TS Lê Văn Châu - người đặt nền móng cho thị trường chứng khoán Việt Nam

Tùng Lâm - 28/11/2021 09:33 (GMT+7)

(VNF) - Ngày 28/11/1996, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/1996/NĐ-CP về việc thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. TSKH. Lê Văn Châu - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đầu tiên - là nhân chứng lịch sử, người đặt nền móng cho chặng đường 25 năm hình thành và phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam.

VNF
1

Những cuộc họp quan trọng

Sự ra đời của thị trường chứng khoán Việt Nam được manh nha từ một cuộc họp quan trọng diễn ra vào những năm cuối của thập niên 80 thế kỷ trước, với sự góp mặt của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch nước Võ Chí Công, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, ông Lê Văn Châu (khi đó là Giám đốc điều hành phụ khuyết tại Ngân hàng Thế giới) và một số nhà lãnh đạo khác.

Cuộc họp này được ông Lê Văn Châu kể lại trong cuốn sách “Kỷ niệm 25 năm thị trường chứng khoán Việt Nam (28/11/1996 – 28/11/2021): Nhớ về những năm tháng ấy”.

Người đưa ông Lê Văn Châu đến Văn phòng đại diện của Trung ương Đảng tại TP. HCM để tham gia cuộc họp là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng.

“Tới phần của tôi, đồng chí Phạm Hùng bảo, anh Lê Văn Châu từng là một đầu mối, mắt xích của con đường tiền tệ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hiện nay, anh Lê Văn Châu đang đại diện cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm việc tại Mỹ, có hiểu biết, kiến thức về nền kinh tế cũng như cách thức vận hành quản lý kinh tế, xã hội nước Mỹ… Theo yêu cầu của đồng chí Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, tôi báo cáo chi tiết, cụ thể cách thức Mỹ tổ chức các cơ quan điều hành xã hội cấp bang, liên bang; cách thức huy động vốn qua phát hành trái phiếu Chính phủ. Tôi cũng báo cáo những điều mình biết về thị trường chứng khoán, kênh huy động vốn quan trọng bậc nhất của nền kinh tế và doanh nghiệp Mỹ cũng như một số quốc gia”, ông Châu hồi tưởng.

Đến tận 22 giờ đêm, ông Lê Văn Châu mới báo cáo xong nội dung các lãnh đạo đất nước cần nghe. Thậm chí sau đó, các lãnh đạo vẫn ngồi lại họp, còn ông Châu phải ra xe để đi nhanh đến sân bay Tân Sơn Nhất để ra Hà Nội, từ đó tiếp tục làm thủ tục bay sang Mỹ.

“Nói lại bối cảnh thời kỳ sơ khởi đó để thấy rằng, quá trình đi từ việc chuẩn bị xây dựng thị trường vốn và tương lai là thị trường chứng khoán Việt Nam là một hành trình không quá dài, nhưng cũng không hề ngắn. Đó là sự chuyển biến từ nhận thức đến hoạch định chính sách trong công cuộc đổi mới, cải cách kinh tế của Việt Nam mang tính bước ngoặt với không ít trở ngại, khó khăn của giai đoạn đặt nền móng ban đầu. Sự chuyển biến nhận thức trước hết từ những người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ tới đội ngũ cán bộ quản lý chủ chốt, tham gia vào công cuộc cải cách kinh tế mà đặc biệt là cải cách ngành Tài chính - Ngân hàng”, ông Châu nhìn nhận.

Một cuộc họp quan trọng khác diễn ra vào đầu năm 1991, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười và sự tham gia của ông Đậu Ngọc Xuân - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Hợp tác và Đầu tư nước ngoài; ông Đỗ Quốc Sam - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước; ông Hồ Tế - Bộ trưởng Bộ Tài chính; và ông Lê Văn Châu - khi đó là Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bàn về vấn đề làm thế nào để tạo nguồn vốn cho phát triển kinh tế.

“Khi đó, tôi đề nghị xây dựng thị trường chứng khoán, vì đây là bước đi tất yếu của một quốc gia phát triển theo hướng kinh tế thị trường. Cũng may mắn là trước đó khi làm nhiệm vụ ở Hồng Kông và Mỹ, tôi có quan tâm và nghiên cứu thị trường này. Tuy nhiên, đối với nước ta, “chứng khoán” khi ấy là một khái niệm quá mơ hồ, không chỉ với những nhà kinh tế, chuyên gia, mà ngay cả với cá nhân tôi - người đề xuất thành lập thị trường. Trước đó, khái niệm “chứng khoán” và “thị trường chứng khoán” cũng vấp phải một loạt ý kiến, từ cảnh báo cho tới lo ngại vì nó gắn liền với hai chữ “Tư bản” ”, ông Châu cho hay.

TSKH. Lê Văn Châu (trái) và cố Tổng bí thư Đỗ Mười

Sau khi được sự đồng ý của ông Đỗ Mười, năm 1992, Ngân hàng Nhà nước quyết định thành lập một nhóm chuyên nghiên cứu, tìm hiểu về thị trường chứng khoán. Buổi họp mặt đầu tiên của nhóm được tổ chức tại Hội trường 17, Bến Chương Dương (TP. HCM), vốn là trụ sở của Ngân hàng Quốc gia chế độ Sài Gòn trước ngày giải phóng (năm 1975) với sự tham gia của một số thành viên phía Nam.

“Hiểu sứ mệnh là thế hệ đặt những viên gạch đầu tiên xây nền cho thị trường tài chính bậc cao này, thực sự lúc đó chưa cán bộ nào, kể cả người trải qua nhiều môi trường công tác và những năm gian khó thời chống Mỹ như tôi dám nghĩ đến niềm vinh dự. Trong chúng tôi, lúc nào cũng đau đáu trách nhiệm rất lớn với nhiệm vụ mà Tổ quốc, nhân dân, Đảng và Nhà nước giao phó”, ông Lê Văn Châu nhấn mạnh.

Năm 1995 và đầu năm 1996, trong nhiều cuộc họp bàn, thảo luận ở các cấp khác nhau, mô hình và lộ trình phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng sáng tỏ và đi vào triển khai trên thực tế. Để “lo hết những câu chuyện về thị trường”, cần thành lập một Ủy ban.

Người được chọn

Để thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, một trong những công việc trước tiên phải làm là lựa chọn người làm Chủ tịch Ủy ban.

Với quan điểm lãnh đạo Ủy ban cần có khả năng điều hành kinh tế tổng hợp, vì thị trường chứng khoán là lĩnh vực liên quan đến nhiều ngành kinh tế, khi đó nhiều ý kiến cho rằng, lãnh đạo các bộ có vai trò và chức năng tổng hợp như Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính có thể đảm đương vai trò Chủ tịch.

Theo ông Lê Văn Châu, bởi tính chất liên ngành và để xứng tầm với vị thế của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lúc đó, có ý kiến cho rằng nên để Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước là Chủ tịch Ủy ban. Phương án tiếp theo là đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính giữ chức Chủ tịch Ủy ban, nhưng cuối cùng thì cũng không ai đứng ra nhận chức vụ này.

“Chính vì quá mới mẻ, chứng khoán trở thành một quả bóng mà không ai muốn nhận về”, ông Châu nhận định.

Một ngày, ông Lê Văn Châu được Thủ tướng Võ Văn Kiệt gọi lên trao đổi công việc và đề nghị ông nhận nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, một nhiệm vụ mà chính ông Kiệt cũng phải thừa nhận rằng “không dễ và rất mới”.

“Quyết định nhận nhiệm vụ mới của tôi khi đó thực sự khiến bạn bè, đồng nghiệp và gia đình có những lo lắng. Thậm chí, nó để lại nhiều hoài nghi hơn là những lời chúc mừng, ngay cả với những người thân thiết. Nhiều bạn bè khuyên tôi, nếu muốn đóng góp cho đất nước thì có nhiều cách, vẫn ngồi vị trí cũ (Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) cũng có thể cống hiến, không nhất thiết phải… “chui vào bụi rậm” bởi có thể dễ gặp phải những thất bại sự nghiệp. Tôi không nghĩ vậy. Tôi có niềm tin, có thể thời gian đầu thị trường chứng khoán chưa đạt được những kết quả to lớn, nhưng chí ít cũng đặt nền móng cho sự phát triển kinh tế thị trường... Nếu không có thị trường chứng khoán thì không thể gọi là kinh tế thị trường được”, ông Châu khẳng định.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (trái) và TSKH. Lê Văn Châu

Vị chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đầu tiên này thậm chí còn từng từ chối một vị trí tốt hơn để ở lại với một đơn vị non trẻ và đối mặt với bộn bề gian khó.

“Cuối năm 1997, khi bộ máy mới của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bước đầu vận hành ổn định với bộ khung là các cán bộ trẻ mà cá nhân tôi cùng Ban lãnh đạo Ủy ban đã đi nhiều bộ, ngành lựa chọn, đưa về cơ quan mới thì một sáng chủ nhật, anh Vũ Đức Đam, Thư ký của Thủ tướng Võ Văn Kiệt (nay anh Vũ Đức Đam là Phó Thủ tướng Chính phủ) đạp xe ghé qua nhà tôi. Đồng chí Vũ Đức Đam nói: “Chú Sáu Dân bảo cháu qua mời chú, 9 giờ sáng nay, chú bố trí qua nhà chú Sáu để chú Sáu gặp, bàn việc” ”, ông Châu kể lại.

Việc mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt muốn bàn là đề nghị ông Lê Văn Châu trở lại Ngân hàng Nhà nước để đảm nhiệm vị trí Thống đốc.

Trước lời đề nghị này, ông Châu suy nghĩ rất nhanh rồi trả lời ông Võ Văn Kiệt: “Báo cáo Thủ tướng, tôi được điều động sang Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới chưa được một năm. Thời gian qua, mọi việc đã vào guồng và được đẩy lên với cường độ cao ở tất cả các lĩnh vực, nhằm sớm cho ra đời thị trường chứng khoán. Đội ngũ nhân sự chủ chốt của Ủy ban do tôi đích thân đi lựa chọn, mời gọi về, đã bước đầu làm quen với các mảng việc còn rất mới và khó khăn… Người lãnh đạo cao nhất thay đổi, các anh em cán bộ, phần lớn là người trẻ, cũng vừa chuyển công tác đến Ủy ban cũng rất dễ nảy sinh tâm lý trăn trở, băn khoăn, từ đó ảnh hưởng đến công tác chung. Tôi mong đồng chí Thủ tướng và Ban Cán sự đảng Chính phủ hãy cân nhắc kỹ”.

Sau buổi gặp đó, ông Châu tiếp tục đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Vị trí Thống đốc Ngân hàng Nhà nước được Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kiêm nhiệm một thời gian.

Chưa có tiền lệ

Trong một thời kỳ mà khái niệm cổ phiếu, cổ tức,... còn rất mơ hồ với hầu hết mọi người, thị trường chứng khoán tự do còn mơ hồ hơn nữa, thì việc bắt tay xây dựng cơ quan quản lý thị trường chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) là việc làm được ông Lê Văn Châu gọi là “chưa có tiền lệ”, vì trên thế giới, đối với tất cả các quốc gia, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán chỉ ra đời khi thị trường chứng khoán tự do đã phát triển đến trình độ đòi hỏi phải có cơ quan quản lý ở tầm vĩ mô.

Thậm chí, vẫn có không ít ý kiến cho rằng, các điều kiện kinh tế vĩ mô, về tăng trưởng kinh tế, về hệ thống tài chính ngân hàng, về tiến trình cổ phần hóa, về các chính sách khuyến khích… chưa chín muồi. Nếu Việt Nam cho ra đời thị trường chứng khoán sẽ không tránh khỏi thất bại. Nếu thất bại, không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế mà còn là uy tín trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, ngày 28/11/1996, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/1996/NĐ-CP về việc thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ngày 25/8/1997, Việt Nam tuyên bố với thế giới việc thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bằng lễ ra mắt tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Theo ông Lê Văn Châu, sự kiện ra mắt này cũng là chưa có tiền lệ vì cho tới thời điểm đó, chưa có một tổ chức Nhà nước nào tại Việt Nam tổ chức sự kiện tương tự.

TSKH. Lê Văn Châu, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đầu tiên, tại lễ ra mắt Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Bên cạnh việc hoàn tất khuôn khổ pháp lý và mô hình vận hành, các vụ chức năng của Ủy ban bắt tay vào xây dựng thị trường theo từng lĩnh vực được phân công. Trong quá trình đó, con người là yếu tố quan trọng nhất.

“Với phương châm tuyển chọn trí tuệ trẻ, những người có khả năng cập nhật nhanh kiến thức, học hỏi và hiểu biết rộng, nên chúng tôi chỉ lấy nhân sự ở các bộ, ngành về làm nòng cốt. Còn lại chủ yếu chọn các cán bộ trẻ qua tuyển chọn công chức (khoảng gần 150 người). Tiêu chí của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là phải chọn cán bộ giỏi, thông thạo ngoại ngữ và nghiệp vụ tài chính, ngân hàng. Vì vậy mới có chuyện trong đội ngũ của Ủy ban có những vụ trưởng, vụ phó chỉ trên dưới 30 tuổi; trưởng, phó phòng có khi chỉ trên dưới 25 tuổi”, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đầu tiên cho hay.

Hầu hết cán bộ của Ủy ban lần lượt được cử đi học dài hạn, ngắn hạn và khảo sát nghiên cứu ở một số tổ chức quốc tế, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ để cập nhật kiến thức vận hành thị trường. Trên cấu trúc nền tảng ấy, bộ máy nhân sự quản lý đã từng bước phát triển vững vàng cả về số lượng và chất lượng.

Tháng 7/2000, thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức được vận hành với sự kiện khai trương Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. HCM vào ngày 20/7 và tổ chức phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28/7.

25 năm kể từ khi thế hệ đầu tiên dưới sự dẫn dắt của ông Lê Văn Châu đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng thị trường chứng khoán Việt Nam, trải qua không ít thăng trầm, có những lúc tưởng như khó vượt qua, nhưng thị trường vẫn đang phát triển vững chắc, ngày càng thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Cuốn sách “Kỷ niệm 25 năm thị trường chứng khoán Việt Nam (28/11/1996 – 28/11/2021): Nhớ về những năm tháng ấy” của TSKH. Lê Văn Châu do Nhà xuất bản Tài chính ấn hành.

Ở cuốn sách, độc giả sẽ gặp lại những con người là nhân chứng lịch sử, những thời khắc quan trọng, các sự kiện, diễn biến của quá trình chuyển đổi tư duy xây dựng thị trường vốn Việt Nam. Hồi ức về những trở ngại, khó khăn trong giai đoạn đầu cũng được tái hiện đầy phong phú, sinh động. Cuốn sách như một lời nhắn gửi của TSKH. Lê Văn Châu với độc giả và các thế hệ sau về tinh thần đổi mới, sáng tạo, nỗ lực vượt khó, nắm bắt văn minh và tri thức nhân loại, giúp ích cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Lãi lớn từ công ty liên kết, HHS hoàn thành 50% kế hoạch lợi nhuận năm chỉ trong quý I

Lãi lớn từ công ty liên kết, HHS hoàn thành 50% kế hoạch lợi nhuận năm chỉ trong quý I

(VNF) - Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HoSE: HHS) báo lãi sau thuế tới 150 tỷ đồng trong quý I/2024, bằng 50% kế hoạch năm.

EverLand: Doanh thu quý I giảm 50% so với cùng kỳ

EverLand: Doanh thu quý I giảm 50% so với cùng kỳ

(VNF) - Quý I/2024, Công ty Cổ phần Tập đoàn EverLand (HoSE: EVG) ghi nhận sự sụt giảm mạnh về doanh thu thuần trong khi lợi nhuận có sự tăng trưởng đáng kể.

Khởi tố Giám đốc Sở Y tế Bà Rịa-Vũng Tàu

Khởi tố Giám đốc Sở Y tế Bà Rịa-Vũng Tàu

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Minh An bị khởi tố để điều tra về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu qua nghiêm trọng".

TP.HCM: Đón gần 1 triệu du khách, thu 3.200 tỷ dịp lễ 30/4 - 1/5

TP.HCM: Đón gần 1 triệu du khách, thu 3.200 tỷ dịp lễ 30/4 - 1/5

Theo Sở Du lịch TP. HCM, trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, có gần 1 triệu lượt người dân, du khách vui chơi, tham quan tại các điểm đến trên địa bàn, tăng 2% so với cùng kỳ.

Ngoại trưởng Blinken vừa về nước, Mỹ giáng đòn lên loạt DN Trung Quốc

Ngoại trưởng Blinken vừa về nước, Mỹ giáng đòn lên loạt DN Trung Quốc

(VNF) - Ngay sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kết thúc chuyến thăm Bắc Kinh, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với hơn chục công ty ở Trung Quốc và Hồng Kông vì ủng hộ nỗ lực chiến sự của Nga ở Ukraine.

Bán DN làm dự án Vlasta Sầm Sơn, Văn Phú Invest lãi 70 tỷ trong quý I/2024

Bán DN làm dự án Vlasta Sầm Sơn, Văn Phú Invest lãi 70 tỷ trong quý I/2024

(VNF) – Kết quả kinh doanh bất động sản quý I/2024 của Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest (HoSE: VPI) khá ảm đạm. Phải nhờ tới việc bán công ty con, VPI mới có lãi sau thuế 70 tỷ đồng.

Hải Phát Invest: Sau cơn mưa, trời có sáng?

Hải Phát Invest: Sau cơn mưa, trời có sáng?

(VNF) - Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, HoSE: HPX) đã trải qua một năm 2023 đầy chật vật. Song, với những gì đang có ở quý I/2024, hi vọng đã được nhen lên cho cổ đông của công ty này.

VietnamFinance thay giao diện, hướng tới mục tiêu mới

VietnamFinance thay giao diện, hướng tới mục tiêu mới

(VEF) - Hôm nay (2/5/2024), Tạp chí điện tử VietnamFinance chính thức có giao diện mới tại địa chỉ: www.vietnamfinance.vn. Đây là một nỗ lực của chúng tôi nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng các ấn phẩm để phục vụ bạn đọc tốt hơn.

Ngân hàng mạnh tay chia cổ tức: Niềm vui ngắn chẳng tày gang!

Ngân hàng mạnh tay chia cổ tức: Niềm vui ngắn chẳng tày gang!

(VNF) - Mùa ĐHĐCĐ 2024 của các ngân hàng diễn ra trong niềm vui và cả sự hụt hẫng của cổ đông khi nơi thì chia cổ tức “đậm”, nơi thì vẫn dửng dưng…

Nghị định 12 về định giá đất: Nguy cơ kéo lùi thị trường, tăng gánh nặng cho người mua

Nghị định 12 về định giá đất: Nguy cơ kéo lùi thị trường, tăng gánh nặng cho người mua

(VNF) – Mặc dù đã tiếp thu ý kiến của giới chuyên gia, doanh nghiệp khi giữ lại phương pháp thặng dư để xác định giá đất, song Nghị định 12/2024 lại tiếp thu chưa triệt để, dẫn đến tính chưa đúng, chưa đủ chi phí hợp lý của nhà đầu tư. Điều này có thể dẫn đến sự triệt tiêu động lực phát triển dự án mới, khiến nút thắt nguồn cung không thể tháo gỡ. Và tất yếu, mọi chi phí phát triển dự án cuối cùng sẽ trút lên vai người mua.

Toàn cảnh tuyến cao tốc nghìn tỷ được ví là 'đường tránh' quốc lộ

Toàn cảnh tuyến cao tốc nghìn tỷ được ví là 'đường tránh' quốc lộ

(VNF) - Nằm trên trục cao tốc Bắc - Nam phía đông, tuyến cao tốc Cam Lộ - Hòa Liên có chiều dài 163km, trong đó, đoạn Cam Lộ - La Sơn dài khoảng 98,3km và đoạn La Sơn - Hoà Liên dài khoảng 64,9km.