Tài chính

Yuanta: Giai đoạn định giá hấp dẫn đã qua nhưng VN-Index có thể tiến đến vùng 1.456 - 1.500 điểm

(VNF) - "Mức P/E 4 quý gần nhất của chỉ số VN-Index ở mức 18,2 lần cho thấy thị trường đã bước qua giai đoạn định giá rẻ. Điều này cho thấy việc lựa chọn cổ phiếu sẽ trở nên khó khăn hơn trong giai đoạn tới", phía Yuanta nhận định, đồng thời cho rằng 1.456 – 1.500 điểm có thể là vùng mục tiêu kỳ vọng cho sóng tăng 5 của chỉ số VN-Index.

Yuanta: Giai đoạn định giá hấp dẫn đã qua nhưng VN-Index có thể tiến đến vùng 1.456 - 1.500 điểm

Yuanta: Giai đoạn định giá hấp dẫn đã qua nhưng VN-Index có thể tiến đến vùng 1.456 - 1.500 điểm

"Thị trường vẫn có dư địa tăng nhưng khó chọn hơn" là thông điệp mà Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam gửi đến nhà đầu tư trong báo cáo thị trường chứng khoán (TTCK) tháng 7/2021 vừa công bố.

Theo chuyên gia của Yuanta, tình hình kinh tế vĩ mô trong tháng 6 nhìn chung bị gián đoạn do đợt bùng phát Covid-19 và số ca tăng lên. Điều này ảnh hưởng lên cả hàng hóa sản xuất và bán lẻ. Chỉ số PMI giảm xuống 44.1, thấp nhất 1 năm qua, cho thấy cả số lượng hàng sản xuất và nhu cầu đều giảm.

Tổng mức bản lẻ tháng 6 đã giảm 3% so với tháng trước và 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP khả quan hơn khi tăng 0,5% so với tháng trước và 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ các ngành cơ bản như điện, nước đã có sự tăng trưởng khả quan trong tháng 6.

"Chúng tôi cho rằng các hoạt động kinh doanh đang chững lại do tình hình Covid-19 trở nên phức tạp hơn trong tháng 6, tuy nhiên, hệ quả là không nhiều và các doanh nghiệp vẫn đang chờ đợi những tín hiệu rõ ràng hơn như quá trình tiêm vaccine để bắt đầu quay lại sản xuất kinh doanh", phía Yuanta nhận định.

Về lạm phát, số liệu cho thấy lạm phát tháng 6 đã tăng 0,19% so với tháng trước. Yuanta cho rằng lạm phát đã tạm thời bớt áp lực từ các mặt hàng trong nước và chỉ còn chịu ảnh hưởng từ giá các mặt hàng có tính liên kết mạnh với giá hàng hóa quốc tế như giá dầu, kim loại, hóa chất.

"Hiện nay, Chính phủ đang gấp rút tiến hành chiến dịch tiêm chủng toàn dân, theo chúng tôi đánh giá, tốc độ triển khai khá nhanh, ngoài khó khăn trong việc mua vaccine về nước thì công tác triển khai được toàn dân hưởng ứng, phối hợp với các cơ quan ban ngành. Việc hồi phục của các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam cũng sẽ hỗ trợ cho nền kinh tế trong nước nửa cuối năm. Chúng tôi ước tính GDP quý III tăng trưởng khoảng 6,66% và cả năm 2021 khoảng 6,35%", Yuanta nêu dự báo.

Về triển vọng TTCK, chuyên gia của Yuanta cho rằng thị trường đã đi qua giai đoạn định giá hấp dẫn.

"Mức P/E 4 quý gần nhất của chỉ số VN-Index ở mức 18,2 lần cho thấy thị trường đã bước qua giai đoạn định giá rẻ. Điều này cho thấy việc lựa chọn cổ phiếu sẽ trở nên khó khăn hơn trong giai đoạn tới", phía Yuanta cho hay.

Mặc dù vậy, theo công ty chứng khoán này, dư địa tăng trưởng của thị trường vẫn còn khi mức kháng cự P/E 4 quý gần nhất của chỉ số VN-Index là 22,2 lần. Cùng với đó, lãi suất được dự báo sẽ duy trì ở mức thấp trong quý III/2021, đây sẽ là yếu tố hỗ trợ chính cho xu hướng tăng của thị trường.

Tuy còn dư địa tăng nhưng Yuanta cũng lưu ý nhà đầu tư rằng động thái của Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tác động mạnh đến biến động lãi suất cũng như dòng tiền vào TTCK trong 6 tháng cuối năm 2021.

Thêm vào đó, thống kê cho thấy, TTCK thường có mức tăng trưởng thấp hơn trong 6 tháng cuối năm, so với 6 tháng đầu năm.

Cụ thể, theo thống kê từ năm 1950, khi chỉ số S&P500 tăng hơn 12,5% vào nửa đầu năm thì nửa cuối năm có mức tăng trung bình là 9,7%. Còn theo thống kê từ năm 2010 đối với chỉ số VN-Index, khi chỉ số này có mức tăng trung bình hơn 15,18% trong nửa đầu năm thì nửa cuối năm có mức tăng trung bình 5,61% so với mức đóng cửa đầu tháng 7/2021.

"1.456 – 1.500 điểm có thể là vùng mục tiêu kỳ vọng cho sóng tăng 5 của chỉ số VN-Index, tương ứng với mức tăng trưởng 2,75 – 5,85% so với mức giá đóng cửa phiên 1/7/2021", phía Yuanta dự báo.

Bên cạnh việc dự báo về triển vọng chỉ số chung, công ty chứng khoán này cũng nêu quan điểm về triển vọng các nhóm ngành.

Cụ thể, các ngành tích cực theo quan điểm của Yuanta gồm: Ngân hàng (nhờ duy trì môi trường lãi suất thấp và tín dụng tăng trưởng trở lại); Chứng khoán (nhờ TTCK tiếp tục tăng trưởng và thanh khoản duy trì ở mức cao) với cổ phiếu đề xuất gồm SSI, HCM, SHS, CTS; Bất động sản khu công nghiệp và các doanh nghiệp bất động sản có quỹ đất ở các khu vực vùng ven; Dệt may, thủy sản và logistic (nhờ hoạt động xuất khẩu tăng trưởng mạnh) với cổ phiếu đề xuất gồm TCM, GIL, MSH; Bán lẻ và sản xuất thực phẩm (nhờ tiêu dùng tăng trưởng và thay đổi mô hình kinh doanh trực tuyến) với cổ phiếu đề xuất gồm DGW, PET, MWG.

Các ngành tiêu cực theo quan điểm của Yuanta gồm: Xây dựng và vật liệu xây dựng (do tác động từ giá nguyên vật liệu tăng mạnh); Dịch vụ du lịch và giải trí (do ảnh hưởng từ dịch Covid-19).

Công ty chứng khoán này đặc biệt nhấn mạnh đến 2 ngành gồm: Ngân hàng và Bất động sản.

"Chúng tôi ưa thích các cổ phiếu ngân hàng bao gồm BID, STB, VCB dựa vào tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong năm 2021 và đang có mức định giá tương đối hấp dẫn. Dù vậy, định giá của toàn ngành đang ở mức cao so với quá khứ cũng như so với các ngân hàng trong khu vực với P/B dự phóng năm 2021 là 2,5 lần (dù các ngân hàng Việt Nam có ROE vượt trội so với các ngân hàng trong khu vực)", phía Yuanta đánh giá.

Với ngành bất động sản, nhìn về 6 tháng cuối năm 2021, công ty chứng khoán này cho rằng các thị trường vùng ven, nơi có các dự án hạ tầng giao thông được triển khai, vẫn sẽ duy trì được sức nóng. Các thị trường xung quanh 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM sẽ được tiếp sức với hàng loạt các dự án mới của các chủ đầu tư lớn như VHM, NLG, KDH, NVL.

"Như vậy, có thể thấy tâm điểm sức nóng của thị trường bất động sản đã di dời ra các thị trường vùng ven. Lực cung sẽ xuất hiện trong nửa cuối năm từ các chủ đầu tư lớn. Chúng tôi cho rằng các chủ đầu tư đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho những dự án vùng ven. Sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp cũng đang trong trạng thái khá mạnh với lượng tiền mặt lớn và tỷ lệ nợ thấp mặc dù dịch Covid-19 xảy ra, do đó bằng cách nào đó, thị trường tại những dự án của họ sẽ được 'hâm nóng'.

Tuy nhiên, khó lường hơn là sức khỏe tài chính của người mua nhà, liệu diễn biến của đại dịch có làm cho nhu cầu đầu cơ và tích lũy tài sản của doanh nghiệp giảm bớt? Câu hỏi chưa thể có câu trả lời chính xác", phía Yuanta nêu vấn đề.

Tin mới lên