Tiêu điểm

Siêu dự án 10 tỷ USD của PVN: JBIC đang xem xét cho vay không cần bảo lãnh

(VNF) - Đại diện Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) cho biết đang trong quá trình xem xét tài trợ cho dự án khí Lô B & 52/97 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) theo hình thức cho vay không yêu cầu bảo lãnh Chính phủ.

Siêu dự án 10 tỷ USD của PVN: JBIC đang xem xét cho vay không cần bảo lãnh

JBIC đang xem xét cho vay PVN không cần bảo lãnh đối với "siêu dự án" 10 tỷ USD

Dự án khí Lô B là một trong 2 dự án khí lớn nhất tại Việt Nam cho đến nay với tổng mức đầu tư dự án thượng nguồn và dự án đường ống là gần 10 tỷ USD. Do đó, việc tìm kiếm hình thức thu xếp vốn phù hợp cho triển khai dự án chính là một trong những quan ngại chính của phía các đối tác nước ngoài tham gia vào dự án.

PVN cho biết đến thời điểm hiện tại, dự án khí Lô B & 52/97 đã đạt được sự phê duyệt của các bên nhà thầu và của Hội đồng thẩm định Nhà nước cho báo cáo kế hoạch phát triển mỏ; hoàn thành và đạt được sự phê duyệt của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho báo cáo đánh giá Tác động môi trường.

Đồng thời dự án cũng đã hoàn thành báo cáo đánh giá định lượng rủi ro trình Bộ Công Thương và hoàn thành báo cáo đầu tư phát triển khai thác dầu khí.

Theo dự kiến, trong tháng 6/2018, dự án sẽ tiến hành trao thầu và ký các hợp đồng EPCI số 1 (hợp đồng thiết kế thi công, mua sắm, chế tạo, lắp đặt) và hợp đồng EPCI số 2 trong tháng 7/2018.

Chuỗi dự án khí Lô B bao gồm 2 thành phần là dự án phát triển mỏ Lô B, 48/95 & 52/97 và dự án Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn. Trong đó, Hợp đồng chia sản phẩm dầu khí (PSC) Lô B & 48/95 đã được ký kết tháng 5/1996, còn với Lô 52/97 được ký kết vào tháng 10/1999.

Cụ thể, dự án thành phần thứ nhất là dự án phát triển mỏ Lô B với chủ đầu tư gồm PVN (42,38%), PVEP (23,5%), Moeco (25,62%) và Công ty Dầu khí Thái Lan - PTTEP (8,5%), do Phú Quốc POC làm nhà điều hành.

Công trình gồm một giàn công nghệ trung tâm và 46 giàn khai thác, một giàn nhà ở, một tầu chứa condensate và khoảng 750 giếng khai thác.

Dự án thành phần thứ hai là Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn, với tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD. Chủ đầu tư là các bên gồm PVN (góp 28,699%), Tổng công ty Khí Việt Nam - PV Gas (góp 51%), Moeco và PTTEP (góp hơn 21% còn lại).

Tuyến ống có tổng chiều dài 430km, có công suất thiết kế 20,3 triệu m3, gồm tuyến ống biển có chiều dài 295km tiếp bờ tại An Minh (Kiên Giang), ống nhánh 37km nối từ KP209 về trạm tiếp bờ Mũi Tràm để cấp bù khí cho đường ống PM3 – Cà Mau, tuyến ống bờ dài 102km sẽ chạy tới Kiên Giang và Cần Thơ để cung cấp khí cho các nhà máy điện tại Trung tâm Điện lực, Kiên Giang và Trung tâm Điện lực Ô Môn (Cần Thơ).

Mục tiêu của Chuỗi dự án khí Lô B là khai thác và thu gom nguồn khí Lô B, 48/95 và 52/97, với sản lượng khí đưa về bờ khoảng 5,06 tỷ m3/năm và kéo dài 20 năm, để cấp khí cho các nhà máy điện tại khu vực Kiên Giang và Ô Môn, nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng điện cho khu vực Nam Bộ trong giai đoạn sau năm 2020.

Theo ước tính sơ bộ, trong vòng 20 năm hoạt động, với tổng doanh thu của toàn bộ dự án khoảng 47 tỷ USD, trong đó dự án phát triển mỏ Lô B sẽ đóng góp vào ngân sách nhà nước 18,3 tỷ USD và dự án đường ống đóng góp 930 triệu USD.

Tin mới lên