'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Chuyển đổi xanh – khái niệm được tích cực trao đổi, bàn luận tại các diễn đàn, sự kiện trong nhiều năm qua đã nhanh chóng trở thành một phần trong chiến lược hành động, mục tiêu của các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới. Tại Việt Nam, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cũng đang tích cực hướng tới một nền kinh tế xanh, phát thải thấp. Dẫu vậy, hành trình tới vạch đích còn nhiều chông gai, thử thách và khó khăn không dễ để vượt qua.
Xu hướng phát triển tất yếu
Theo báo cáo CxO Sustainability 2023 của Deloitte thực hiện thông qua khảo sát 500 lãnh đạo cấp cao trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, 63% lãnh đạo được hỏi cảm thấy lo ngại về rủi ro biến đổi khí hậu. Đây được coi là vấn đề cấp bách nhất mà các tổ chức cần tập trung đối diện, xếp trên triển vọng kinh tế và yêu cầu đổi mới. Với các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, nơi đóng góp hơn 70% tăng trưởng GDP toàn cầu vào năm 2023 nhưng cũng là nơi chịu trách nhiệm cho 58% lượng phát thải khí nhà kính trên toàn cầu (chủ yếu do khai thác năng lượng từ than đá), chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu.
Dù vậy, điều làm họ chùn chân là chi phí chuyển đổi xanh quá đắt đỏ và khó khăn khi đo lường tác động môi trường. Theo IMF, các nước mới nổi và đang phát triển tại khu vực này cần ít nhất 1,1 nghìn tỷ USD mỗi năm để giảm nhẹ tác động và đầu tư thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là một thách thức lớn, nhất là trong bối cảnh Chính phủ và doanh nghiệp các nước vẫn đang gặp khó trong việc tìm kiếm nguồn vốn chuyển đổi xanh sau đại dịch.
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), một nền kinh tế xanh được định nghĩa là nền kinh tế có lượng các-bon thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và xã hội bao trùm. Trong nền kinh tế xanh, sự tăng trưởng việc làm và thu nhập được thúc đẩy bởi đầu tư công và tư nhân vào các hoạt động kinh tế, cơ sở hạ tầng và tài sản cho phép giảm lượng khí thải các-bon và ô nhiễm.
Là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, Đông Nam Á và các quốc gia thành viên đang chạy đua với thời gian để đồng thời giải quyết bài toán nguồn vốn và quy định hiện hành. Coi chuyển đổi xanh là ưu tiên, lấy chính sách tài chính là chìa khóa, nhiều bước tiến trên khía cạnh hành lang pháp lý đã được các nước thi hành.
Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM) đã vạch ra ưu tiên chiến lược “Định vị hệ thống tài chính để tạo điều kiện chuyển đổi có trật tự sang nền kinh tế xanh hơn” trong Kế hoạch chi tiết ngành tài chính năm 2022-2026. Với tư cách là thành viên của Ủy ban hỗn hợp về biến đổi khí hậu Malaysia, ngân hàng đã công bố một loạt sáng kiến nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang thực hành các-bon thấp và nền kinh tế xanh hơn vào tháng 10/2023.
Singapore đã đưa ra hệ thống phân loại tài chính bền vững – hệ thống cũng được áp dụng chung cho khu vực ASEAN. Các ngân hàng và tổ chức tài chính Singapore đi đầu khu vực về việc tạo dựng các sản phẩm tài chính chuyển đổi cho khách hàng, trong đó có bộ ba tài liệu dành cho các nhà quản lý tài sản ngân hàng và công ty bảo hiểm, nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi ngành dịch vụ tài chính hướng tới một tương lai “Net zero”.
Tại Indonesia, Thỏa thuận hợp tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) được bổ trợ bởi sự ra mắt của Kế hoạch Đầu tư và Chính sách toàn diện vào tháng 11/2023. Tài liệu này hỗ trợ thiết kế lộ trình khử các-bon cho ngành điện của Indonesia, vạch ra kế hoạch chuyển đổi công bằng và làm cơ sở để thúc đẩy khoản tài trợ 20 tỷ USD của JETP cho các dự án cụ thể.
Nhiều thách thức trên con đường “xanh hóa”
Dựa trên định nghĩa của nền kinh tế xanh và cam kết của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, nhiều văn bản quan trọng, định hướng cho con đường phát triển bền vững của Việt Nam đã được ra mắt. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Chiến lược tài chính đến năm 2030 và Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 cùng các văn bản khác là những ví dụ tiêu biểu để theo đuổi mục tiêu xanh hóa các ngành kinh tế, tăng cường huy động vốn xanh, phòng chống biến đổi khí hậu thông qua áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, phát triển cơ sở hạ tầng.
Dẫu đã có cố gắng, Việt Nam vẫn đang vấp phải những trở ngại tương tự các thành viên trong khu vực, để lại những thách thức cho doanh nghiệp trên quá trình chuyển đổi xanh:
Về hành lang pháp lý, Việt Nam thiếu một hệ thống pháp luật đồng bộ, một bộ khung để các tổ chức, doanh nghiệp soi chiếu và thực hiện theo. Việt Nam vẫn chưa có quy định rõ ràng về tài chính bền vững, danh mục phân loại sản phẩm tài chính bền vững, quy định về năng lượng xanh và năng lượng tái tạo; quy định yêu cầu công bố thông tin về ESG còn chưa chi tiết; không có hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình. Các chính sách, quy định hỗ trợ tài chính và thuế suất đã lỗi thời, không phù hợp và không hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh.
Về tài chính xanh, theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam cần đầu tư bổ sung 368 tỷ USD cho đến năm 2040 để theo đuổi lộ trình Net zero. Dù vậy, doanh nghiệp Việt Nam lại đang bị giới hạn khi tìm kiếm nguồn lực tài chính. Thực trạng này đến từ lo ngại về rủi ro pháp lý của các sản phẩm tài chính bền vững khi chưa có chính sách và danh mục phân loại sản phẩm xanh. Ngoài ra, nhiều ngân hàng Việt Nam chưa xây dựng được khung tài chính bền vững phù hợp đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi của các doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp, các doanh nghiệp chưa có chiến lược phát triển bền vững phù hợp cùng với hệ thống quản lý, đo lường các tiêu chuẩn phát triển bền vững. Trong khi nguồn vốn tư nhân trở thành một phương án khả thi để giải đáp câu hỏi nguồn lực, những cơn đau đầu dai dẳng về lỗ hổng dữ liệu, công bố thông tin làm cản trở việc báo cáo phần nào làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư để hành động vì khí hậu.
Về nhân lực, chất lượng nhân lực phục vụ cho quá trình chuyển đổi xanh còn hạn chế. Trình độ khoa học công nghệ song hành với dây chuyền sản xuất có phần lỗi thời khiến quá trình chuyển đổi xanh tại các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, nhận thức về chuyển đổi xanh, nền kinh tế xanh còn mới mẻ với nhiều bộ phận, nhất là tại các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, mang đến thêm thách thức trong dài hạn.
Bài toán không của riêng ai
Như đã phân tích, những khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh sẽ không được giải quyết chỉ với cố gắng đơn phương của doanh nghiệp. Sự phối hợp, cộng tác và trao đổi sát sao giữa doanh nghiệp, tổ chức tài chính, cơ quan quản lý nhà nước chính là công thức hiệu quả để giúp doanh nghiệp hoàn thành sứ mệnh của mình:
Về phía doanh nghiệp, phải coi chuyển đổi xanh là định hướng không thể thay thế, doanh nghiệp cần có đánh giá và nhận định đúng đắn khi lồng ghép mục tiêu phát triển bền vững với chiến lược kinh doanh của mình. Thiết kế một kế hoạch xanh hóa phù hợp với nội tại, khả năng và tầm nhìn của doanh nghiệp, ban lãnh đạo và HĐQT cần lèo lái tổ chức đến những mục tiêu phát triển bền vững trên 3 yếu tố: Môi trường, Xã hội, Quản trị (ESG).
Trong 3 trụ cột này, Quản trị - Governance (G) là tiêu chí đo lường chính sách, thực tiễn quản trị công ty, là bệ đỡ tạo dựng niềm tin giữa công ty và các bên liên quan. Quản trị công ty tốt song hành với môi trường làm việc liêm chính, minh bạch, nơi mối quan hệ của ban lãnh đạo, HĐQT với nhân viên và các bên liên quan rõ ràng, thông suốt. Việc quản trị minh bạch là tiêu chí tiên quyết để giảm thiểu rủi ro, gia tăng lợi nhuận và cả chất lượng thông tin trong báo cáo tài chính. Việc quản trị tốt không dừng lại ở việc thu hút thêm nhà đầu tư, nâng hạng doanh nghiệp mà còn tác động tích cực lên chuỗi cung ứng, các bên liên quan mà doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào.
Về phía các tổ chức tài chính, đặc biệt là các ngân hàng thương mại, đóng vai trò chính trong việc tài trợ cho phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu, thông qua các sản phẩm và dịch vụ cho các ngành, các tổ chức tài chính hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường khả năng tiếp cận tài chính từ đó tăng tốc quá trình chuyển đổi xanh. Các tổ chức tài chính có nhiệm vụ xây dựng khung tài chính chuyển đổi phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp thông qua việc tham khảo các khung tài chính của các nước đi trước, các ngân hàng có khung tiên tiến; đồng thời “bắt bệnh” chính xác khó khăn của doanh nghiệp, từ đó thiết kế sản phẩm phù hợp.
Theo chúng tôi, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cần xây dựng chính sách tiền tệ hướng đến nền kinh tế xanh; tăng cường yêu cầu công bố thông tin quản lý rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu; nâng cao năng lực đánh giá rủi ro danh mục đầu tư; xác định các nguyên tắc loại trừ đối với các lĩnh vực không hỗ trợ để giảm thiểu rủi ro liên quan đến khí hậu và thiên nhiên...
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, như đã đề cập phía trên, hành lang pháp lý là “cánh cửa” cần được Chính phủ, Quốc hội, cơ quan quản lý nhà nước đặc biệt quan tâm nhằm mở ra một chương phát triển mới cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Một khi khung chủ trương, chính sách được xây dựng đồng bộ, đi vào thực thi có hiệu quả, đây sẽ là động lực lớn để các tổ chức, doanh nghiệp chuyển đổi xanh nhanh chóng về đích. Theo báo cáo của Deloitte, 65% lãnh đạo điều hành doanh nghiệp nhận định sự thay đổi trong môi trường pháp lý đã khiến tổ chức của họ tăng cường hành động vì khí hậu. Một khuôn khổ pháp lý rõ ràng, mang tính thống nhất còn là cơ sở để các ngân hàng thương mại xây dựng sản phẩm, đánh giá khi cấp tín dụng xanh.
Bên cạnh đó, việc tập trung nguồn lực để chuyển dịch sử dụng nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo sẽ vừa đóng góp bảo vệ môi trường, giảm thiểu các-bon và phát triển nguồn năng lượng sạch. Các ưu đãi về thuế, phí nên được tiếp tục duy trì nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới công nghệ theo hướng xanh hóa.
Tại Việt Nam, nếu không có những biện pháp thích ứng và giảm thiểu phù hợp, World Bank dự đoán biến đổi khí hậu sẽ khiến Việt Nam mất khoảng 12% đến 14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050. Việc thực hiện chuyển đổi xanh là chiến lược hiển nhiên để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, gây dựng vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Mang ý nghĩa rộng hơn việc tham gia sâu vào thị trường khu vực và quốc tế trong dài hạn, chuyển đổi xanh còn là bước đi đúng đắn bao hàm trách nhiệm xã hội, môi trường và cộng đồng xung quanh, cần được các doanh nghiệp và các bên liên quan tích cực tháo gỡ, tăng tốc, góp phần tạo dựng một nền kinh tế xanh, phát triển bền vững.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.