup 2006.

Xem thêm >> Lịch thi đấu, lịch phát sóng trực tiếp bóng đá World Cup ngày 24/6/2018 chi tiết nhất

Tin mới lên