10 'mảnh ghép' nổi bật của bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2023

Khánh Tú - 20/12/2023 09:51 (GMT+7)

(VNF) - Nền kinh tế toàn cầu đã bị "rạn nứt" bởi căng thẳng địa chính trị ngày càng leo thang, đặc biệt là dưới sự tác động của hai cuộc chiến Israel - Hamas và Nga - Ukraine. Cùng với đó là làn sóng tăng lãi suất trên quy mô toàn cầu, sự bùng nổ của AI, đất hiếm...

1. Chiến dịch tăng lãi suất của các Ngân hàng Trung ương

Trong cuộc họp cuối cùng của năm 2023, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang trong phạm vi 5,25% - 5,5%, mức cao nhất kể từ năm 2001.

Trong năm 2023, Fed đã 4 đợt nâng lãi suất trong tháng 2, tháng 3, tháng 5 và tháng 7 với mỗi lần tăng 0,25%. Kể từ tháng 7 đến nay, Fed duy trì lãi suất ở mức ổn định khi nền kinh tế Mỹ phát đi những tín hiệu lạc quan hơn.

Nhiều Ngân hàng Trung ương đồng loạt tăng lãi suất.

Chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed diễn ra trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ đã tăng vọt lên mức cao nhất trong 40 năm qua vào giữa năm 2022.

Sau tổng cộng 11 đợt tăng lãi suất, lạm phát ở Mỹ đã giảm bớt từ mức cao nhất, xuống còn 3,2% trong năm 2023 và dự kiến sẽ giảm xuống mức mục tiêu 2% vào năm 2026.

Đồng quan điểm với Fed, nhiều ngân hàng trung ương cũng thực hiện chu kỳ thắt chặt lãi suất mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã nâng lãi suất lên 3,75%/năm, mức cao nhất trong 23 năm qua vào tháng 7/2023 và là lần tăng thứ 9 liên tiếp trong vòng 1 năm. Ngân hàng Trung ương Anh cũng nâng lãi suất lên 5,25%/năm, đánh dấu mức cao nhất trong vòng 15 năm qua.

Tính đến tháng 10/2023, 9 nền kinh tế phát triển đã tăng lãi suất tổng cộng 3.965 điểm cơ bản trong chu kỳ này, bắt đầu từ tháng 9/2021.

2. Chiến sự Israel – Hamas bùng nổ

Rạng sáng 7/10, tổ chức vũ trang Hamas đã phóng khoảng 2.200 quả rocket từ dải Gaza vào các mục tiêu trên khắp lãnh thổ Israel. Ngay sau đó, Israel đã đáp trả bằng cách tiến hành các cuộc tấn công vào các mục tiêu của Hamas tại dải Gaza.

Xung đột Israel – Hamas không chỉ gây ảnh hưởng về người mà còn tăng thêm thách thức đối với nền kinh tế thế giới vốn chưa thoát khỏi tình trạng bấp ổn sau đại dịch Covid-19 và những hệ lụy từ xung đột giữa Nga - Ukraine.

Xung đột Israel – Hamas nổ ra vào tháng 10/2023.

Hơn 2 tháng kể từ khi xung đột Israel – Hamas nổ ra, tác động về kinh tế không chỉ được cảm nhận rõ nét ở Israel và Palestine mà còn ở các quốc gia láng giềng như Jordan và Lebanon – những quốc gia đang phải đối mặt với sự suy giảm về du lịch và khí đốt tự nhiên.

Trong khi đó, nhiều nền kinh tế khác cũng phải chịu sức ép không nhỏ khi chiến sự Israel – Hamas đã tác động lên giá vàng, đồng USD và giá năng lượng, đặc biệt là giá dầu.

3. Đất hiếm - chiến trường mới nổi

Khoáng sản đất hiếm ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế hiện đại khi chúng là nguồn nguyên liệu đầu vào thiết yếu trong nhiều ngành công nghiệp, và được sử dụng để sản xuất hơn 200 sản phẩm thương mại như chất bán dẫn, cơ sở hạ tầng năng lượng xanh (như turbine gió), cùng nhiều sản phẩm hàng tiêu dùng hàng ngày và các sản phẩm quốc phòng.

Research Nester ước tính, quy mô thị trường kim loại đất hiếm toàn cầu dự kiến sẽ có tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 8% trong giai đoạn 2023 - 2035. Thị trường này dự kiến sẽ đạt doanh thu 20 tỷ USD vào cuối năm 2035, cao gấp đôi so với mức 10 tỷ USD trong năm 2022.

Các quốc gia chạy đua thống trị thị trường đất hiếm.

Tiềm năng to lớn của đất hiếm đã làm cuộc đua đất hiếm nóng lên trên toàn cầu. Tính đến nay, Trung Quốc là nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 70% sản lượng đất hiếm toàn cầu vào năm 2022.

Tuy nhiên, các quốc gia khác như Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, châu Âu,… cũng đang nỗ lực chạy đua giành vị thế trên bản đồ đất hiếm toàn cầu. Tại Việt Nam, trữ lượng đất hiếm dồi dào cũng hứa hẹn những triển vọng tích cực.

4. Cuộc đua lên Mặt Trăng trở nên gay cấn

Tháng 8/2023, tàu vũ trụ Chandrayaan-3 hạ cánh thành công xuống vùng cực Nam của Mặt Trăng, đánh dấu khoảng khắc lịch sử của Ấn Độ trong cuộc đua không gian. Màn hạ cánh lịch sử này đã đưa Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới hạ cánh thành công tàu vũ trụ lên Mặt Trăng, sau Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô cũ.

Không riêng Ấn Độ, ngày càng có nhiều quốc gia đã và đang chuẩn bị cho các cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng. Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản đều có kế hoạch phóng tàu vũ trụ lên Mặt Trăng trong khi các quốc gia khác như Canada, Mexico hay Israel muốn đưa xe tự hành (rover) lên khám phá bề mặt Mặt Trăng. Trung Quốc đang lên kế hoạch đưa các phi hành gia của nước này lên bề mặt Mặt Trăng vào năm 2030.

Cuộc đua vào không gian cũng chứng kiến sự tham gia đầu tư mạnh mẽ của doanh nghiệp tư nhân, trong đó phải kể đến Công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk.

5. Các công ty khởi nghiệp đối mặt làn sóng "tuyệt chủng" 

Sau thời kỳ tăng trưởng nóng, các công ty khởi nghiệp trên toàn cầu phải trải qua một năm 2023 đầy khắc nghiệt. Theo nhà cung cấp phần mềm quản lý Carta, hơn 500 công ty khởi nghiệp đã đóng cửa vào năm 2023.

Tuy nhiên, con số thực tế còn lớn hơn rất nhiều. Ngay cả một số startup “kỳ lân” từng được định giá hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ USD như WeWork, Zume,… cũng không tránh khỏi cái kết buồn trong năm nay.

Startup kỳ lân WeWork phá sản trong năm 2023.

Nhiều startup khác cũng đang vật lộn để tìm kiếm nguồn huy động tiền mặt và buộc phải cắt giảm lao động hoặc phải bán mình. Theo WSJ, tính đến cuối năm 2022, khoảng 2.750 công ty khởi nghiệp huy động được tiền vào năm 2021 chưa nhận thêm bất kỳ khoản vốn đầu tư mạo hiểm nào kể từ đó. 

Làn sóng “tuyệt chủng” hàng loạt dành cho các công ty khởi nghiệp có thể còn tiếp tục kéo dài sang cả năm 2024. Các công ty này sẽ “chết lặng lẽ và từ từ” khi nguồn tài trợ ngày càng eo hẹp trong khi môi trường mà họ theo đuổi có thể ngày càng nằm ngoài tầm với, theo Bloomberg.

6. An ninh lương thực toàn cầu bị đe dọa

Không thể không thừa nhận tình trạng an ninh lương thực trên thế giới đang trở nên đáng báo động trong năm 2023 do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, đang có thêm hơn 122 triệu người trên thế giới đang phải đối mặt với nạn đói kể từ năm 2019 do đại dịch, xung đột, biến đổi khí hậu. Trong đó, có rất nhiều nơi trên thế giới đang đối mặt với mất an ninh lương thự trầm trọng như châu Á, Mỹ Latinh, Tây Á và đặc biệt là châu Phi.

Thế giới đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực.

Nguồn dự trữ lương thực giảm mạnh trong 2 năm qua cũng khiến nhiều quốc gia buộc phải đưa ra lệnh cấm xuất khẩu lương thực trong năm 2023. Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo và hành, Thổ Nhĩ Kỳ cấm xuất khẩu dầu ô liu, Morocco ngừng xuất khẩu hành, khoai tây và cà chua.

Liên tiếp các lệnh cấm xuất khẩu đã đẩy giá thực phẩm tăng vọt và trở thành “điều bình thường mới” ở một số quốc gia. Tại một số vùng ở Ấn Độ, giá cà chua đã tăng 288% trong một tháng. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng chạm mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

7. Kinh tế toàn cầu ngấm đòn vì chiến sự Nga - Ukraine

Đã hơn 1 năm kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, nền kinh tế toàn cầu vẫn đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề, từ việc hạn chế nguồn cung ngũ cốc, phân bón và năng lượng toàn cầu đến lạm phát gia tăng và rủi ro suy thoái kinh tế ngày một lớn. 

Sau hơn 1 năm tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Nga trở thành quốc gia hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt nhất trong lịch sử. Tính đến thời điểm hiện tại, Nga bị áp hơn 13.000 lệnh trừng phạt do Mỹ và phương Tây khởi xướng, nhiều hơn tất cả lệnh trừng phạt áp đặt lên Iran, Syria, Triều Tiên và Cuba cộng lại. 

Ở chiều ngược lại, Nga cũng đã tung những đòn phản công mạnh mẽ để đáp trả lại phương Tây, đơn cử như chấm dứt thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen, cắt giảm sản lượng dầu thô,…

Kinh tế Nga vẫn vững vàng trước những đòn trừng phạt từ phương Tây.

Giá lương thực và năng lượng toàn cầu, vốn đã biến động khi thế giới mở cửa trở lại hậu đại dịch Covid-19, đã tăng vọt sau khi chiến sự tại Ukraine bùng nổ.

Chiến sự Nga - Ukraine cũng đã góp phần khoét sâu thêm sự chia rẽ giữa các quốc gia giàu và nghèo cũng như sự bất bình đẳng toàn cầu. Theo Viện Nghiên cứu kinh tế và xã hội quốc gia Anh (NIESR), ảnh hưởng của cuộc xung đột ở Ukraine sẽ khiến quy mô nền kinh tế thế giới năm 2023 sẽ giảm ít nhất 1%, tương đương 1.000 tỷ USD.

8. AI - cuộc đua chục tỷ USD

Nhà xuất bản từ điển Collins (Anh) gần đây đã chọn AI, chữ viết tắt của cụm từ “trí tuệ nhân tạo”, là từ khóa của năm 2023.

Theo GlobalData, ngành trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ đạt giá trị 93 tỷ USD trong năm 2023, tăng 12% so với năm 2022. AI là một trong những công nghệ mới nổi được mong đợi nhất hiện nay vì nó có khả năng tăng tốc và tăng cường đáng kể các công nghệ khác bao gồm robot, điện toán lượng tử và IoT.

Việc ứng dụng công nghệ AI được nhận định là sẽ thúc đẩy tiềm năng phát triển kinh tế số trên toàn cầu. Thậm chí, theo Forbes, chính AI và chính sách công nghiệp đã cứu rỗi nền kinh tế Mỹ trong năm 2023.

AI đang là cuộc đua mới của các tập đoàn công nghệ và chính phủ các nước.

Cuộc đua phát triển các ứng dụng dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày một nóng lên giữa các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Microsoft với ChatGPT và Bing, Baidu với Ernie Bot, Alphabet (công ty mẹ của Google) với Bard. Đối với nhiều tập đoàn công nghệ, đơn cử như Google, cuộc đua này được mô tả là cuộc đua để tồn tại.

Các chính phủ của nhiều quốc gia trên toàn cầu cũng không đứng ngoài cuộc đua thống trị AI. Mỹ và Trung Quốc là những quốc gia đi đầu trong cuộc chạy đua AI với hàng tỷ USD phát triển thế hệ công nghệ AI tiếp theo. Các quốc gia khác như Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc,… cũng đang có những bước tiến đáng kể trong công nghệ AI.

9. Chiến trường công nghệ Mỹ - Trung nóng lên từng ngày

Trong bối cảnh cuộc cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, công nghệ trở thành đấu trường khốc liệt giữa hai cường quốc.

Với lý do an ninh quốc gia, Mỹ tiếp tục tìm cách kiềm chế Trung Quốc vươn tầm ảnh hưởng công nghệ bằng cách hạn chế một số khoản đầu tư của Mỹ vào các lĩnh vực công nghệ cao nhạy cảm ở Trung Quốc. Song song với đó, Mỹ còn lôi kéo lôi kéo Nhật Bản và Hà Lan cùng hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn sang Trung Quốc. 

Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng.

Đáp lại, Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu 2 nhóm kim loại quan trọng trong sản xuất chất bán dẫn là gallium và germanium. 

Tuy nhiên, các biện pháp đáp trả lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ đã làm nổi bật sự gắn bó, phụ thuộc lẫn nhau giữa hai cường quốc. Nói cách khác, những đòn giáng vào lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc đã gây tổn hại không nhỏ cho chính Mỹ và ngược lại.

Tập đoàn chip Nvidia của Mỹ tuyên bố họ có thể mất 400 triệu USD doanh thu trong một quý do lệnh cấm bán chip AI của mình. Còn công ty ASML cũng đối diện với tình trạng sụt giảm doanh thu khi không thể bán thiết bị mới nhất của mình cho Trung Quốc, thị trường chiếm 15% doanh thu của hãng.

10. Giá vàng phá vỡ kỷ lục

Ngày 4/12, giá vàng thế giới đóng cửa phiên giao dịch ở mức cao nhất mọi thời đại với giá vàng giao ngay chạm mốc 2.135 USD/ounce. Mức giá này đã phá vỡ kỷ lục trước đó là 2.072 USD/ounce được ghi nhận vào tháng 8/2020.

Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã tăng 10%. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, kim loại quý này đang được hưởng lợi từ rủi ro địa chính trị tăng cao trên toàn cầu.

Giá vàng thế giới chạm mốc cao nhất mọi thời đại.

Giám đốc điều hành JPMorgan Jamie Dimon cho biết, đây có thể là thời điểm nguy hiểm nhất mà thế giới từng chứng kiến ​​trong nhiều thập kỷ. Những rủi ro địa chính trị dường như đã thay đổi, không chỉ dừng ở chiến sự Nga – Ukraine mà còn căng thẳng Israel – Hamas và căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung đã khiến các nhà đầu tư lựa chọn vàng như một kênh trú ẩn an toàn.

Các ngân hàng trung ương cũng tích cực tích trữ vàng trong năm nay 2023. Theo Hội đồng Vàng Thế giới, các ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi đã mua trung bình 473 tấn vàng/năm trong giai đoạn 2010 - 2021.

Tuy nhiên, chỉ trong năm 2022, các ngân hàng trung ương đã mua 1.100 tấn vàng và trong 3 quý năm 2023, con số này đã là 800 tấn vàng. Tốc độ dự trữ vàng chóng mặt đó “có thể tiếp tục trong nhiều năm, nếu không muốn nói là nhiều thập kỷ”, tờ CNN nhận định.

Cùng chuyên mục
Tin khác