12 dự án thua lỗ ngành Công Thương: Thủ tướng có quyết định chính thức

Vĩnh Chi - 06/10/2017 07:46 (GMT+7)

(VNF) – Thủ tướng Chính phủ vừa kí Quyết định số 1468/QĐ-TTg phê duyệt "Đề án xử lý các tồn tại yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương".

VNF
Thủ tướng đã có quyết định chính thức về số phận của 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương

Theo Đề án, quan điểm xử lý 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương được xác định là tuân theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp; Nhà nước kiên quyết không cấp thêm vốn cho các dự án, doanh nghiệp.

Căn cứ kết quả thanh tra, kiểm toán, báo cáo kiểm tra pháp lý, kiên quyết xử lý sớm, dứt điểm các tranh chấp, bất cập phát sinh giữa chủ đầu tư và nhà thầu; tái cơ cấu các dự án theo hướng bán, thoái vốn cho các nhà đầu tư ngoài nhà nước; kiên quyết cho phá sản, giải thể đối với các dự án, doanh nghiệp không có khả năng khắc phục, thu hồi tối đa tài sản nhà nước.

Bảo đảm thực hiện các phương án xử lý theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch; tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình thực hiện các chủ trương, giải pháp xử lý dự án, doanh nghiệp; hết sức lưu ý với khâu định giá tài sản, nhất là giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

Tiến hành thanh tra, kiểm toán, điều tra làm rõ những sai phạm, vi phạm pháp luật ở từng dự án, doanh nghiệp; làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức liên quan; xử lý nghiêm minh và hoàn tất sớm các thủ tục tố tụng theo quy định; không để tái diễn những yếu kém, khuyết điểm trong quá trình quản lý điều hành đối với các doanh nghiệp nhà nước như thời gian qua.

Nhà nước kiên quyết không cấp thêm vốn cho các dự án, doanh nghiệp thua lỗ

Đề án đặt ra mục tiêu là sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc để chấm dứt tình trạng thua lỗ, khắc phục tối đa thiệt hại cho nhà nước. Trong đó, năm 2017 sẽ hoàn thành phương án xử lý đối với từng dự án, doanh nghiệp và kế hoạch chi tiết tổ chức triển khai thực hiện.

Đến hết năm 2018, phấn đấu xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém đối với các dự án, doanh nghiệp. Đến hết năm 2020, hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp.

Đồng thời xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác từng dự án, doanh nghiệp.

Về phương án xử lý cụ thể đối với 12 dự án thua lỗ, Đề án đưa ra các phương án sau:

Đối với nhóm 4 dự án nhà máy sản xuất phân bón (Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình; dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 – Hải Phòng; dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP 2 – Lào Cai): tập trung xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai, nâng cao hiệu suất kinh doanh. Sau khi hoạt đọng có hiệu quả sẽ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp.

Đối với dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, ưu tiên chọn phương án khởi động, vận hành lại – trước khi các đơn vị của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam chuyển nhượng hoặc thoái vốn khỏi dự án.

Đối với dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, ưu tiên chọn phương án Tổng công ty dầu Việt Nam chuyển nhượng/thoái vốn khỏi dự án. Trong trường hợp phương án này không thành công sẽ cân nhắc xem xét lựa chọn các phương án còn lại gồm: tiếp tục triển khai dự án với nhà thâu là PVC; tiếp tục triển khai dự án, thanh lý hợp đồng với PVC để tìm nhà thầu khác; dừng triển khai dự án, cho phá sản công ty.

Đối với dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước, ưu tiên phương án khởi động, vận hành lại – trước khi Tổng công ty dầu Việt Nam chuyển nhượng/thoái vốn khỏi dự án. Trong trường hợp phương án này không thành công sẽ xem xét lựa chọn phương án: cho thuê tài chính – bán tài sản.

Đối với dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên, ưu tiên chọn phương án thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu lại Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên. Trường hợp phương án này không thành công, sẽ xem xét lựa chọn các phương án: bán dự án; kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư góp vốn vào dự án.

Đối với dự án khai thác và tuyển quặng mỏ Quý Xa và Dự án nhà máy gang thép Lào Cai, tập trung xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Đối với Công ty TNHH MTV công nghiêp tàu thủy Dung Quất (DQS) ưu tiên chọn phương án chuyển đổi sở hữu DQS thông qua định giá, bán đấu giá tài sản, công nợ. Trường hợp không thực hiện được sẽ chuyển sang phương án cho phá sản theo quy định của pháp luật.

Đối với dư án Nhà máy sản xuất xơ sơi polyester Đình Vũ (PVTex) ưu tiên chọn phương án khởi động, vận hành lại nhà máy, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn hoặc phương án PVTex chuyển nhượng công ty. Trường hợp cả 2 phương án không thực hiện được sẽ xem xét cho PVTex phá sản.

Đối với dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, khẩn trương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai tổ chức bán đấu giá thành công đối với toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho; đồng thời Tổng công ty Giấy Việt Nam tiếp tục tập trung thu hồi các khoản nợ phải thu của dự án; lập báo cáo tình hình thực hiện các khoản nợ phải thu, phải trả của dự án đến thời điểm 31/12/2016.

Thủ tướng giao các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, các thành viên Ban Chỉ đạo của Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, Chủ tịch HĐTV, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc các Tổng công ty Thép Việt Nam, Giấy Việt Nam thi hành Đề án này.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.