2 dự án đường sắt đô thị Hà Nội: Đội giá hơn 17.000 tỷ đồng

Anh Trọng - 30/10/2018 16:39 (GMT+7)

Ngoài chậm tiến độ, cả hai dự án đường sắt đô thị Hà Nội, Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội bị đội giá lên tổng cộng hơn 17.000 tỷ đồng, khiến đầu tư công kém hiệu quả.

VNF
Tuy tàu Cát Linh-Hà Đông chưa lăn bánh chính thức, nhưng Bộ GTVT đang phải trả lãi bằng ngân sách.

Dự án Cát Linh - Hà Đông được khởi công tháng 10/2011 và có tiến độ hoàn thành tháng 6/2015 (48 tháng thi công). Tuy nhiên, đến nay, công trình đã bị chậm 3 năm 4 tháng, nhiều hạng mục còn chưa xong.

Ông Vũ Hồng Phương, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đường sắt - Bộ Giao thông vận tải (chủ đầu tư), vừa cho biết,\ dự án đã cơ bản hoàn thành khối lượng xây lắp và đang vận hành kỹ thuật các đoàn tàu.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Tiền Phong tại dự án những ngày qua, mặc dù các đoàn tàu đang chạy kỹ thuật trên toàn hệ thống đường ray, nhưng 12 nhà ga (vị trí hành khách lên xuống, tiếp cận tàu) trên tuyến vẫn xây dựng chưa xong; hầu hết công trường các ga vẫn quây rào kín mít các lối lên xuống và cấm người dân tiếp cận.

Tại ga Hoàng Cầu, theo tiến độ điều chỉnh, lẽ ra nhà ga này phải hoàn thành từ năm 2016, tuy nhiên đến nay nhà ga vẫn chưa lắp đặt xong thang máy; bên trong, vật  liệu xây dựng vẫn ngổn ngang. Dù các đoàn tàu đã chạy vận hành kỹ thuật nhưng để dự án có thể vận hành thương mại phải mất thêm 3-6 tháng, ông Phương nói.

Ban đầu, dự án Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư  552 triệu USD. Tuy nhiên, đến nay dự án đã tăng lên 891,9 triệu USD, đội giá thêm 339,1 triệu USD (tương đương 7.000 tỷ đồng, tăng gần 40%).
 
Tương tự, dự án metro Nhổn- ga Hà Nội dự kiến hoàn thành năm 2014, nhưng đến nay dự án vẫn đang thi công. Lãnh đạo Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (chủ đầu tư) cho biết hiện công trình mới thi công được hơn 50% khối lượng công việc. Cụ thể, gói thầu thi công được nhiều nhất là gói CP1 (xây đoạn tuyến trên cao) hơn 80%; gói CP5 (các công trình kiến trúc đề-pô): khoảng 50%; gói CP4 (công trình hạ tầng kỹ thuật) đang chuẩn bị nghiệm thu… 

Theo quyết định phê duyệt ban đầu của thành phố Hà Nội, dự án có tổng mức đầu tư 783 triệu Euro (chủ yếu vốn vay ODA của Chính phủ Pháp). Đến nay, dự án đã đội vốn lên 1.176 triệu Euro, tăng thêm 393 triệu Euro (tương đương hơn 10.000 tỷ đồng, tăng 33,3%). 

Chưa xong đã phải “gánh” lãi 

Với 552 triệu USD vay ODA Trung Quốc để thực hiện dự án Cát Linh - Hà Đông và với lãi vay thương mại ưu đãi trung bình 3%/năm, nhiều chuyên gia cho rằng mỗi năm phía Việt Nam phải trả khoảng 240 tỷ đồng tiền lãi (tương đương 600 triệu đồng/ngày).

Còn với khoản lãi vay tăng thêm do dự án bị đội giá là 250 triệu USD, theo văn bản của Bộ Tài chính gửi Bộ Giao thông vận tải vừa qua, Việt Nam phải trả nợ trong vòng 9 năm cho ngân hàng China EximBank (Trung Quốc), từ tháng 1/2016 đến 15/11/2025.

Theo đó, số tiền mỗi kỳ phía Việt Nam phải trả cho China EximBank là 14,4 triệu USD, trung bình một năm, phía Việt Nam phải trả nợ cho Trung Quốc khoảng 650 tỷ đồng vốn vay (tương đương 1,8 tỷ đồng/ngày). Cộng cả 2 khoản vay, mặc dù dự án chưa hoàn thành, nhưng mỗi ngày phía Việt Nam đang phải trả cả lãi, gốc khoảng 2,4 tỷ đồng.

Tuy số nợ gốc, lãi phải trả, đặc biệt là với phần vay thêm 393 triệu Euro của dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội chưa được phía UBND thành phố Hà Nội (chủ đầu tư) công bố, nhưng các chuyên gia giao thông cho rằng việc công trình chưa xong đã phải trả lãi theo hợp đồng vay vốn quốc tế là điều không tránh khỏi.

“Như vậy, ngoài dự án không phát huy được giá trị, mục tiêu đầu tư tại thời điểm được đầu tư, việc dự án bị chậm kéo dài và đội vốn đã làm giảm hiệu quả của đầu tư công”, Ths Vũ Đình Hưng, Khoa Vận tải - Kinh tế, Đại học Giao thông vận tải, đánh giá.

Xem thêm: 5 đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ hoạt động liên tục trong ngày chạy thử chính thức

Theo Tiền phong
Cùng chuyên mục
Tin khác