120 tỷ đồng thiệt hại trong vụ PVC là thiệt hại tiền lãi

Vĩnh Chi - 11/01/2018 14:38 (GMT+7)

(VNF) – Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm đã sử dụng 1.115 tỷ đồng từ khoản tạm ứng của PVN vào các mục đích khác, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 120 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản thiệt hại này không phải là thiệt hại tiền gốc (toàn bộ tiền gốc 1.115 tỷ đồng đã được thu hồi), mà là thiệt hại tiền lãi, được tính dựa trên lãi suất huy động vốn của các ngân hàng tại thời điểm đó.

VNF
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh - người chỉ đạo sử dụng 1.115 tỷ đồng từ khoản tạm ứng của PVN vào mục đích khác gây thiệt hại gần 120 tỷ đồng

Theo cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, với vị trí Chủ tịch HĐTV PVN, ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban quản lý dự án căn cứ hợp đồng EPC số 33 đã ký để tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng cho PVC.

Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm đã sử dụng 1.115 tỷ đồng từ khoản tạm ứng này vào các mục đích khác, không đưa vào dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho nhà nước số tiền gần 120 tỷ đồng.

Tại ngày xét xử thứ 2 (9/1), các luật sư và giám định viên đã tranh cãi về việc xác định thiệt hại này.

Theo các luật sư, bản kết luận giám định của giám định viên Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nêu rõ số tiền 1.115 tỷ đồng mà PVC được tạm ứng rồi sử dụng sai mục đích đã được thu hồi toàn bộ tiền gốc.

Bản kết luận giám định cũng khẳng định thời gian chiếm dụng 1.115 tỷ đồng của PVC đã khiến cho số tiền này không phát huy được tác dụng tối đa đối với doanh nghiệp. Do đó, kết luận giám định đã tính thiệt hại trên cơ sở tiền lãi huy động vốn do ngân hàng huy động tại thời điểm đó (15%/năm).

Trước đó, luật sư Nguyễn Huy Thiệp đã đặt câu hỏi cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó tổng giám đốc phụ trách kế toán - tài chính của PVN) với nội dung: tiền trước khi chuyển cho PVC để trong tài khoản nào?

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn khẳng định tiền này để trong tài khoản thanh toán chứ không phải tài khoản tiền gửi.

Bị cáo Sơn cũng khẳng định tài khoản thanh toán thì lãi suất thấp hơn rất nhiều so với lãi suất tài khoản tiền gửi. Cụ thể, lãi suất với đồng USD là khoảng 0,2% còn tiền Việt Nam là 2%. Trong khi đó lãi suất tiền gửi là từ 12% trở lên.

Luật sư cũng hỏi bị cáo Nguyễn Xuân Sơn về kết luận của giám định viên rằng việc tài khoản thanh toán có được coi là tài khoản tiền gửi không, có phù hợp với tư duy kinh doanh không, ông Sơn nói kết luận như vậy không đúng bản chất về kinh tế.

Đối với các câu trả lời này, giám định viên khẳng định việc tính toán mức lãi suất 15% là dựa trên nhiều căn cứ khác nhau, trong đó mức lãi suất thiệt hại là mức lãi suất trung bình.

Trả lời luật sư Phạm Công Hùng về cơ sở pháp lý của việc tính thiệt hại, giám định viên nói dựa vào Luật Doanh nghiệp.

Cùng chuyên mục
Tin khác