Ngân hàng

SCB đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng gần 18% dù hệ số an toàn vốn giảm mạnh

(VNF) – Kết thúc năm 2017, lượng nợ xấu tại VAMC chưa trích lập dự phòng của SCB lên đến hơn 20.000 tỷ. Hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) năm 2017 cũng giảm mạnh từ từ 11,3% năm 2016 xuống chỉ còn 9,83%, nhỉnh hơn một chút so với quy định 9% của Ngân hàng Nhà nước.

SCB đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng gần 18% dù hệ số an toàn vốn giảm mạnh

Kết thúc năm 2017, số dư trái phiếu VAMC của SCB ở mức 23.849 tỷ đồng, tăng tới 9.296 tỷ đồng sau một năm.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018.

Theo tài liệu của SCB, tính đến 31/12/2017, tổng tài sản của SCB đạt 444.032 tỷ đồng, tăng 82.349 tỷ đồng, tăng 22,8% so với đầu năm. Xét về quy mô tổng tài sản, SCB hiện đứng thứ 5 trong hệ thống ngân hàng, chỉ xếp sau các ngân hàng thương mại Nhà nước.

Dư nợ cho vay của SCB đạt 266.501 tỷ đồng, tăng 19,95% so với đầu năm. Nợ xấu nội bảng chiếm 0,45% tổng dư nợ.

Danh mục đầu tư của SCB đến cuối năm 2017 đạt 77.426 tỷ đồng, tăng 41.852 tỷ đồng, tương ứng tăng 20,16%. Đáng chú ý, trái phiếu VAMC của SCB ở mức 23.849 tỷ đồng, tăng tới 9.296 tỷ đồng sau một năm.

Về cơ cấu nguồn vốn, đến cuối năm 2017, huy động thị trường 1 của SCB 353.327 tỷ đồng, chiếm 84,58% tổng vốn huy động; trong khi huy động thị trường 2 đạt 64.387 tỷ đồng, chiếm 15,41%, còn lại là vay Ngân hàng Nhà nước.

Một diễn biến không mấy lạc quan với SCB liên quan đến nguồn vốn là việc hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) năm 2017 của SCB giảm mạnh từ 11,3% năm 2016 xuống chỉ còn 9,83%, nhỉnh hơn một chút so với quy định 9% của Ngân hàng Nhà nước.

Các chỉ số về thanh khoản hiện cũng đang sát ngưỡng quy định. Chẳng hạn, tỷ lệ dự trữ thanh khoản tính đến hết ngày 31/12/2017 chỉ ở mức 10,41%, trong khi quy định tối thiểu là 10%. Thêm nữa, khả năng chi trả 30 ngày (VND) ở mức 51,38%, cao hơn một chút so với ngưỡng tối thiểu 50%.

Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận trước thuế năm 2017 của SCB đạt 164 tỷ đồng.

"Mức lợi nhuận còn khiêm tốn chủ yếu do SCB vẫn đang trong quá trình củng cố nền tảng tài chính, các chi phí tái cơ cấu phát sinh trong năm tương đối cao (đặc biệt là chi phí thoái thu lãi do xử lý nợ xấu) và SCB phải tập trung nguồn lực để trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro tín dụng, dự phòng trái phiếu VAMC", phía SCB cho biết.

Dù vậy, tổng chi phí trích lập dự phòng trong năm 2017 của SCB không nhiều, khoảng 890 tỷ đồng, trong đó chi phí trích lập dự phòng trái phiếu VAMC chỉ vỏn vẹn 123 tỷ đồng. Tổng dự phòng trái phiếu VAMC lũy kế của SCB hiện ở mức 3.492 tỷ đồng.

Đối với việc thoái thu, năm qua, SCB đã thực hiện thoái 1.082 tỷ đồng, giảm một phần nợ xấu tiềm ẩn.

Năm 2018, SCB đặt kế hoạch đạt tổng tài sản 487.043 tỷ đồng, tăng 9,69%; trong đó, cho vay khách hàng đạt 311.204 tỷ đồng, tăng 17,76%. Huy động vốn thị trường 1 kế hoạch đạt 418.278 tỷ đồng, tăng 18,38%. Trái ngược, huy động vốn thị trường 2 kế hoạch đạt 38.686 tỷ đồng, giảm gần 40%.

SCB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2018 đạt 224 tỷ đồng, tăng 36,85%.

Ngân hàng này cũng dự tính sẽ tăng vốn điều lệ thêm 2.305 tỷ đồng, lên 16.599 tỷ đồng.

Tin mới lên