Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Ngày 11/7/1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao, mở ra một chương mới trong lịch sử quan hệ giữa hai quốc gia.
Tới ngày 13/7/2000, tại Washington, Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ (BTA) đã chính thức được ký kết giữa Bộ trưởng Thương mại Việt Nam Vũ Khoan và Đại diện Thương mại Mỹ Charlene Bashefsky, kết thúc 4 năm đàm phán liên tục.
Đây được xem là hiệp định mang tính chất tổng thể và bao quát nhất. Được đàm phán trên cơ sở các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp định này không chỉ đề cập đến thương mại hàng hoá mà còn chứa đựng cả những điều khoản về thương mại dịch vụ, đầu tư và sở hữu trí tuệ.
Sau khi BTA có hiệu lực, Mỹ đã áp dụng Quy chế quan hệ thương mại bình thường và Quy chế tối huệ quốc (MFN), giảm mức thuế quan trung bình đánh vào hàng nhập khẩu từ Việt Nam từ 40% xuống 4%, mở cửa thị trường cho các nhà xuất khẩu Việt Nam.
Tới tháng 12/2006, Tổng thống G.W.Bush quyết định trao cho Việt Nam Quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR).
Kể từ khi BTA được ký kết, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã thay đổi đáng kể. Trước kia, xuất khẩu chủ yếu là nhóm hàng dệt may, da giày, thì hiện nay, nhóm hàng nông - thủy - hải sản đã tham gia vào danh mục các nhóm hàng xuất khẩu quan trọng.
Hiện Việt Nam có tới 10 nhóm hàng xuất khẩu có giá trị trên 1 tỷ USD vào Mỹ, có thể kể đến vài nhóm hàng nổi bật như như dệt may (14,8 tỷ USD), điện thoại và linh kiện (8,8 tỷ USD), giày dép (6,6 tỷ USD), đồ gỗ (5,3 tỷ USD).
Về nhập khẩu, cơ cấu hàng hóa tuy có thay đổi nhưng không rõ nét. Các mặt hàng nhập khẩu chính từ Mỹ là máy móc, thiết bị, nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất…
Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, ở nhóm nông sản thực phẩm như bắp, đậu nành, thịt, sữa các loại, trái cây..., Mỹ đang xuất siêu sang Việt Nam 400 triệu USD/năm.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, nhiều mặt hàng Mỹ tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu sang Việt Nam như: gỗ và các sản phẩm từ gỗ (24,1%), thức ăn cho gia súc và nguyên liệu (14,1%), thủy sản (85,9%), rau quả (73,9%)...
Từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995 đến năm 2000 kim ngạch thương mại Việt- Mỹ chỉ tăng từ 450 triệu USD lên 1,09 tỷ USD; nhưng từ khi có BTA đến nay đã gia tăng bình quân 20%/năm; năm 2005 là 6,75 tỷ USD, năm 2010 là 18,05 tỷ USD, năm 2015 đạt 41,26 tỷ USD, năm 2019 đạt 75,72 tỷ USD, gấp 75 lần năm 2000 và 168 lần so với năm 1995.
Theo Phòng thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), Việt Nam đang gia tăng vị thế là nhà cung cấp hàng đầu trong khu vực ASEAN cho Mỹ; từ một nước thành viên ASEAN có kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ thuộc loại ít nhất, năm 2014 Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu lớn nhất, chiếm 21,6% tổng kim ngạch xuất khẩu ASEAN vào Mỹ, vượt Malaysia (19,8%) Thái Lan (14,7%), Indonesia (12,5%), Singapore (9,5%); con số này có thể hơn 30% trước năm 2020 nếu xu hướng này được tiếp tục; không chỉ tăng về khối lượng, hàng hóa chất lượng và giá trị gia tăng cao của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ ngày một nhiều hơn.
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố hồi cuối tháng 5, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm với kim ngạch đạt 24,6 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến cuối năm 2019, tổng vốn đăng ký đầu tư của doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam đạt hơn 11 tỷ USD, đứng thứ 11 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.
Cho đến nay, dự án FDI lớn nhất của Mỹ tại Việt Nam là dự án Công ty TNHH Winvest Investment (Việt Nam) cấp phép năm 2006 với 4,1 tỷ USD vốn đăng ký, để xây dựng khu nghỉ mát, khách sạn 5 sao, vui chơi giải trí tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Các chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới Việt Nam trong năm 2017 và 2019 cũng mang tới cho các doanh nghiệp Mỹ những thỏa thuận mua hàng hóa trị giá hàng chục tỷ USD với các đối tác Việt Nam.
Tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam - Mỹ hồi tháng 5/2019, hơn 250 đại diện chính phủ, lãnh đạo ngành và cộng đồng doanh nghiệp hai nước đã thảo luận, đưa ra những khuyến nghị nhằm đưa quan hệ kinh tế hai bên phát triển thực chất thời gian tới.
Trong chuyến thăm và làm việc ở TP. HCM ngày 22/6 mới đây, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink nhấn mạnh: “Việt Nam là thị trường quan trọng đối với các doanh nghiệp Mỹ. Tôi nghĩ rằng đại dịch Covid-19 mang đến thách thức lẫn cơ hội đối với doanh nghiệp Mỹ, chẳng hạn là sự dịch chuyển về chuỗi cung ứng. Sự dịch chuyển này có thể mang đến nhiều lợi ích cho Việt Nam”
Tuy các công ty Mỹ vẫn còn lo lắng về vấn đề chính sách, luật thuế đối với doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam nhưng Đại sứ Kritenbrink đánh giá chính phủ Việt Nam trong những năm gần đây luôn nỗ lực cải thiện những vấn đề này nhằm thu hút thêm đầu tư nước ngoài.
Giữa lúc chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn vì đại dịch Covid-19 và các doanh nghiệp Mỹ có xu hướng dịch chuyển dây chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, Đại sứ Kritenbrink cho biết đây là cơ hội cho Việt Nam.
Đại sứ Kritenbrink cho rằng Việt Nam nên tham gia vào các lĩnh vực như dịch vụ, công nghiệp, công nghệ thông tin… và thực hiện các giải pháp cải cách để kêu gọi đầu tư nước ngoài mạnh mẽ hơn.
Trước đó, trong cuộc gặp gỡ với Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc ở thủ đô Washington D.C hồi đầu tháng 6, ông Adam Boehler, Giám đốc điều hành Cơ quan Phát triển tài chính quốc tế Mỹ (DFC) cho biết cơ quan này quan tâm hỗ trợ các dự án phát triển tại khu vực tiểu vùng Mekong, cũng như các dự án sản xuất các sản phẩm chiến lược trong chuỗi cung ứng của Mỹ. Trong định hướng đó, DFC luôn coi trọng và xác định Việt Nam là một đối tác ưu tiên trong các dự án hợp tác.
Gần đây, chuyên san Nikkei Asian Review đã phản ánh sự dịch chuyển chuỗi cung ứng của các công ty Mỹ sang Việt Nam. Các nguồn tin của Nikkei Asian Review cho biết kể từ tháng 3, Apple có kế hoạch sản xuất hàng triệu AirPods tại Việt Nam trong quý II năm 2020.
Trong khi đó, Google và Microsoft cũng đang có kế hoạch chuyển một số dây chuyền sản xuất phần cứng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Hai công ty này kỳ vọng có thể bắt đầu sản xuất tại Việt Nam trong năm 2020.
Hồi tháng 6, ông Irtiza Sayyed, Chủ tịch toàn cầu tập đoàn dầu khí đa quốc gia của Mỹ Exxon Mobil, cho biết tập đoàn này có kế hoạch đầu tư loạt dự án điện khí LNG tại Hải Phòng và Long An với công suất lần lượt 4.000 MW và 3.000 MW.
Trong khi đó Việt Nam đang tiếp tục chủ trương cải thiện môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp Mỹ ở Việt Nam và đang tạo điều kiện đối với các vấn đề mà Mỹ quan tâm, như nhập khẩu ôtô, an ninh mạng, thanh toán điện tử và tài chính-tiền tệ...
Tại buổi thảo luận về chủ đề 25 năm quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ ở Hà Nội chiều 2/7, Đại sứ Kritenbrink khẳng định rằng quan hệ hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất từ trước đến nay.
"Tổng thống Donald Trump và hai người tiền nhiệm của ông đều khẳng định sự tôn trọng mỗi quốc gia dành cho nhau đối với độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mỗi nước. Thành công của các bạn là thành công của chúng tôi, thịnh vượng của các bạn là thịnh vượng của chúng tôi. Chúng tôi hết sức lạc quan về những thành tựu chúng ta sẽ đạt được trong 25 năm tiếp theo", ông Kritenbrink nêu rõ.
Xem thêm >> Mỹ ủng hộ quyền khai thác tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của mỗi nước
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.