3 năm tới, thị trường khách sạn TP. HCM sẽ đón 3.000 phòng từ 15 dự án

Lệ Chi - 06/05/2020 17:01 (GMT+7)

(VNF) - CBRE dự báo khách nội địa và Đông Bắc Á sẽ là yếu tố dẫn dắt giai đoạn đầu phục hồi thị trường khách sạn tại Hà Nội. Còn ở TP. HCM, sự hồi phục được diễn ra tương đối chậm và phụ thuộc nhiều vào diễn biến trên thế giới, tuy nhiên thị trường được dự báo sẽ chào đón nguồn cung mới với khoảng 3.000 phòng từ 15 dự án trong giai đoạn 2020 - 2023.

VNF
Thị trường khách sạn ngấm đòn vì đại dịch

Khách nội địa sẽ dẫn dắt giai đoạn phục hồi ngành khách sạn tại Hà Nội

Theo CBRE, kết thúc quý I/2020, thị trường khách sạn 4-5 sao ở Hà Nội có tổng cộng 7.882 phòng với 35 dự án.

Cũng trong quý này, tổng lượt khách quốc tế đến Hà Nội giảm mạnh khoảng 36,9% so với quý I năm ngoái.

CBRE cho rằng trong bối cảnh việc thực hiện giãn cách xã hội còn tiếp diễn đến cuối tháng 4 và tâm lý e ngại di chuyển lan rộng, ngành du lịch dự kiến sẽ cần khá nhiều thời gian để hồi phục.

Tuy nhiên, thị trường có thể phục hồi nhanh chóng hơn khi các doanh nghiệp quốc tế bắt đầu trở lại hoạt động bình thường, do nhiều khách sạn ở khu vực Đống Đa - Ba Đình luôn là sự lựa chọn ưu tiên của nguồn khách từ các tập đoàn này.

Về giá phòng, CBRE cho biết giá bình quân trong quý I/2020 đạt 115,2 USD, giảm 6,6% so với quý I/2019. Công suất phòng bình quân đạt 51,2%, giảm 28,9 điểm phần trăm (đpt) so với cùng kỳ 2019.

Tuy RevPAR chỉ đạt 60,3 USD, giảm 38,9% so với cù ng kỳ 2019 nhưng nhìn chung tình hình vẫn khả quan hơn so với thị trường TP. HCM.

Trong kinh doanh khách sạn, chỉ số RevPAR (Revenue Per Available Room) phản ánh doanh thu thực tế dựa trên số phòng mà khách sạn sở hữu, bao gồm cả phòng có khách và phòng chưa có khách.

“Khách nội địa và sau đó một chút là khách quốc tế từ khu vực Đông Bắc Á, được kỳ vọng sẽ là yếu tố dẫn dắt giai đoạn đầu của quá trình phục hồi sau khi đại dịch được kiểm soát”, CBRE dự báo.

3 năm tới, TP. HCM sẽ đón nguồn cung mới với khoảng 3.000 phòng

Tại thị trường TP. HCM, CBRE cho biết hầu hết các khách sạn trên địa bàn đều ghi nhận kết quả kinh doanh ảm đạm trong đại dịch.

Giá phòng bình quân tại TP. HCM đạt 110,3 USD trong quý I/2020, giảm 12,7% so với cùng kỳ 2019 và công suất phòng chỉ ở mức 42,0%, giảm 28,4 đpt so với cùng kỳ.

Tuy các khách sạn vẫn được lấp đầy khoảng 50% vào tháng 2, công suất phòng tháng 3 đã giảm mạnh 56,2 đpt so với cùng kỳ 2019 khi các biện pháp giãn cách xã hội ngày càng được thắt chặt.

RevPAR trong quý I/2020 chỉ đạt 46,3 USD, giảm 47,9% so với quý I/2019. Do các chuyến bay quốc tế sẽ bị tạm ngưng đến sớm nhất là cuối tháng 5, lượng khách nước ngoài sẽ rất hạn chế trong quý II, trong khi nhu cầu du lịch từ khách nội địa chưa tăng mạnh, RevPAR có thể sẽ vẫn bị ảnh hưởng nặng nề trong quý tiếp theo.

Sự hồi phục của thị trường được dự báo diễn ra tương đối chậm và phụ thuộc nhiều vào những diễn biến trên thế giới.

Cũng theo CBRE, trong quý I/2020, TP. HCM có thêm 1 dự án mới, nâng tổng số lượng phân khúc 4-5 sao lên 50 khách sạn với 10.945 phòng. Thị trường được dự báo sẽ chào đón nguồn cung mới với khoảng 3.000 phòng từ 15 dự án trong giai đoạn 2020 - 2023.

>>> Xem thêm: Chuyên gia Nguyễn Quốc Hoàn: ‘Đừng nói tới tăng trưởng ngành khách sạn, tồn tại và vượt qua dịch là tốt rồi’

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.