Ngân hàng

Ngân hàng ‘hái ra tiền’ từ kinh doanh bảo hiểm

(VNF) – Hợp tác giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm chỉ sau một thời gian ngắn đã cho "trái ngọt". Nhiều ngân hàng đã ghi nhận lợi nhuận đột biến từ hoạt động bancassurance, dù là tín hiệu vui nhưng không phải không tiềm ẩn mối lo.

Ngân hàng ‘hái ra tiền’ từ kinh doanh bảo hiểm

SHB ghi nhận lợi nhuận đột biến từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong năm 2017

Mặc dù mới thực sự nở rộ vào năm 2017 nhưng chỉ sau một thời gian rất ngắn, hoạt động kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đã đem lại cho nhiều ngân hàng nguồn thu đột biến. Đáng chú ý nhất phải kể đến Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).

Năm 2017, Techcombank ghi nhận khoản lãi thuần lên đến 3.811 tỷ đồng từ hoạt động dịch vụ - cao nhất hệ thống ngân hàng.

Phía Techcombank cho biết, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ năm 2017 tăng tới 95% so với năm trước nhờ khoản phí đại lý trả một lần liên quan đến sản phẩm bảo hiểm, khiến thu nhập từ dịch vụ ủy thác và đại lý của Techcombank tăng vọt từ 61 tỷ đồng năm 2016 lên 1.543 tỷ đồng năm 2017.

Nếu không tính đến khoản phí đại lý này, doanh thu các loại phí chính cơ bản của Techcombank chỉ tăng hơn 20% so với năm 2016.

Techcombank hiện là ngân hàng chiếm thị phần lớn nhất trong mảng bancassurance.

Tính riêng cho năm 2017, tổng phí bảo hiểm khai thác mới (APE) của toàn hệ thống Techcombank đạt gần 649 tỷ đồng, tăng trưởng 44% so với năm 2016 và gấp 3 lần năm 2015, dẫn đầu thị trường ngân hàng Việt Nam.

Năm 2017, doanh thu phí dịch vụ thanh toán và tiền mặt của Techcombank đạt 1.465 tỷ đồng, vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng doanh thu phí chính của Techcombank. "Tuy nhiên, tỷ trọng này sẽ dần được nhường chỗ cho đà tăng lên của phí hoa hồng bảo hiểm", phía Techcombank khẳng định.

Tháng 9/2017, Techcombank và Công ty Bảo hiểm Manulife Việt Nam đã chính thức công bố việc ký kết thỏa thuận hợp tác bảo hiểm độc quyền kéo dài 15 năm. Tổng giám đốc Techcombank Nguyễn Lê Quốc Anh kỳ vọng, hợp đồng độc quyền với Manulife sẽ giúp nhà băng này đạt trên 10.000 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm trong 5 năm tới.

Hai trường hợp thậm chí còn ấn tượng hơn Techcombank nếu xét về tốc độ tăng trưởng của hoạt động kinh doanh bảo hiểm là Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MB).

Năm 2017, hoạt động dịch vụ của SHB ghi nhận lãi thuần lên đến 1.355 tỷ đồng, gấp tới 4 lần năm 2016.

Lãnh đạo SHB cho biết, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng tăng nhờ nhiều khoản mục, trong đó nổi trội nhất là về bảo hiểm. Đầu tháng 10/2017, Công ty Bảo hiểm Dai-ichi Life Việt Nam và SHB đã ký kết hợp tác chiến lược dài hạn 15 năm.

Với MB, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ năm 2017 tăng 65,7%, đạt 1.130 tỷ đồng, trong đó, thu nhập từ hoạt động dịch vụ là 3.222 tỷ đồng và chi phí từ hoạt động này là 2.092 tỷ đồng.

Đáng chú ý, doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm năm 2017 của MB lên đến 1.850 tỷ đồng (chiếm 57,4%), gấp tới 7,8 lần năm 2016.

Ước tính, doanh thu phí từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm có thể chiếm tới 20 - 30% tổng doanh thu từ hoạt động dịch vụ của các ngân hàng Việt

Một trường hợp cũng rất đáng chú ý khác là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Nhà băng này đang tập trung phát triển mạnh mảng bancassurance, trong bối cảnh lĩnh vực tín dụng truyền thống đang gặp khó khăn nhất định trong thời kỳ tái cơ cấu.

Năm 2017, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của Sacombank tăng tới 83,6%, lên 2.625 tỷ đồng.

Phía Sacombank kỳ vọng, phí hoa hồng bảo hiểm sẽ đóng góp khoảng 3.000 tỷ đồng cho doanh thu dịch vụ trong vòng 5 năm tới.

Đầu tháng 9/2017, Sacombank và Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi Việt Nam (Dai–ichi Life Việt Nam) đã ký kết hợp đồng đại lý bảo hiểm độc quyền với thời hạn 20 năm - được xem là dài nhất thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện nay trong lĩnh vực bancassurance.

Trong khi đó, dù vẫn đang rất thành công trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng nhưng Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vẫn không bỏ qua "mảnh đất màu mỡ" bancassurance vẫn còn khá sơ khai.

Năm 2017, VPBank ghi nhận 1.461 tỷ đồng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ, tăng tới 71% so với năm 2016, chủ yếu do thu từ kinh doanh bảo hiểm và dịch vụ bảo hiểm tăng 46% (tương đương tăng gần 700 tỷ đồng).

Được biết, tháng 10/2017, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam và VPBank chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác phân phối bảo hiểm độc quyền, kéo dài 15 năm.

Mặc dù là "miền đất hứa" nhưng bancassurance không phải không tiềm ẩn những mối lo, trong đó đáng kể nhất là việc các khoản bảo hiểm trả trước (nhất là các khoản bảo hiểm trả một lần) khi được các ngân hàng hạch toán sẽ làm thu nhập (kéo theo là lãi thuần) từ hoạt động bảo hiểm tăng lên đột biến. Tuy nhiên, đây là khoản lợi nhuận ở tương lai được ghi nhận trước ở hiện tại nên có phần bị "vống" lên so với thực tế.

Tin mới lên