Tài chính

Lo dòng vốn ngoại rút khỏi TTCK Việt Nam vì chiến tranh thương mại

(VNF) - Cuộc chiến thương mại đã không còn là ẩn số mà đã rõ ràng và có ảnh hưởng nhất định đến dòng vốn nước ngoài tại Việt Nam. "Tiếp tục cải cách, tạo câu chuyện hấp dẫn mới để thu hút dòng vốn nước ngoài là việc rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay", Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhìn nhận.

Lo dòng vốn ngoại rút khỏi TTCK Việt Nam vì chiến tranh thương mại

Vốn ngoại rút khỏi TTCK Việt Nam vì chiến tranh thương mại

Tổng thống Trump sẽ tiếp tục "cứng rắn" với Trung Quốc?

Theo Báo cáo Dòng vốn Toàn cầu của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), trong tháng 3 và đầu tháng 4/2018, căng thẳng Mỹ - Trung đã được đẩy cao với việc Mỹ tăng thuế đánh vào 50 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc, chủ yếu là hàng điện tử, công nghệ và ngay lập tức sau đó là biện pháp trả đũa của Trung Quốc cũng với 50 tỷ USD hàng hóa Mỹ, chủ yếu là nông sản, ô tô và máy bay.

Không dừng lại, Mỹ tiếp tục nhắm đến 100 tỷ USD tiếp theo hàng hóa của Trung Quốc, bước đi cho thấy Donald Trump có thể đưa ra một cuộc chiến "tổng lực" đánh vào hầu hết hàng hóa của Trung Quốc.

Năm 2017, xuất khẩu vào Mỹ của Trung Quốc là 505 tỷ USD trong khi nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ chỉ là 130 tỷ USD, tạo ra thâm hụt thương mại 375 tỷ USD, gấp 5 lần thâm hụt thương mại với quốc gia thứ 2 là Mexico, 71 tỷ USD.

Theo các chuyên gia SSI, hiện tại vẫn còn hy vọng cho các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc để giảm bớt căng thẳng trước khi sắc thuế mới có hiệu lực thực sự. Tuy vậy có 3 lý do để Donald Trump duy trì một cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc.

Thứ nhất, cứng rắn với Trung Quốc đang giúp Donald Trump củng cố các thông điệp trong kỳ tranh cử, từ đó tăng tỷ lệ ủng hộ tại Mỹ.

Thứ hai, các nhiệm kỳ trước Donald Trump dù biết nhưng đã không có biện pháp hữu hiệu để ngăn cản việc các công ty Mỹ phải hy sinh công nghệ và cổ phần để đổi lấy thị phần tại thị trường Trung Quốc.

Thứ ba, sáng kiến "Made in China 2025" với mục tiêu Trung Quốc trở thành cường quốc công nghệ là một mối đe dọa trực tiếp đến lợi ích của Mỹ.

Phản ứng của thị trường tài chính ra sao?

Theo góc nhìn từ SSI, trong con mắt của giới đầu tư, cuộc chiến thương mại là không tốt cho cả hai, thậm chí nó còn gây ảnh hưởng đến các quốc gia đang tham gia vào chuỗi sản xuất ở 2 nước này.

Dòng vốn bị rút mạnh ra khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu của Mỹ sau khi kế hoạch tăng thuế được công bố chi tiết. Dòng tiền rút vốn đã diễn ra 3 tuần liên tiếp với tổng giá trị 50,4 tỷ USD, cùng thời gian này dòng tiền đổ vào các quỹ Money Market Fund của Mỹ là 13,5 tỷ USD, tín hiệu cho thấy giới đầu tư đang chuyển sang các tài sản an toàn.

"Dòng vốn tại Trung Quốc không có dấu hiệu bị rút ra. Vào tuần danh sách chi tiết 50 tỷ USD hàng Trung Quốc bị đánh thuế được công bố, dòng tiền rút vốn nhỏ xuất hiện trong khi vào 2 đợt giảm điểm gần nhất, dòng tiền rót vốn vào lại diễn ra liên tục. Dẫu vậy cần lưu ý rằng dữ liệu dòng vốn trong giai đoạn này của Trung Quốc không thực sự đáng tin cậy. Trung Quốc có lịch sử can thiệp vào TTCK, từ các biện pháp hành chính cho đến việc huy động tiền từ các doanh nghiệp ở nước ngoài đổ về ‘cứu’ thị trường", phía SSI cho hay.

Đài Loan, nước có chuỗi sản xuất gắn chặt với Trung Quốc bị rút vốn 5 tuần liên tiếp trước khi lại có dòng tiền rót vốn nhỏ vào tuần đầu tháng 4. Ngược lại, Hàn Quốc, một đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc trong lĩnh vực điện tử, công nghệ có dòng tiền rót vốn 3 tuần gần nhất.

Việt Nam cần tạo câu chuyện hấp dẫn mới để hút dòng vốn nước ngoài

SSI nhận định, cuộc chiến thương mại đã không còn là ẩn số mà đã rõ ràng và có ảnh hưởng nhất định đến dòng vốn nước ngoài tại Việt Nam. Theo thống kê của EPFR Global, xu hướng rút vốn khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu của Việt Nam đã bắt đầu vào tuần thứ 2 của tháng 2, cùng thời điểm với sự sụt giảm của chứng khoán toàn cầu và kéo dài cho đến cuối tháng 3. Tuần đầu tháng 4, dòng tiền rót vốn nhỏ quay trở lại, tương đồng với dòng tiền rót vốn gia tăng ở khu vực thị trường mới nổi Châu Á.

Thống kê dòng vốn của EPFR Global có sự liên hệ khá rõ với dòng vốn ở 3 quỹ ETF chính của Việt Nam. Tăng mạnh trong tháng 1 và bắt đầu giảm dần kể từ tháng 2. Tuy vậy, xét về quy mô thì giá trị dòng tiền rút vốn từ các ETF không lớn bằng giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên 2 sàn chứng khoán.

Tính từ 8/2/2018, ước tính đã có 1.300 tỷ rút khỏi 3 ETF của VFM, Vaneck và DB, con số này bằng 36% tổng lượng vốn đổ vào 3 ETF từ đầu năm tính đến 7/2/2018. Trong khi đó giá trị bán, mua ròng khớp lệnh của NĐTNN trên 2 sàn HSX và HNX ở cùng giai đoạn là là âm (-) 3.700 tỷ và 5.300 tỷ. Cộng thêm giao dịch thỏa thuận, con số là âm (-) 3.000 tỷ và 9.500 tỷ (đã loại giao dịch thỏa thuận đột biến trong ngày 7/2/2018).

"Như vậy có thể thấy có sự liên hệ khá rõ giữa dòng vốn, giá trị mua-bán ròng tại Việt Nam với các diễn biến trên thị trường thế giới. Vẫn biết rằng câu chuyện của từng quốc gia là khác nhau, nhưng dường như trong thời gian qua câu chuyện Việt Nam không còn đủ sức nặng. Ngược lại, Thailand và Nam Phi đang đi ngược xu hướng, thu hút thêm vốn trong bối cảnh dòng vốn ở các quốc gia khác giảm sút", SSI đánh giá.

Tóm lại, theo SSI, tiếp tục cải cách, tạo câu chuyện hấp dẫn mới để thu hút dòng vốn nước ngoài là việc rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt khi Việt Nam đang đứng thứ 5 về thâm hụt thương mại với Mỹ.

Tin mới lên