Tài chính

Nộp vào ngân sách trên 144.577 tỷ đồng từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Công tác thoái vốn nhà nước đã góp phần hạn chế thất thoát, lãng phí vốn, đảm bảo lợi ích cho Nhà nước. Tổng thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thoái vốn nhà nước nộp vào ngân sách nhà nước năm 2017 là trên 144.577 tỷ đồng, gấp 2,41 lần so với chỉ tiêu Quốc hội giao.

Nộp vào ngân sách trên 144.577 tỷ đồng từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Ảnh minh hoạ.

Đó là thông tin tại "Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí" (THTK, CLP) năm 2017 do Bộ Tài chính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV vào tháng 5/2018.

Theo đó, Bộ Tài chính đã có báo cáo Chính phủ việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp năm 2017.

Báo cáo nêu rõ công tác sắp xếp, đổi mới, phát triển, cơ cấu lại DNNN tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo.

Về cơ bản hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa theo đề án tái cơ cấu DNNN. Mặc dù số lượng DNNN thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại không nhiều, nhưng các DNNN cổ phần hóa đều có quy mô vốn rất lớn.

Ví dụ, giá trị vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa năm 2017 được xác định lại là 160.083 tỷ đồng, gấp 6,34 lần so với tổng giá trị phần vốn nhà nước cổ phần hóa năm 2016. Cả nước đã phê duyệt phương án cổ phần hóa 69 DNNN, trong đó có các DNNN quy mô vốn nhà nước rất lớn như Tập đoàn Cao su Việt Nam (38.802 tỷ đồng), các Tổng công ty: Phát điện 3 (26.108 tỷ đồng), Dầu Việt Nam (10.342 tỷ đồng), Điện lực Dầu khí (23.418 tỷ đồng)...

Một số DNNN hoạt động công ích đã được cổ phần hóa, bước đầu mang lại kết quả tốt. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 40/41 phương án tổng thể với 252 công ty nông, lâm nghiệp.

Một số địa phương, doanh nghiệp triển khai thực hiện khẩn trương tích cực cổ phần hóa như các tỉnh Vĩnh Phúc, Lào Cai, Bắc Giang... Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (7 công ty), Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (2 công ty).

Những công ty nông, lâm nghiệp sau khi sắp xếp lại, bước đầu sản xuất kinh doanh đã dần ổn định hơn, các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận đều tăng như: Công ty cổ phần cao su Bình Dương (doanh thu trước sắp xếp 49 tỷ đồng, sau sắp xếp 133 tỷ đồng), Công ty cổ phần nông lâm nghiệp Bình Dương (doanh thu trước sắp xếp 26 tỷ đồng, sau sắp xếp 34 tỷ đồng); các công ty lâm nghiệp Đình Lập, Lộc Bình, Hòa Bình, Đông Bắc thuộc Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam… đều phát triển và hiệu quả sản xuất kinh doanh hơn trước đó. 

Các công ty nông, lâm nghiệp sau khi sắp xếp về cơ bản đã xử lý được tồn tại về tài chính, tranh chấp, lấn chiếm đất đai; định hướng, chiến lược sản xuất kinh doanh đã cụ thể và sát thực với tình hình thực tế hơn.

Công tác quản trị, điều hành, quản lý, đầu tư, phát triển và mở rộng thị trường của các DNNN sau cổ phần hoá đã có tiến bộ đáng kể. Công tác thoái vốn nhà nước được triển khai thực hiện với nhiều chính sách, giải pháp mang tính đột phá như tăng cường công khai minh bạch, để thị trường định giá cổ phiếu, đã góp phần hạn chế thất thoát, lãng phí vốn, đảm bảo lợi ích cho Nhà nước.

Theo đó, tổng thu từ cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước nộp vào NSNN năm 2017 là trên 144.577 tỷ đồng, gấp 2,41 lần so với chỉ tiêu Quốc hội giao. Trong đó, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn thoái 53,59% vốn, thu về gần 110.000 tỷ đồng, gấp 32 lần giá trị sổ sách và cao hơn nhiều so với định giá ban đầu; Công ty cổ phần Sữa Việt Nam thoái 3,33% vốn, thu về 8.990 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công tác xử lý 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém thuộc ngành công thương tiếp tục được thực hiện quyết liệt theo nguyên tắc và cơ chế thị trường, tập trung tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, nhà nước không cấp thêm vốn.

Tin mới lên