Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.
Dự thảo sửa đổi Thông tư 24/2015/TT – NHNN quy định về việc cho vay bằng ngoại tệ (chủ yếu USD) đã được NHNN công bố để lấy ý kiến. Nội dung chính của dự thảo là gia hạn thời hạn được phép cho vay bằng ngoại tệ thêm 1 năm, đến cuối năm 2018.
Đây là lần thứ 6 NHNN gia hạn quy định cho phép vay bằng ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng kể từ khi Thông tư đầu tiên quy định về cho vay bằng ngoại tệ là Thông tư 37/2012/TT – NHNN được ban hành vào ngày 28/12/2012. Thông tư mới nhất quy định về vấn đề này là Thông tư 24/2015/TT – NHNN ban hành ngày 8/12/2015; theo đó cho phép 4 nhu cầu được vay vốn bằng ngoại tệ.
Thứ nhất, cho vay doanh nghiệp nhập khẩu để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi doanh nghiệp có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay. Thứ hai, cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công thương giao hạn mức nhập khẩu dù những doanh nghiệp này không có hoặc không có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ.
Thứ ba, cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn của các doanh nghiệp xuất khẩu có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay. Tuy nhiên, sau khi giải ngân vốn cho vay, doanh nghiệp đi vay phải bán số ngoại tệ đó cho tổ chức tín dụng cho vay và mua lại tiền đồng; trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp đi vay để thực hiện giao dịch thanh toán mà tiền giao dịch là ngoại tệ.
Cuối cùng, cho vay để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài được Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
Mục đích chính của quy định cho vay bằng ngoại tệ là hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vay với lãi suất thấp. Lãi suất vay USD ngắn hạn hiện khoảng 3 – 3,5%/năm trong khi tiền đồng là 6 – 7%/năm. Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu hiện không gặp nhiều rủi ro tỷ giá do tỷ giá USD/VND tương đối ổn định trong một vài năm gần đây.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng giá trị xuất khẩu là 173,7 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2017. Và giả định toàn bộ số tiền này được tài trợ ở lãi suất tài trợ bằng USD thấp hơn 3,0%, thì tổng chi phí tài chính mà các doanh nghiệp xuất khẩu tiết kiệm được là 5,2 tỷ USD trong 1 năm.
Theo HSC, quyết định gia hạn cho vay ngoại tệ trên đây không dẫn đến bất kỳ rủi ro lớn nào. Thứ nhất, hệ số LDR ngoại tệ được kiểm soát khá tốt, là 96,31% vào tháng 9/2017 (LDR đối với tiền đồng là 92,49% và hệ số LDR thuần hợp nhất là 92,81%).
Trong khi đó, tỷ trọng các khoản vay bằng USD là 8,9% tổng dư nợ toàn ngành tính đến cuối tháng 9/2017, tương đương 24,1 tỷ USD. Tỷ trọng này vào cuối năm 2016 là 8,7% và 19,6% vào cuối năm 2012, là thời điểm thông tư về thời hạn ngừng cho vay ngoại tệ bắt đầu áp dụng.
HSC ước tính cho vay bằng USD đã tăng 17,15% so với đầu năm lên 24,71 tỷ USD trong khi gửi bằng USD cũng tăng 8,71% so với đầu năm lên 29,41 tỷ USD trong tháng 11 đầu năm 2017. Trong 5 năm dư nợ cho vay bằng USD đã giảm 14,03% từ 24,54 tỷ USD xuống 21,10 tỷ USD và tiền gửi bằng USD tăng 36% từ 19,89 tỷ USD lên 27,05 tỷ USD.
Cho vay bằng ngoại tệ tăng trở lại phần nào phản ánh quan điểm nới lỏng hơn từ phía chính phủ trong bối cảnh ngân hàng đã được tái cấu trúc tốt hơn nhiều và tỷ giá cũng đang được duy trì ổn định. Diễn biến này cũng phản ánh nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào và thực tế cho thấy hiện các doanh nghiệp cũng chưa áp dụng nhiều các hợp đồng kỳ hạn hoặc tương lai.
Gia hạn cho vay bằng ngoại tệ là thông tin tốt đối với các ngân hàng như VCB và EIB, là những ngân hàng thường có tỷ trọng cho vay bằng USD trong tổng dư nợ lớn hơn các ngân hàng khác. Đây cũng là tin tốt với những ngân hàng có hệ số LDR đối với USD tính đến cuối tháng 9/2017 cao, ví dụ như BID (176%), CTG (205%), EIB (126%), STB (127%) và VIB (145%).
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.