'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội dự kiến diễn ra từ ngày 21/5-14/6/2018, nhiều dự thảo luật quan trọng sẽ được trình Quốc hội thông qua, trong đó nhận được nhiều chú ý của dư luận thời gian qua là Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, hay còn gọi là Luật Đặc khu.
Dù chỉ còn vài tuần nữa là trình Quốc hội xem xét, thông qua, song hiện nay dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đang nhận được nhiều ý kiến phản biện từ các chuyên gia.
Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội để có thêm cái nhìn đa chiều về vấn đề này.
- Việt Nam từng có một đặc khu kinh tế là đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Quan điểm nhìn nhận về khái niệm đặc khu kinh tế hiện nay và trước đây khác nhau thế nào, và tại sao tới nay chúng ta mới có dự thảo luật mở đường cho phát triển đặc khu, liệu có muộn màng, thưa ông?
TS. Nguyễn Đức Kiên: Việt Nam từng phát triển đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo để phục vụ mục tiêu phát triển dầu khí vào những năm 80 của thế kỷ trước. Phải nói thời điểm ấy, đất nước còn khó khăn, song Việt Nam đã đầu tư rất quy mô, đi kèm với chính sách ưu đãi đột phá và cũng đã thu về được hiệu quả lớn ở đây.
Sau này khi Liên Xô tan rã, Việt Nam bị cấm vận, phát triển dầu khí không còn là trọng tâm của nước Nga lúc đấy nên đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo bị giải thể.
So với cách nhìn nhận về đặc khu kinh tế hiện nay, cơ bản đều cùng một mục tiêu là tạo đột phá về kinh tế. Có khác là nay chúng ta cho thêm yếu tố hành chính vào trong tên gọi, và điều này sẽ đi kèm nhiều vấn đề cần tính toán.
Thực ra vào đầu năm 2000, Việt Nam đã có những nghiên cứu về xây dựng đặc khu. Ý định ban đầu là thực hiện tại Đồ Sơn (Hải Phòng), Chu Lai (Quảng Ngãi - Quảng Nam) và khu vực TP.HCM.
Nếu thời điểm ấy chúng ta làm được thì hiệu quả và sức lan toả là rất lớn, đúng bản chất của một đặc khu kinh tế. Còn bây giờ hỏi có muộn không thì phải nói là đã muộn rồi, nhưng bối cảnh lịch sử khó có thể làm sớm hơn.
Chúng ta biết rằng cuối những năm 90, đầu những năm 2000, nền kinh tế Việt Nam liên tục chịu biến động, từ khủng hoảng kinh tế châu Á 1997-1998, thiểu phát năm 2000, 'gỡ' thương mại với Mỹ, giai đoạn sau đó chúng ta ghi nhận tốc độ tăng trưởng rất nhanh 7,7-8%/ năm. Mặc dù đã có những nghiên cứu, song ở từng giai đoạn trước đây, đặc khu chưa phải là ưu tiên phát triển của chúng ta.
Vân Đồn (Quảng Ninh) - một trong ba địa phương dự kiến trở thành đặc khu kinh tế, bên cạnh Phú Quốc (Kiên Giang) và Bắc Vân Phong (Khánh Hoà)
- Việt Nam từng hào hứng với mô hình khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, đầu tư rất lớn nhưng ở nhiều nơi không thành công. Nguyên nhân thất bại là gì và làm sao tránh kịch bản đấy diễn ra với đặc khu kinh tế?
Nguyên nhân thất bại cơ bản là chúng ta không thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, trong khi nguồn lực tư nhân trong nước còn chưa đa dạng, chưa đủ mạnh. Và chúng ta không thực hiện được những mục đích đặt ra ban đầu cho khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp.
Ngay ở những nơi được cho là thành công khi các lô đất cho thuê được lấp đầy, có không nhiều yếu tố công nghệ cao, mà chủ yếu vẫn là ngành nghề thâm dụng vốn, lao động, làm gia công, giá trị gia tăng thấp.
Đối với câu chuyện với đặc khu, phải có cách thức cụ thể để thu hút dòng vốn của nhà đầu tư. Ở đây không chỉ giới hạn về những ưu đãi về thuế hay đất đai, mà quan trọng là cần một chính sách hành chính thông thoáng. Các nhà đầu tư tìm thấy cơ hội kiếm lời, bỏ tiền vào, rút tiền ra đều dễ dàng, nhanh chóng. Đấy mới là cái đột phá cần ở các đặc khu, chứ ưu đãi về thuế, đất đai làm nhiều rồi, tại sao phần nhiều vẫn không thành công?!
Tôi cho rằng cần thay đổi nhận thức trong cách ứng xử với nhà đầu tư, không thể áp đặt ý chí với họ được. Tiền của họ thì làm gì là quyền của họ, miễn là không trái với những quy định tại đặc khu. Đây là mối quan hệ hợp tác hai bên cùng có lợi nên mình phải tôn trọng họ.
- Thời hạn cho thuê đất tối đa lên tới 99 năm, có là quá dài?
Cá nhân tôi không đồng tình với thời hạn thuê đất lên đến 99 năm, vượt qua cả quy định của Luật Đất đai (tối đa 70 năm - PV).
Xét về góc độ kinh tế học, thời gian hoàn vốn của một dự án tối đa từ 7-8 năm, và 12 năm là nhà đầu tư có thể 'rũ áo ra đi', bỏ lại, không cần nhà xưởng, máy móc nữa. Bởi vì tuổi đời và khả năng phát triển, ứng dụng công nghệ của thời đại 4.0 đang thay đổi từng ngày. Nếu không hồi vốn nhanh thì công nghệ sẽ sớm lạc hậu và không đáp ứng được với yêu cầu của thị trường.
Chúng ta thấy các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc di chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam, họ có mang theo nhà máy theo không? Họ bỏ đấy họ có tiếc không? Câu trả lời là không, bởi vì đối với nhà tư bản, khi đã hết khấu hao, thu được vốn, có lãi cao hơn kỳ vọng thì họ sẵn sàng bỏ đi.
Bởi vậy, cho thuê đất 99 năm là tư duy của nhà buôn bất động sản, chứ không phải xuất phát từ nhu cầu của nhà đầu tư cần đất để sản xuất. Cho nên, theo tôi, việc kéo dài thời hạn thuê đất lên 99 năm là vô nghĩa, không có tính hấp dẫn với nhà đầu tư.
Mà như tôi đã nói, vấn đề là phải có chính sách hành chính thông thoáng, rút ngắn thời gian, quy trình cấp phép một dự án, đồng thời phát triển được đội ngũ công nhân, kỹ thuật lành nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực của người ta. Đấy mới là cái mà nhà đầu tư quan tâm, chứ họ không cần 70 hay 99 năm, sở hữu hay không sở hữu đất.
- Về vấn đề an ninh - quốc phòng, ông có lo ngại khi thời gian thuê đất dài và các đặc khu nằm ở vị trí khá nhạy cảm?
Tại sao cứ sợ ảnh hưởng của Trung Quốc tại các đặc khu. Tại sao ở Úc, Pháp, Mỹ... đều có Chinatown. Ở California mình có Little Saigon. Ở đó toàn người Việt, nói bằng tiếng Việt, thì bang California có lo ngại vấn đề an ninh quốc phòng hay không?
Thế giới hiện nay là phẳng, Việt Nam đã gia nhập WTO, cùng các hiệp định thương mại, anh lấy quyền gì mà ngăn cách người ta. 32-36% thương mại của Việt Nam là với Trung Quốc, chúng ta không thể cấm họ đầu tư vào Việt Nam, thay vào đó nên đặt vấn đề là làm sao thu hút và tối đa hoá hiệu quả của dòng tiền này.
Vấn đề là phải nâng cao trình độ kinh tế, để nguồn vốn của người Trung Quốc sang đây là phục vụ mục đích phát triển của mình. Đó mới là điều đáng bàn.
Quy định cho thuê đất đến 99 năm theo tôi là bất hợp lý xét về khía cạnh kinh tế. Còn đừng đánh đồng nó với góc độ an ninh - quốc phòng. Việt Nam đang rất cần dòng vốn từ nước ngoài, từ bất kỳ nước nào đều tốt cả. Cái quan trọng là cách thức mình quản lý ra sao.
- Xin cảm ơn ông!
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.