(VNF) - Gỡ vướng pháp lý bất động sản; Thông qua Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản; Nhà ở xã hội trở thành trọng tâm chính sách; Thị trường bất động sản có dấu hiệu hồi phục; Luật Đất đai hoãn thông qua; Cháy chung cư mini... là những sự kiện nổi bật ngành bất động sản năm 2023.
Một năm gỡ vướng pháp lý bất động sản
Cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản bắt đầu vào khoảng đầu quý IV/2022 và đến đầu năm 2023 đã khiến thị trường đóng băng. Chính phủ đã vào cuộc quyết liệt nhằm giải cứu và khôi phục thị trường bất động sản. Đã có gần 20 động thái từ phía Chính phủ được phát đi một cách liên tục và dồn dập, góp phần tạo thêm niềm tin và sức mạnh cho thị trường cũng như các chủ thể tham gia.
Điển hình như ban hành Nghị quyết số 58 ngày 21/4/2023 về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025; Nghị quyết số 33 ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Nghị định số 12 ngày 14/4/2023 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023...
Trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chủ trì 2 hội nghị lớn để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường, doanh nghiệp, người mua nhà, nhà đầu tư.
Chính phủ đã thành lập Tổ công tác trực thuộc Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Mỗi địa phương cũng đã thành lập tổ công tác do Chủ tịch đứng đầu.
Tính đến thời điểm hiện tại, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án bất động sản đã nhận được 130 văn bản báo cáo khó khăn liên quan 183 dự án trên cả nước. Trong đó, có 20 dự án được tập trung tháo gỡ trong quý III/2023.
Tại TP. HCM, cuộc giải cứu hàng trăm dự án "tắc pháp lý" là "vô tiền khoáng hậu". Từ phân loại dự án, giao cho các đầu mối có thẩm quyền, họp từng tuần từng tháng với các chủ đầu tư theo nhóm... Đến thời điểm hiện tại, TP. HCM đã giải quyết được 67 dự án (tương đương 37,2% so với số lượng 180 dự án ban đầu; trong đó, có 28 dự án theo hướng dẫn, đôn đốc của Tổ công tác và 39 dự án qua rà soát của địa phương). Hà Nội đã chỉ đạo và giải quyết được 419 dự án.
Có thể nói, chưa khi nào các giải pháp để cứu thị trường bất động sản lại được ban hành nhiều như năm 2023.
Thông qua 2 luật: Nhà ở và Kinh doanh bất động sản
Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội thông qua là khung pháp lý quan trọng, với nhiều quy định mới đáng chú ý, đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của các bên tham gia, giúp thị trường thêm minh bạch, bền vững.
Hai luật mới sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Như vậy từ thời gian ban hành đến thời gian hiệu lực dài, hơn 1 năm để các chủ thể nghiên cứu nắm bắt các điểm mới của luật kỹ càng hơn, giúp thực thi trơn tru hơn ngay khi các luật có hiệu lực.
Điểm đáng chú ý nhất trong Luật Nhà ở (sửa đổi) được nhiều người quan tâm là không quy định thời hạn sở hữu chung cư. Điều này được cho là đáp ứng đúng tâm tư nguyện vọng và nhu cầu của các chủ sở hữu nhà chung cư. Đặc biệt, Luật Nhà ở 2023 đưa ra nhiều điểm đáng chú ý trong việc phát triển nhà ở xã hội như: bổ sung thêm đối tượng được hỗ trợ là doanh nghiệp, hợp tác xã trong khu công nghiệp.
Trong khi đó, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có quy định mới là chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc không quá 5% giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai.
Một nội dung đã từng gây nhiều tranh cãi là đề xuất có nên bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn hay không đã chính thức kết thúc khi Luật Kinh doanh bất động sản mới đã loại bỏ đề xuất giao dịch bất động sản thông qua sàn. Thay vào đó, các bên tự lựa chọn giao dịch qua sàn nếu thấy có lợi ích.
Nỗ lực khơi dòng tín dụng cho bất động sản
Một năm qua, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều động thái điều chỉnh chính sách, ban hành và triển khai đồng bộ các công cụ và giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản.
Về điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong 6 tháng đầu năm với mức giảm 0,5-2,0%/năm cho các loại. Điều đó tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng.
Ngân hàng Nhà nước đã cùng với các ngân hàng thương mại đã trao đổi, tìm nhiều giải pháp để giảm chi phí và các ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất. Đến nay, mức lãi suất của ngân hàng thương mại giảm trung bình từ 1,5 – 2% tùy theo từng loại, nhiều ngân hàng còn có những khoản vay ưu tiên, ưu đãi.
Đi song song là gói hỗ trợ lãi suất 120.000 tỷ đồng do 4 ngân hàng thương mại, nhà nước phối hợp triển khai để người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư dự án, mua nhà.
Đáng chú ý, Nghị định 08/2023/NĐ-CP được ban hành trong giai đoạn cả thị trường đang có nhiều lo lắng, căng thẳng, bởi việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng sắp đến thời điểm phải thực hiện các nghĩa vụ. Nghị định này đã mở ra cánh cửa giúp doanh nghiệp không rơi vào "ngõ cụt".
Theo tính toán của một số đơn vị năm 2023, doanh nghiệp bất động sản sẽ phải thực thi hơn 100.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn cần thanh toán. Thậm chí, sang năm 2024 cũng xấp xỉ như vậy. Tuy nhiên, thực tế có thể nhiều doanh nghiệp bất động sản không thực hiện được nghĩa vụ của mình. Nghị định 08 ban hành trong năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư, cùng hệ thống ngân hàng giảm được khó khăn đang phải đối mặt.
Nhà ở xã hội trở thành trọng tâm chính sách
Vào thời điểm năm 2013, khi thị trường bất động sản gặp khó khăn, cùng với chính sách của cơ quan chức năng và gói tín dụng 30.000 tỷ đồng giúp cho phân khúc nhà ở xã hội có thêm một nguồn cung rất lớn. Nguồn cung nhà giá thấp tăng cao đã tạo điểm sáng lan tỏa thanh khoản cho toàn thị trường, giúp tồn kho bất động sản tiếp tục giảm mạnh.
Lần đầu tiên sau 10 năm, nhà ở xã hội tiếp tục trở lại thành một chính sách trọng tâm của Chính phủ, khi đầu tháng 4 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".
Mục tiêu đề án đặt ra, phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.
Chính phủ yêu cầu các địa phương phải xác định rõ diện tích đất dành cho phát triển nhà ở xã hội; coi phát triển nhà ở xã hội là một chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm của địa phương.
Theo đánh giá từ các chuyên gia, đây là lần đầu tiên Chính phủ đưa ra một chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân bài bản, với mục tiêu rõ ràng và giải quyết hàng loạt nút thắt lâu nay.
Đến nay, cả nước đã hoàn thành 46 dự án nhà ở xã hội quy mô khoảng 20.200 căn, đồng thời cấp phép hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư 419 dự án nhà ở xã hội quy mô hơn 410.000 căn.
Thị trường bất động sản có dấu hiệu hồi phục
Bất động sản đã trải qua một khoảng thời gian dài trầm lắng, đến đầu quý III/2023 và rõ ràng hơn là quý IV, thị trường ấm dần lên khi các dự án lần lượt bung hàng.
Đơn cử như, "ông lớn" bất động sản Novaland tái khởi động 5 dự án lớn gồm: Aqua City, Novaworld Phan Thiết, Novaworld Hồ Tràm, chung cư The Grand Manhattan, Victoria Village. Việc tái khởi động 5 dự án này không chỉ có ý nghĩa với chính tập đoàn mà còn mang lại lợi ích cho toàn thị trường bất động sản, nhất là trong bối cảnh thị trường vừa vực dậy sau cơn "bạo bệnh", cho thấy tính hiệu quả trong các chính sách tháo gỡ khó khăn cho bất động sản của Chính phủ và các cơ quan ban ngành.
Cũng trong quý III và IV của năm 2023, hàng loạt dự án quy mô lớn với đủ loại hình, trải dài từ Bắc đến Nam bắt đầu triển khai chiến dịch bán hàng, cung ra thị trường một lượng hàng lớn. Đặc biệt, doanh nghiệp sở hữu các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng cũng bung hàng sau thời gian dài "ngủ đông".
Tại khu vực phía Bắc, phân khúc căn hộ sẽ được bổ sung nguồn cung mới từ một dự án mới là The Canopy Residences thuộc khu đô thị Vinhomes Smart City tại Hà Nội với quy mô khoảng 1.800 căn; nguồn hàng từ giai đoạn mở bán mới của dự án The Moonlight 1 An Lạc, Rose Town Ngọc Hồi; dự án căn hộ Lumi Hanoi với tổng giá trị đầu tư dự kiến 18.000 tỷ đồng sẽ được khởi công trên tổng diện tích gần 5,6ha, cung cấp khoảng 4.000 căn hộ...
Trong khi đó, phân khúc thấp tầng, liền kề đón nhận thông tin mở bán của một số dự án như Aquarius Hưng Yên, Sapa City Clouds Lào Cai, khu đô thị Danko Center tại Tuyên Quang...
Tại TP. HCM và khu vực phụ cận, nhiều dự án cũng mở bán. Chủ đầu tư Khang Điền công bố đã có văn bản đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai đối với dự án The Privia (quận Bình Tân) và tung các chính sách bán hàng linh hoạt. Phú Mỹ Hưng cũng vừa cho biết trong số 166 căn hộ của dự án Phu My Hung The Horizon, chỉ còn khoảng 66 căn mở bán giai đoạn này.
Cũng ở phía đông TP. HCM, các dự án tại khu đô thị Grand Park cũng bước vào giai đoạn nước rút khi chủ đầu tư liên tục giới thiệu các căn hộ đối với các dự án đang phát triển. Trong trong quý IV/2023, Nam Long sẵn sàng đưa ra thị trường nguồn cung ở nhiều phân khúc như hơn 500 căn hộ EHome Southgate (Long An) giá từ 1 tỷ đồng/căn, 1.602 căn hộ EHomeS tại dự án Nam Long Central Lake (Cần Thơ) giá từ 600 triệu đồng/căn, các căn hộ tại dự án Akari City, Mizuki Park...
Còn tại Đồng Nai có dự án Eco Village Saigon River, Fiato City; Bình Dương có dự án Picity Sky Park, Bcons Polaris, The Emerald 68, Astral City. Tại Long An có Waterpoint cũng rục rịch “bơm" nguồn cung vào vùng phụ cận.
Khu vực miền Trung, thông tin các dự án mới mở bán làm “ấm” thị trường sau khoảng thời gian dài im ắng như Eco Central Park Vinh, The Panorama 2 Đà Nẵng, The Sailing Quy Nhơn...
Luật Đất đai bất ngờ hoãn thông qua
Theo chương trình, vào ngày 29/11 (ngày cuối cùng của kỳ họp 6), các đại biểu sẽ biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi).
Tuy nhiên, qua tiếp thu ý kiến của các đại biểu, giữa kỳ họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp, thống nhất ngoài những nội dung đã được tiếp thu, chỉnh sửa, còn nhiều nội dung của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần thêm thời gian để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.
Đặc biệt khi Luật Đất đai (sửa đổi) là luật quan trọng, có tác động tới người dân, liên quan tới nhiều luật khác. Theo chương trình kỳ họp điều chỉnh đã được các đại biểu tán thành, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được xem xét tại kỳ họp gần nhất.
Tại phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 18/12, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa 15 dự kiến diễn ra trong ba ngày, khai mạc vào 15/1/2024 và chia thành hai đợt, trong đó có thảo luận về Luật Đất đai (sửa đổi).
Tuy nhiên theo ông Cường, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đến nay vẫn chưa hoàn thành dù các cơ quan đã nỗ lực tiếp thu, chỉnh lý. Nguyên nhân là quá trình rà soát mất thời gian và phát sinh thêm nội dung cần làm rõ để bảo đảm không xảy ra vướng mắc khi áp dụng vào thực tiễn.
Khối lượng công việc hiện còn rất lớn. Sau khi kết thúc rà soát dự thảo Luật lần 2, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ báo cáo Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nêu ý kiến chính thức về nội dung tiếp thu, giải trình. Từ đó, các cơ quan hoàn thiện dự thảo, báo cáo Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 1/2024 và báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị. Khi hoàn thành nội dung, Ủy ban Kinh tế phải chuyển dự thảo để Ủy ban Pháp luật rà soát về mặt kỹ thuật.
"Việc trình Quốc hội xem xét, thông qua vào tháng 1/2024 tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó bảo đảm chất lượng tốt nhất của dự luật. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024", ông Cường cho hay.
Ngã ngũ tranh cãi về sở hữu chung cư có thời hạn
Vấn đề sở hữu chung cư có thời hạn như đề xuất trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) liên tục được thảo luận “nóng bỏng” tại các cuộc lấy ý kiến của doanh nghiệp từ năm ngoái đến năm 2023.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, việc đưa ra thời hạn sở hữu chung cư vì hiện nay nhà nước đang gặp khó khăn trong việc cải tạo, xây mới các chung cư cũ đã xuống cấp.
Nhiều chung cư xây cách đây 30-40 năm nhưng đã xuống cấp và đa số là các chung cư 8-10 tầng nên rất nguy hiểm. Trong khi đó, xu hướng hiện đại các chung cư xây mới sẽ xây cao tới 30-50 tầng. Việc quy định thời hạn sở hữu chung cư sẽ tác động đến các doanh nghiệp bất động sản nhưng cần phải nhìn ở góc độ an toàn cho người dân.
“Các nước trên thế giới đều quy định về tuổi thọ và thời hạn sở hữu công trình. Vì vậy, Bộ Xây dựng muốn đưa ra quy định này và sẽ lắng nghe, tiếp thu, nghiên cứu các góp ý để cân nhắc xem xét khi soạn thảo Luật Nhà ở sửa đổi”, ông Sinh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, về phía các doanh nghiệp đều đề nghị Bộ Xây dựng giữ nguyên quy định hiện hành là sở hữu chung cư vô thời hạn.
Cuộc tranh cãi suốt hơn 1 năm qua chính thức ngã ngũ khi tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Nhà ở sửa đổi và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Đáng chú ý, Luật sửa đổi không quy định thời hạn sở hữu, chỉ quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư trên cơ sở kế thừa Luật Nhà ở hiện hành.
Về quy định, thời hạn sử dụng nhà chung cư (Điều 58), Luật Nhà ở vừa thông qua quy định, thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế và thời gian sử dụng thực tế nhà chung cư theo kết luận kiểm định của cơ quan có thẩm quyền. Thời hạn sử dụng nhà chung cư theo hồ sơ thiết kế phải được ghi rõ trong văn bản thẩm định của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Thời hạn sử dụng nhà chung cư được tính từ khi nghiệm thu nhà chung cư đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Khi nhà chung cư hết thời hạn sử dụng theo hồ sơ thiết kế quy định tại khoản 1 Điều này hoặc chưa hết thời hạn sử dụng theo hồ sơ thiết kế nhưng bị hư hỏng, có nguy cơ sập đổ, không bảo đảm an toàn cho chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư thì UBND cấp tỉnh phải chỉ đạo thực hiện việc kiểm định, đánh giá chất lượng công trình nhà chung cư theo quy định tại Điều 61 của Luật này.
Doanh nghiệp bất động sản kiệt sức
Các doanh nghiệp bất động sản vẫn phải đối diện với nhiều thách thức. Cụ thể còn khó khi tiếp cận vốn vay tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, dẫn đến thiếu vốn để thực hiện dự án. Mặt khác, họ tiếp tục gặp khó khăn cả về thanh khoản, dòng tiền, nhất là trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp vào những tháng cuối năm 2023 rất lớn, khiến nhiều doanh nghiệp chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu.
Ngoài ra, niềm tin của nhà đầu tư lung lay đã tác động đến tính thanh khoản thị trường, dẫn đến doanh nghiệp kinh doanh bất động sản càng thiếu vốn, thậm chí một số doanh nghiệp đang chịu áp lực nợ ngắn hạn và tổng nợ lớn hơn so quy mô tài sản.
Đặc biệt đối với vấn đề pháp lý, không ít dự án bất động sản đang gặp vướng mắc, như việc thực hiện quy định về phương pháp định giá đất; quy hoạch sử dụng đất được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện; có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt nhưng không phù hợp quy hoạch cấp trên; vướng mắc về điều chỉnh chủ trương đầu tư, về thẩm quyền chuyển nhượng dự án...
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, bất động sản là ngành chứng kiến lượng doanh nghiệp giải thể nhiều nhất trong 10 tháng đầu năm 2023, cụ thể có 1.067 doanh nghiệp giải thể trên cả nước, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số doanh nghiệp thành lập mới chỉ đạt 3.850 doanh nghiệp, giảm 50,2% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, thị trường đang chứng kiến sự “ra đi” của hàng loạt doanh nghiệp bất động sản, trung bình mỗi tháng có khoảng 107 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, theo số liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam. Hiện có khoảng 20% sàn giao dịch bất động sản đối diện nguy cơ giải thể, phá sản; 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ, chỉ còn hoạt động cầm chừng với một vài nhân sự nòng cốt…
Loạt đại án bất động sản
Cùng với sự trầm lắng của thị trường, năm 2023 còn ghi nhận nhiều vụ khởi tố lãnh đạo doanh nghiệp, liên quan đến các vi phạm trong lĩnh vực bất động sản.
Trong đó có thể kể đến vụ khởi tố ông Lê Huy Lân, nguyên Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Coma 18 (HoSE: CIG) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Coma 18”.
Việc khởi tố ông Lân liên quan đến dự án VP6 Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội. Dự án do doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 Điện Biên thuộc Tập đoàn Mường Thanh làm chủ đầu tư. Cơ quan điều tra xác định, tại tòa nhà VP6 đã xây vượt quy hoạch 10 tầng.
Hay như vụ khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với bà Vũ Thị Thúy (vợ ca sĩ Khánh Phương) - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam, về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Từ năm 2020 - 2022, Công ty Nhật Nam đã huy động 8.941 tỷ đồng của khoảng 20.000 cá nhân, thông qua hơn 45.000 hợp đồng kinh doanh, có cá nhân ký nhiều hợp đồng. Sau đó, Công ty Nhật Nam đã sử dụng hơn 4.000 tỷ đồng để trả tiền gốc và lãi cho các cá nhân dù không kinh doanh gì; chi 520 tỷ đồng để duy trì hoạt động công ty; chi hơn 2.000 tỷ đồng cho "hoa hồng", trả cho các cá nhân môi giới; chi cho bà Vũ Thị Thúy 600 tỷ đồng, còn lại gần 1.000 tỷ đồng chưa rõ mục đích sử dụng.
Trong tháng 10/2023, Cơ quan An ninh điều tra TP. HCM cũng ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với ông Huỳnh Thế Năng, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) và ông Đinh Trường Chinh, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", liên quan đến việc quản lý, sử dụng khu đất khu đất số 33 Nguyễn Du và 34, 36, 42 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho nhà nước.
Một vụ án gần đây nhất là, cuối tháng 11/2023, Công an tỉnh Đồng Nai ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần đầu tư LDG (HoSE: LDG).
Ông Hưng về bị khởi tố về hành vi “Lừa dối khách hàng” xảy ra tại dự án khu dân cư Tân Thịnh thuộc xã Đồi 61, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Được biết, sau khi được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đến nay, LDG không báo cáo tình hình triển khai dự án theo quy định.
Từ năm 2018 - 2020, LDG đã tổ chức thi công, xây dựng 680 căn nhà, trong đó có 198 căn biệt thự, 290 căn nhà liên kế đã thi công xong, còn lại 192 căn nhà liên kế đang thi công dang dở. Ngoài ra, LDG đã thi công hệ thống đường giao thông, cấp thoát nước, điện, xử lý nước thải, công viên cây xanh.
Vụ cháy chung cư mini
Vụ cháy chung cư mini tại ngõ 29/70 phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội) vào đêm 12/9 gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, với 56 người chết và hàng chục người bị thương.
Hơn 1 ngày sau vụ cháy, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng với Nghiêm Quang Minh (SN 1979, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) - chủ chung cư mini, về tội Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy.
Chung cư này cao 9 tầng, 1 tum, rộng khoảng 200 m2/tầng, vượt 3 tầng so với phê duyệt và có tới 45 căn hộ với khoảng 150 người sinh sống.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng chỉ đạo, tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ chung cư mini. Qua đó, cơ quan chức năng phát hiện khoảng 2.000 tòa chung cư mini ở Hà Nội, phần lớn tập trung ở các quận nội thành, trong đó, hơn 1.000 công trình xây dựng sai phép. Đặc biệt, huyện Thạch Thất còn phát hiện hàng loạt chung cư mini xây dựng sai phép với hàng trăm căn hộ đang sử dụng với mục đích cho thuê.
Sau vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành công điện về việc tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và PCCC đối với nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ, bảo đảm an toàn, bảo vệ tài sản, sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Bộ Công an cũng có điện gửi Cục Cảnh sát PCCC&CNCH; công an các địa phương về việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về công tác này.
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.