Xây dựng bộ tiêu chí đo lường phát triển và kiểm soát logistics xanh
Quang Thân -
27/11/2022 13:03 (GMT+7)
(VNF) - Việt Nam được đánh giá là một thị trường có nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ logistics, Chính phủ đang đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh hoá, phát triển ngành logistics thân thiện với môi trường theo cam kết của Việt Nam tại COP 26.
Phát biểu tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022 với chủ đề "Logistics xanh" ngày 26/11 tại Hải Phòng, Trưởng ban kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Ngành logistics vừa phải đảm bảo vai trò duy trì các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ, vừa phải có tư duy, tầm nhìn, thể hiện vai trò hàng đầu trong nỗ lực bảo vệ môi trường thì việc hướng đến phát triển ngành logistics xanh là đòi hỏi tất yếu. Điều này đòi hỏi cần xây dựng và ban hành bộ tiêu chí đo lường mức độ phát triển logistics xanh nhằm kiểm soát hoạt động logistics xanh, từ đó xây dựng những giải pháp phù hợp và hiệu quả.
Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới về Chỉ số Hiệu quả Logistics (LPI), tốc độ tăng trưởng ngành bình quân hàng năm của Việt Nam từ 14-16%, số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam 10 tháng đầu năm 2022 lên 616,30 tỷ USD, tăng 14,06% so với cùng kỳ năm 2021.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, duy trì mức tăng trưởng 2 con số, từng bước khẳng định được thương hiệu và vị thế của ngành trong khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dịch vụ logistics cũng đang nỗ lực chuyển đổi phương thức hoạt động, tăng cường đầu tư trang thiết bị, chú trọng đào tạo phát triển nhân lực, tích cực chuyển đổi số và chuyển đổi xanh nhằm thích ứng với điều kiện phát triển mới, đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn ngày càng cao của khách hàng trong việc sử dụng các dịch vụ thân thiện với môi trường.
"Mặc dù đạt những kết quả đáng ghi nhận, song ngành logistics còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém như: Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chi phí cao, năng lực cạnh tranh hạn chế, liên kết với các ngành hàng xuất khẩu chưa chặt chẽ, thiếu nhân lực chất lượng cao", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ rõ, đây là điểm nghẽn lớn kìm hãm sự phát triển của ngành logistics.
Trao đổi với VietnamFinance.vn bên lề diễn đàn, ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) cho biết: "Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền hiện là một trong những khu công nghiệp tại Việt Nam tiên phong trong mô hình phát triển logistics xanh. Logistics xanh trong khu công nghiệp là 1 hệ kinh tế sinh thái tuần hoàn khép kín. Logistics xanh có nghĩa là tiết kiệm nhưng tiết kiệm được cái gì? Hạn chế xả thải ra môi trường là hạn chế được bao nhiêu?".
Ông Điệp nêu ví dụ, trước đây, để vận chuyển rác thải từ các khu công nghiệp đến địa điểm xử lý phải mất hàng trăm km, thay vì đó thì nay có các nhà máy xử lý rác thải trực tiếp đặt trong các khu công nghiệp. Qua đó, giảm được chi phí, tiện lợi trong việc cung ứng, tiết kiệm được kho bãi...". Hiện nay, toàn bộ nhà máy trong KCN Nam Cầu Kiền đều đã áp dụng logistics xanh, thành 1 chuổi cung ứng và chuỗi này đã đem lại lợi ích kinh tế cho toàn bộ doanh nghiệp tham gia.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone