Ngày hội thống nhất non sông
(VNF) - Ngắm nhìn các hoạt động trong Ngày hội thống nhất non sông qua ống kính máy ảnh của tác giả Nguyễn Hữu Tấn.
Những năm đầu của thập niên 90, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định thành lập một nhóm chuyên nghiên cứu, tìm hiểu về thị trường chứng khoán (TTCK); giao cho Vụ Nghiên cứu Kinh tế và một số vụ, cục khác chịu trách nhiệm trong việc hình thành Đề án xây dựng TTCK tại Việt Nam.
“Chúng ta bắt đầu từ con số 0”, bà Dương Thu Hương, nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Kinh tế, nói với Tạp chí Đầu tư Tài chính.
Hành trình đi tìm hình hài cho TTCK Việt Nam được bà Hương mô tả là “quá nhiều khó khăn”, khó khăn cả về nhận thức, về sự đồng thuận, về điều kiện vật chất, về điều kiện kỹ thuật, về cán bộ, về sự lãnh đạo, chỉ đạo… Bởi lúc đó, Việt Nam hầu như chưa biết về kinh tế thị trường, chưa có luật pháp về kinh tế thị trường, mọi thứ vẫn đang trong quá trình xây dựng và chuyển đổi. Thậm chí, “chứng khoán” còn là từ nhạy cảm, gây lo ngại bởi sự trồi sụt, đổ vỡ đã từng diễn ra ở nhiều TTCK trên thế giới. Thế nhưng những khó khăn ấy không thể cản bước được sự hình thành của TTCK Việt Nam, bởi đó là điều tất yếu xuất phát từ nhu cầu của nền kinh tế trong thời kỳ chuyển đổi sang kinh tế thị trường.
Một cuộc họp bàn về vấn đề làm thế nào để tạo ra nguồn vốn cho phát triển kinh tế đã được diễn ra vào đầu năm 1991, với sự góp mặt của ông Đỗ Mười - khi đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông Đậu Ngọc Xuân - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Hợp tác và Đầu tư nước ngoài; ông Đỗ Quốc Sam - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước; ông Hồ Tế - Bộ trưởng Bộ Tài chính và ông Lê Văn Châu - khi đó là Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Trong cuộc họp bàn này, nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục phát hành trái phiếu quốc gia. Nhưng qua trao đổi thì thấy phát hành trái phiếu quốc gia theo phương thức như trước đây không được bao nhiêu. Khi đó, ông Lê Văn Châu đề nghị xây dựng TTCK vì đây là bước đi tất yếu của một quốc gia phát triển theo hướng kinh tế thị trường.
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đã đồng ý và giao nhiệm vụ xây dựng đề án thành lập TTCK cho 4 cơ quan cùng phối hợp gồm: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Ban Kinh tế Trung ương, Hội đồng Tài chính Tiền tệ Quốc gia. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính được giao thành lập ban công tác để chuẩn bị cho việc xây dựng đề án thành lập TTCK Việt Nam.
Trên thực tế, không chỉ ngoài Bắc mà trong Nam cũng đã từng chuẩn bị một đề án hình thành TTCK. Tháng 8/1992, một cuộc họp khẩn bàn về TTCK đã được diễn ra tại TP. HCM dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp, Chủ tịch UBND TP. HCM thời đó. Cuộc họp này đem lại cảm giác “vừa hồi hộp vừa thích thú” đối với ông Bùi Nguyên Hoàn, nguyên Vụ trưởng – Trưởng đại diện Văn phòng Ủy ban UBCKNN tại TP. HCM (thời điểm đó đang công tác tại Ngân hàng Nhà nước TP. HCM).
“Thích thú bởi khi các doanh nghiệp tư nhân đang mọc lên như nấm nhưng thiếu vốn trầm trọng thì lần đầu tiên được nghe nói tới định chế tài chính này”, ông Hoàn bày tỏ trong cuốn kỷ yếu nhìn lại TTCK của UBCKNN.
Cuộc họp chủ yếu đặt vấn đề về tính cấp thiết của việc huy động vốn cho nền kinh tế chứ không có tài liệu. Nhiều ý kiến đồng tình với Chủ tịch UBND TP. HCM, muốn TP. HCM có một trung tâm giao dịch chứng khoán để tạo vốn cho các doanh nghiệp; có ý kiến muốn làm ngay, nhưng cũng không ít người tỏ ra hoài nghi vì “chế độ xã hội chủ nghĩa làm gì có TTCK”.
Đến chập tối, Chủ tịch UBND TP. HCM mới kết luận được vấn đề: “Thành phố sẽ xin Chính phủ tổ chức thí điểm một TTCK để làm tiền để cho chương trình cổ phần hóa và huy động vốn cho nền kinh tế, với tên gọi Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. HCM”.
Một ban chỉ đạo gồm 9 thành viên do Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Vĩnh Nghiệp làm trưởng ban và một ban soạn thảo Đề án gồm 5 thành viên do ông Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế TP. HCM làm trưởng ban, được thành lập.
Đến tháng 6/1993, bản Đề án hoàn thành, Chủ tịch UBND TP. HCM đưa ra Hà Nội trình lên Chính phủ. Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó đã đưa ra một kết luận rất đáng chú ý: “Thị trường chứng khoán là một định chế liên quan trực tiếp đến tài sản của dân, do đó đã làm là phải làm thiệt, không làm thử, không thí điểm. Thị trường chứng khoán là của cả nước chứ không thể là của riêng của TP. HCM”.
Cuối cùng, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng TTCK Việt Nam. Thống đốc Cao Sĩ Kiêm đã nhanh chóng ban hành một quyết định thành lập nhóm nghiên cứu soạn thảo đề án thành lập TTCK tại Việt Nam, do Phó thống đốc Lê Văn Châu chỉ đạo, với sự tham gia của Vụ Nghiên cứu Kinh tế, Vụ Quản lý Ngoại hối, Vụ Hợp tác Quốc tế, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại TP. HCM…
“Chúng tôi đã miệt mài xây dựng, trình, chỉnh sửa rất cẩn thận, tỉ mỉ Đề án thành lập TTCK. Trong thời điểm đó, nhóm của chúng tôi đã được tiếp đón rất nhiều đoàn khách nước ngoài, các tập đoàn tài chính, các công ty chứng khoán lớn trên thế giới như Nomura, Merrill Lynch... Rất nhiều những đoàn khách đến rồi lại đi bởi khi đặt chân đến Việt Nam lúc đó, các tổ chức tài chính nước ngoài rất muốn tìm hiểu trước về thị trường, để đến khi thị trường hoạt động, họ sẽ đổ vốn vào đầu tư...
Tuy nhiên, đề án TTCK lại nhận phải nhiều quan điểm trái chiều nhau về việc nên hay không nên xây dựng một TTCK ở Việt Nam từ một số lãnh đạo cấp cao của Trung ương. Chính vì vậy đề án thành lập TTCK dù đã được hoàn thành nhưng chưa được phê duyệt. Đây cũng là điều rất đáng tiếc”, bà Dương Thu Hương kể lại.
Sau nhiều cuộc họp bàn thảo, các chuyên gia kinh tế và nhóm xây dựng Đề án đã đi đến thống nhất là cần cố gắng thuyết phục xã hội rằng để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thành công khi bước vào thế kỷ XXI thì nền kinh tế Việt Nam phải “cất cánh”. Mà muốn “cất cánh” thì điều cốt lõi là nguồn vốn của doanh nghiệp phải mạnh.
Nếu doanh nghiệp chỉ biết dựa vào nguồn vốn vay của ngân hàng thì sẽ tăng áp lực về vốn cho ngân hàng trong khi bản chất của tổ chức trung gian tài chính là chỉ cung cấp nguồn vốn ngắn hạn, còn các doanh nghiệp lại rất cần nguồn vốn trung và dài hạn. Chính vì vậy, cần phải xây dựng một thị trường vốn để tạo kênh đầu tư, khơi thông dòng vốn cho các doanh nghiệp.
Với lý do đó, nhóm xây dựng Đề án đã cố gắng thuyết trình để Chính phủ thấy cần phải hình thành một thị trường vốn tại Việt Nam. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sau đó đã chỉ đạo: “Chuẩn bị gấp rút các điều kiện cho sự ra đời của TTCK, đợi khi thời cơ đến thì đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc triển khai thành lập”.
Vì vậy, đã đến lúc cần hình thành một bộ phận riêng, độc lập chuyên tâm nghiên cứu xây dựng và phát triển thị trường. Đó là việc ra đời Ban Thị trường vốn tại Ngân hàng Nhà nước vào những năm 1994-1995. Sau đó, Chính phủ cho phép cơ quan này tách ra khỏi Ngân hàng Nhà nước để đặt nền móng cho việc thành lập UBCKNN (ngày 28/11/1996).
(VNF) - Ngắm nhìn các hoạt động trong Ngày hội thống nhất non sông qua ống kính máy ảnh của tác giả Nguyễn Hữu Tấn.