Ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước lại bơm ròng tiền ra thị trường

(VNF) – Sau khi bơm ròng cả trăm nghìn tỷ trong 4 tuần liên tiếp, Ngân hàng Nhà nước đã quay lại hút ròng với khối lượng hút chưa đến 10.000 tỷ trong tuần 14 – 18/5. Tuy nhiên, ngay tuần sau (21 – 25/5), cơ quan này đã lại bơm ròng tiền ra thị trường với khối lượng 1.700 tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước lại bơm ròng tiền ra thị trường

Ngân hàng Nhà nước lại bơm ròng tiền ra thị trường

Theo báo cáo thị trường tiền tệ tuần từ 21 – 25/5 của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), tuần qua, hoạt động thị trường mở chững lại khi không có bất kỳ lượng OMO hay tín phiếu nào được phát hành mới. Ngược lại, với 1.700 tỷ tín phiếu đáo hạn, đã có 1.700 tỷ đồng bơm ròng ra hệ thống.

Một biểu hiện các cho thấy thanh khoản của các ngân hàng chưa được dồi dào là diễn biến trên thị trường liên ngân hàng. Tuần qua, lãi suất liên ngân hàng không giữ được đà giảm của tuần trước đó và nhanh chóng tăng trở lại, trong đó các kỳ hạn ngắn có xu hướng tăng mạnh hơn.

Cụ thể, lãi suất cho vay qua đêm tăng 0,34 điểm% lên 1,41%, kỳ hạn 1 tuần tăng 0,33 điểm% lên 1,5%, kỳ hạn 1 tháng tăng 0,19 điểm% lên 1,79%.

Về phát hành trái phiếu, tuần qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) duy trì gọi thầu cho 4 kỳ hạn trái phiếu 5, 10, 15 và 20 năm. Tuy nhiên, cầu trái phiếu giảm với tổng khối lượng đăng ký chỉ đạt 12.000 tỷ.

Khối lượng trúng thầu giảm mạnh so với phiên trước, trong đó các kỳ hạn 5, 10 và 15 năm phát hành được khối lượng tương ứng là 215, 700 và 700 tỷ đồng, tương đương tổng khối lượng 1.615 tỷ đồng, giảm 60% và chỉ bằng 27% khối lượng chào thầu.

Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm vẫn được giữ nguyên ở mức 3%, trong khi các kỳ hạn 10 và 15 năm được nâng nhẹ 0,02 – 0,03 điểm%. Đây là hai kỳ hạn được KBNN chủ động nâng lãi suất nhiều nhất, với mức tăng hơn 0,20 điểm% kể từ tháng 3, do đó hai kỳ hạn này chiếm tỷ trọng lớn (51%) trong danh mục trái phiếu chính phủ phát hành năm nay.

Trên thị trường thế giới, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ quay đầu giảm mạnh trong tuần qua. Trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm từ mức đỉnh 3,11% xuống 2,93% vào cuối tuần. Sự đảo chiều bất ngờ của lợi suất trái phiếu phản ánh kỳ vọng của thị trường sau khi biên bản cuộc họp của Fed.

Trong biên bản này, Fed ám chỉ sẽ có thể để lạm phát tăng vượt mức 2% khi nền kinh tế vẫn đang phục hồi, giúp xoa dịu nỗi lo của nhà đầu tư khi lạm phát tiến sát ngưỡng 2% cùng với lo ngại Fed có thể đẩy nhanh lộ trình tăng lãi suất.

Tỷ lê dự báo Fed sẽ tăng lãi suất vào cuộc họp ngày 13/6 tới đây giảm từ 95% xuống 88,8% nhưng vẫn là mức rất cao. Tỷ lệ dự báo Fed sẽ nâng lãi suất 4 lần trong năm 2018 cũng giảm từ 45% xuống 32,8% và kịch bản nâng lãi suất 3 lần lấy lại tỷ trọng cao nhất.

Mặc dù lợi suất trái phiếu đảo chiều giảm mạnh, giá trị đồng USD giữ vững đà tăng. Chỉ số USD Index tăng 0,66% trong tuần lên 94,25 điểm, mức cao nhất trong 6 tháng. Các đồng tiền châu Âu như EUR, GBP, CHF đều giảm mạnh so với USD trong khi các đồng tiền châu Á bao gồm JPY, KRW lại có xu hướng phục hồi.

Thị trường trong nước dường như chưa có phản ứng với những biến động trên thế giới. Tỷ giá USD/VND chỉ tăng nhẹ 5 đồng trên thị trường ngân hàng, giao dịch ở mức 22.745/22.815 đồng, và giảm 20 đồng xuống mức 22.820/22.830 trên thị trường tự do. Tính từ đầu năm, tỷ giá USD/VND mới tăng khoảng 0,4%, trong khi chỉ số USD Index đã tăng 6,4% từ mức đáy năm nay.

Tin mới lên