Ngân hàng

Phá sản ngân hàng: 'Mức chi trả sẽ tùy thuộc vào nguồn lực nhà nước theo từng thời kỳ'

Việc chi trả tiền gửi vượt hạn mức, mức chi trả, nguồn chi trả đối với người gửi tiền là cá nhân trong trường hợp phá sản tổ chức tín dụng sẽ tùy thuộc vào tình hình nguồn lực nhà nước theo từng thời kỳ và theo mức độ tác động của từng trường hợp phá sản cụ thể

Phá sản ngân hàng: 'Mức chi trả sẽ tùy thuộc vào nguồn lực nhà nước theo từng thời kỳ'

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khi giải trình trước Quốc hội đã nêu nguyên tắc trong việc cho phá sản ngân hàng là phải "tránh đổ vỡ và gây mất an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm lợi ích của người gửi tiền, không ảnh hướng đến an ninh tiền tệ quốc gia, trật tự an toàn xã hội".

Để thực hiện được điều này, Chính phủ có thể quyết định áp dụng việc chi trả vượt hạn mức bảo hiểm tiền gửi trong trường hợp phá sản tổ chức tín dụng. Nguồn sử dụng để hỗ trợ chi trả sẽ không dùng ngân sách Nhà nước, theo đúng nghị quyết của Quốc hội, mà có thể sử dụng các nguồn lực Nhà nước khác để xử lý vấn đề này.

Trong khi đó, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, trong quá trình thảo luận về vấn đề phá sản ngân hàng, một số ý kiến đề nghị quy định rõ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước được cho vay đặc biệt với lãi suất đặc biệt để hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng bị phá sản chi trả cho người gửi tiền sau khi bảo hiểm tiền gửi đã thực hiện chi trả nhưng không đủ.

Theo đó, sẽ cho phép hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hoặc nguồn lực Nhà nước khác để chi trả tiền gửi vượt hạn mức cho người gửi tiền cá nhân, chi trả trong trường hợp các khoản cho vay đặc biệt không thu hồi được đầy đủ do khi thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng không đủ để thu hồi; đề nghị tỷ lệ chi trả cho người gửi tiền tương ứng theo số tiền gửi.

Vẫn theo ông Thanh, liên quan đến nguồn lực thực hiện phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng, có ý kiến cho rằng quy định của dự thảo Luật thực chất vẫn gián tiếp sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ cơ cấu lại tổ chức tín dụng, như vậy không bảo đảm nguyên tắc không sử dụng ngân sách nhà nước trong cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.

Cũng có ý kiến đề nghị trường hợp cần thiết vẫn phải sử dụng ngân sách nhà nước nhưng phải quy định minh bạch, bảo đảm quản lý chặt chẽ, bảo toàn ngân sách nhà nước.

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, dự thảo Luật đã được rà soát để bảo đảm đúng chủ trương theo Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, theo đó không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước, cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại hoặc đóng góp cổ phần tại các tổ chức tài chính quốc tế. 

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cơ cấu lại tổ chức tín dụng, đúng như các đại biểu Quốc hội có ý kiến, thực chất một số chính sách trong trường hợp cần thiết, cấp bách, để bảo đảm an toàn hệ thống có thể có những tác động gián tiếp làm ảnh hưởng, giảm thu ngân sách nhà nước (ví dụ như số nộp ngân sách nhà nước về chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước sau khi trích lập các quỹ), song không sử dụng chính sách miễn, giảm thuế và không sử dụng nguồn chi ngân sách nhà nước để xử lý.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Luật đã giao Chính phủ quyết định áp dụng biện pháp đặc biệt nhằm bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, trật tự, an toàn xã hội khi xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Việc chi trả tiền gửi vượt hạn mức, mức chi trả, nguồn chi trả đối với người gửi tiền là cá nhân trong trường hợp phá sản tổ chức tín dụng sẽ tùy thuộc vào tình hình nguồn lực nhà nước theo từng thời kỳ và theo mức độ tác động của từng trường hợp phá sản cụ thể, do vậy không quy định trong luật.

Một số ý kiến đề nghị trong trường hợp không thực hiện được phương án chuyển giao bắt buộc và phá sản tổ chức tín dụng yếu kém thì cần quy định Nhà nước phải thực hiện vai trò người mua cuối cùng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, dự thảo luật đã bổ sung thêm phương án chuyển giao bắt buộc và quy định một số biện pháp hỗ trợ khi thực hiện phương án này, thực chất là cho tổ chức tín dụng thêm cơ hội để phục hồi.

Trường hợp không thể thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc, thực lực của tổ chức tín dụng đã quá kém, nếu Nhà nước mua lại cũng sẽ tạo gánh nặng và rủi ro, không phù hợp với quy luật thị trường.

Tin mới lên