Ngân hàng

Sau khi bị ‘tuýt còi’, Ngân hàng Nhà nước chính thức sửa đổi văn bản

(VNF) – Liên quan đến việc ra văn bản quy định không hợp pháp, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã ban hành Thông tư mới sửa đổi Thông tư 32 về hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Sau khi bị ‘tuýt còi’, Ngân hàng Nhà nước chính thức sửa đổi văn bản

Ngân hàng Nhà nước chính thức sửa đổi Thông tư 32

Theo Thông tư mới, điều khoản về việc đóng tài khoản bắt buộc không còn nữa. Thời hạn để ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thông báo cho khách hàng biết về việc thực hiện chuyển đổi hình thức tài khoản thanh toán được lùi lại một năm.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các nhà băng phải có thông báo vào trước ngày 1/6/2018 sau khi rà soát hồ sơ, hợp đồng mở và sử dụng tài khoản thanh toán của khách hàng là hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân được mở trước thời điểm Thông tư có hiệu lực.

Ngoài ra, Thông tư mới cũng quy định trong vòng 24 tháng, các ngân hàng cần phối hợp với khách hàng hoàn thành việc thực hiện ký lại hợp đồng mở, sử dụng tài khoản thanh toán để chuyển đổi sang hình thức tài khoản thanh toán của cá nhân hoặc tài khoản thanh toán của pháp nhân hoặc tài khoản thanh toán chung hoặc đóng tài khoản thay vì thời hạn 12 tháng trước đây.

Việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 32 đã dãn thời hạn thêm một năm để ngân hàng và các khách hàng là hộ gia đình tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thời gian để thực hiện chuyển đổi cũng như giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc chuyển đổi này.

Như VietnamFinance đã thông tin trước đó, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho biết Thông tư số 32/2016 của Ngân hàng Nhà nước đưa ra một số quy định không hợp pháp. Cụ thể, khoản 6, Điều 1 Thông tư số 32/2016 quy định: "Đối tượng được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng chỉ gồm cá nhân và tổ chức là pháp nhân".

Đồng thời, theo điểm c, Khoản 2, Điều 4 Thông tư số 32/2016 quy định: "Sau 12 tháng kể từ ngày thông tư này có hiệu lực thi hành, thực hiện đóng tài khoản đối với những tài khoản thanh toán của khách hàng là hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân chưa hoàn thành việc chuyển đổi hình thức tài khoản theo quy định tại điểm b khoản này".

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho rằng với quy định trên, Thông tư số 32/2016 đã xác định chỉ cá nhân và pháp nhân có quyền mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng; các tổ chức không có tư cách pháp nhân không được (không có quyền) mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng;

Các tài khoản thanh toán của tổ chức không có tư cách pháp nhân đã mở trước ngày Thông tư số 32/2016 có hiệu lực (ngày 1/3/2017) phải chuyển đổi sang hình thức tài khoản thanh toán của cá nhân, hoặc tài khoản thanh toán chung, hoặc đóng tài khoản; nếu không thực hiện việc chuyển đổi hình thức tài khoản thì sau 12 tháng (sau ngày 1/3/2017) sẽ bị đóng tài khoản.

"Rà soát pháp luật liên quan cho thấy pháp luật hiện hành không có quy định cấm (hay không cho) các tổ chức không có tư cách pháp nhân mở (giao kết hợp đồng) tài khoản tại ngân hàng.

"Ngược lại, quyền ký hợp đồng của doanh nghiệp (trong đó có doanh nghiệp tư nhân là loại hình tổ chức kinh doanh không có tư cách pháp nhân) đã được Luật Doanh nghiệp ghi nhận (khoản 4, điều 7, Luật Doanh nghiệp năm 2014). Quyền mở tài khoản của tổ chức không có tư cách pháp nhân còn được quy định rõ trong một số luật điều chỉnh các lĩnh vực cụ thể khác", Cục Kiểm tra văn bản chỉ rõ.

Cũng theo Cục Kiểm tra văn bản, quy định tại điểm c, Khoản 2, Điều 4 Thông tư số 32/2016 là trái pháp luật, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của các tổ chức không có tư cách pháp nhân đã mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật trước ngày Thông tư số 32/2016 có hiệu lực.

Tin mới lên