Tài chính

AVG vi phạm nghiêm trọng các hành vi bị cấm theo quy định của Luật Giá?

(VNF) – "Nếu AVG lập kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh không đúng với thực trạng, tiềm năng phát triển của doanh nghiệp dẫn đến sai lệch kết quả thẩm định giá thì đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng các hành vi bị cấm theo quy định của Luật Giá", Hội Thẩm định giá Việt Nam cho biết.

AVG vi phạm nghiêm trọng các hành vi bị cấm theo quy định của Luật Giá?

AVG phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ, trung thực của thông tin, số liệu mà doanh nghiệp này cung cấp cho các doanh nghiệp định giá

Hội Thẩm định giá Việt Nam mới đây đã nhận được công văn của Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC đề nghị Hội giúp làm rõ trách nhiệm của AASC về một số nội dung có liên quan đến AASC trong việc cung cấp dịch vụ thẩm định giá cho Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) theo Kết luận số 355 của Thanh tra Chính phủ thanh tra Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe Nhìn Toàn Cầu (AVG).

Căn cứ Hồ sơ do AASC cung cấp, Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, giữa AASC và VCBS có ký kết hợp đồng tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp là phù hợp.

Tuy nhiên, khi có kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp AVG, VCBS đã sử dụng kết quả thẩm định giá do AASC xác định theo cam kết ngày 25/5/2015 của VCBS gửi AASC: "chỉ dùng để VCBS tham khảo, phục vụ cho việc thực hiện các dịch vụ tư vấn của VCBS", cung cấp cho bên thứ ba là Mobifone sử dụng mà không được ghi trong hợp đồng thẩm định giá và trong Bản cam kết là VCBS đã sử dụng kết quả thẩm định giá sai mục đích, sai cam kết và vi phạm Khoản 2, Điều 32 Luật Giá: "Việc sử dụng kết quả thẩm định giá phải đúng mục đích ghi trong hợp đồng thẩm định giá".

Hội Thẩm định giá nhấn mạnh, vi phạm này không thuộc trách nhiệm của AASC theo quy định của pháp luật và theo nội dung của Bản cam kết ngày 25/5/2015 của VCBS gửi AASC: "Công ty TNHH Hàng Kiểm toán AASC không phải chịu trách nhiệm đối với các bên khi sử dụng kết quả thẩm định giá để đưa ra quyết định của mình".

Hội Thẩm định giá Việt Nam còn cho rằng, việc AASC lựa chọn hai phương pháp là phương pháp tài sản và phương pháp dòng tiền chiết khấu là không sai.

"Điều cần được làm rõ ở đây là phương pháp dòng tiền chiết khấu", Hội Thẩm định giá Việt Nam đánh giá.

Theo quy định của Luật Giá, AASC có quyền "yêu cầu khách hàng thẩm định giá cung cấp hồ sơ, tài liệu, số liệu có liên quan đến tài sản thẩm định giá", trong đó phải có kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh của một số năm tới do doanh nghiệp khách hàng thẩm định giá lập, cung cấp cho doanh nghiệp thẩm định giá và chịu trách nhiệm về tính đúng đắn của phương án sản xuất kinh doanh đó để doanh nghiệp thẩm định giá có căn cứ tính toán dòng tiền tương lai.

Còn theo quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP, xác định giá trị doanh nghiệp theo dòng tiền là phải "căn cứ vào phương án hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong vòng 3-5 năm sau khi chuyển thành công ty cổ phần".

"Như vậy, có thể thấy, toàn bộ thông tin, số liệu "đầu vào" làm căn cứ để xác định giá trị doanh nghiệp do AVG cung cấp cho VCBS để AASC thực hiện dịch vụ thẩm định giá; đồng thời AVG phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ, trung thực của thông tin, số liệu", Hội Thẩm định giá Việt Nam khẳng định.

Hội Thẩm định giá nhấn mạnh, nếu AVG lập kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh không đúng với thực trạng, tiềm năng phát triển của doanh nghiệp dẫn đến sai lệch kết quả thẩm định giá thì AVG phải chịu trách nhiệm và là hành vi vi phạm nghiêm trọng các hành vi bị cấm đối với tổ chức, cá nhân có tài sản được thẩm định giá và tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc sử dụng kết quả thẩm định giá theo quy định tại mục b, Khoản 5, Điều 10, Luật Giá: "Cung cấp không chính xác, không trung thực, không đầy đủ, không kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến tài sản thẩm định giá".

Theo ý kiến của Hội Thẩm định giá, AASC không phải chịu trách nhiệm với các bên khác trong khi sử dụng kết quả thẩm định để đưa ra các quyết định của mình.

Tin mới lên