Thị trường

Nghị định 116 và Thông tư 03 vi phạm Hiệp định TBT, Bộ Giao thông nói gì?

(VNF) - Bộ Giao thông vận tải vừa có phản hồi đối với một số kiến nghị của Hội đồng Chính sách ô tô Hoa Kỳ (AAPC) góp ý về Nghị định 116 và Thông tư 03.

Nghị định 116 và Thông tư 03 vi phạm Hiệp định TBT, Bộ Giao thông nói gì?

Nghị định 116 và Thông tư 03 vi phạm Hiệp định TBT, Bộ GTVT nói gì? (Ảnh minh họa).

Như VietnamFinance đã thông tin, Hội đồng Chính sách ô tô Hoa Kỳ (AAPC) từng có văn bản góp ý gửi Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng về Nghị định 116/2017/NĐ-CP (quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành bảo dưỡng ô tô) và Thông tư 03/2018/TT-BGTVT (về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu thuộc đối tượng của Nghị định số 116).

Theo AAPC, Nghị định 116 và Thông tư 03 vi phạm một số điều khoản của Hiệp định về các rào cản kỹ thuật đối với thương mại (Hiệp định TBT) như Điều 2.9.1, Điều 2.9.4, Điều 5.1.1, Điều 5.1.2, Điều 5.6.2  và Điều 5.9.

Cụ thể, AAPC cho rằng Điều 6.2 của Nghị định 116 yêu cầu tất cả phương tiện nhập khẩu vào Việt Nam phải đi kèm giấy chứng nhận kiểu loại (VTA) do cơ quan hoặc tổ chức nước ngoài cấp là rất khó đáp ứng.

Ngoài ra, quy định này không thực sự cần thiết và tạo gánh nặng đối với xe nhập khẩu trong khi xe sản xuất trong nước lại không bị bắt buộc. Theo AAPC, quy định về VTA là không phù hợp với Điều 5.12 Hiệp định TBT.

Giải đáp khúc mắc về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải chỉ ra rằng việc cung cấp giấy chứng nhận kiểu loại ô tô (VTA) khi nhập khẩu là một trong các căn cứ ban đầu để cơ quan chức năng kiểm tra và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành.

Đồng thời việc này cũng nhằm hạn chế các sản phẩm kém chất lượng từ nước ngoài, bảo vệ người tiêu dùng, tạo sự bình đẳng trong quản lý chất lượng với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Bộ Giao thông vận tải cho hay trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 116 và Thông tư 03/2018/TT-BGTVT, các cơ quan chức năng đã tích cực hỗ trợ, hướng dẫn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu ô tô hiểu và chấp hành các quy định trên, trong đó có công ty Ford Việt Nam và General Motor.

Cụ thể, Bộ đã có văn bản số 1404/BGTVT-KHCN ngày 7/2/2018 hướng dẫn, xác nhận giấy chứng nhận kiểu loại ô tô (VTA) của nhà sản xuất ô tô tại Hoa Kỳ phát hành phù hợp với quy định hiện hành.

Tính đến thời điểm ngày 8/5/2018, Cục Đăng kiểm Việt Nam thuộc Bộ Giao thông vận tải đã tiếp nhận xử lý 119 bộ hồ sơ đăng ký nhập khẩu từ phía các doanh nghiệp với số lượng 56 kiểu loại ô tô khác nhau. Đồng thời Cục đã cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu cho 4.385 xe để doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục nhập khẩu và đưa ra thị trường.

Việc kiểm tra thử nghiệm theo lô nhằm quản lý chặt chẽ chất lượng ô tô nhập khẩu nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. (Ảnh minh họa)

Ngoài việc kiến nghị về VTA, AAPC cho rằng việc quy định kiểm tra xe theo từng lô gây khó khăn cho doanh nghiệp, không phù hợp với thông lệ chung (không phù hợp với Điều 5.1.1 của Hiệp định TBT) khiến thời gian bị kéo dài thêm 2 tháng và chi phí lên tới 10.000 USD/mẫu thử. Phía Hoa Kỳ đề nghị bỏ quy định này và chỉ kiểm tra thử nghiệm lô đầu tiên nhập khẩu về, các lô tiếp theo được sử dụng kết quả đó mà không phải kiểm tra lại.

Đáp lại ý kiến này, Bộ Giao thông vận tải cho rằng việc kiểm tra thử nghiệm theo lô nhằm quản lý chặt chẽ chất lượng ô tô nhập khẩu để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bộ lập luận việc không kiểm soát theo lô như quy định hiện nay có nhiều điểm bất cập.

Đầu tiên là sẽ tạo ra kẽ hở lớn cho các nhà nhập khẩu về Việt Nam mang hàng hóa kém chất lượng bán ra thị trường. Điển hình là trường hợp của công ty Ford Việt Nam mang 4 mẫu xe về nước (4 kiểu loại khác nhau) nhưng khi kiểm tra khí thải theo từng lô thì phát hiện có 2/4 chiếc không đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4.

Bất cập thứ hai là không thể kiểm soát được chất lượng khí thải, an toàn, chất lượng linh kiện và các hệ thống trên xe của những xe nhập khẩu tiếp theo trong thời gian dài, gây ảnh hưởng lớn đến an toàn và quyền lợi của người tiêu dùng.

Bộ Giao thông vận tải nhận định phương thức kiểm tra, thử nghiệm theo từng lô đối với ô tô nhập khẩu như quy định tại Nghị định số 116 và Thông tư 03 hiện nay là cần thiết, nhằm đảm bảo sự thống nhất về chất lượng ô tô nhập khẩu, tạo sự bình đẳng đối với xe sản xuất lắp ráp, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.

Cuối cùng, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị định 116, đồng thời tích cực tuyên truyền hướng dẫn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh ô tô tại Việt Nam chấp hành tốt quy định hiện hành.

Xem thêm: Hội đồng Chính sách Ô tô Hoa Kỳ: Nghị định 116 và Thông tư 03 vi phạm Hiệp định TBT

Tin mới lên