Trung Quốc sau đại dịch: 87% khách sạn mở cửa trở lại nhưng tỷ lệ lấp đầy chưa nổi 30%
Lê Nguyễn -
06/05/2020 15:27 (GMT+7)
(VNF) – Theo Jones Lang LaSalle (JLL), 87% lượng khách sạn ở Trung Quốc đã mở cửa trở lại nhưng tỷ lệ lấp đầy rất thấp, dưới 30%. Nguyên nhân đến từ chính sách hạn chế di chuyển và lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách nước ngoài vẫn còn được áp dụng.
Trung Quốc là nước đầu tiên bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Lệnh đóng cửa biên giới các thành phố và hạn chế đi lại đã dẫn đến tăng trưởng kinh tế của nước này giảm 6,8% trong quý I/2020. Tuy nhiên trong tình hình dịch bệnh được kiểm soát, Trung Quốc đang bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch.
Báo cáo của JLL ghi nhận hiện nay nhiều ngành công nghiệp truyền thống tại Trung Quốc đang dần trở lại hoạt động bình thường. Nhân viên văn phòng cũng đã bắt đầu quay lại làm việc ở các thành phố lớn. Các công ty tiếp tục gia hạn hợp đồng thuê, tuy nhiên khối lượng cho thuê văn phòng tăng trưởng chậm lại.
Các trung tâm thương mại cũng đang dần quay lại hoạt đồng, với các biện pháp phòng dịch như kiểm tra nhiệt độ và bắt buộc giữ khoảng cách. Hoạt động cho thuê vẫn đang chững lại và tác động của tình hình dịch bệnh lên thị trường bán lẻ sẽ còn kéo dài đến quý II năm nay.
Các thương hiệu quốc tế đang tiếp tục trì hoãn kế hoạch mở rộng tại Trung Quốc trong khi các cửa hàng tạp hóa và siêu thị đang được hưởng lợi vì là dịch vụ thiết yếu. Các nhà bán lẻ đã đẩy nhanh việc áp dụng bán hàng trực tuyến vì người tiêu dùng ngại đến các khu vực mua sắm đông đúc.
Ngành hậu cần có lẽ là ngành “kiếm ăn” tốt hơn cả khi vẫn tương đối năng động trong thời gian dịch bệnh nhờ nhu cầu thuê từ các công ty thương mại điện tử. Hiện, giao thông vận tải hàng hóa và kho bãi tại Trung Quốc đã hoạt động trở lại. Xu hướng như giao hàng thực phẩm tươi đang tăng tốc và JLL dự kiến điều này sẽ sẽ đẩy mạnh nhu cầu về kho lạnh.
Với phân khúc thị trường vốn, các nhà đầu tư vẫn đang thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đến thị trường bất động sản thương mại Trung Quốc. Trong khi dịch bệnh có thể đã hoãn một số thỏa thuận, các cuộc đàm phán khác vẫn được thúc đẩy với sự tin tưởng từ các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư trong nước. Các nhà đầu tư ít quan tâm đến tình hình hiện tại mà chú ý hơn đến tiềm năng dài hạn của một thành phố.
Theo JLL, nhu cầu bảo hiểm đã tăng vọt ở Trung Quốc. Khi nền kinh tế lớn đầu tiên bị tác động bởi Covid-19, các cá nhân và doanh nghiệp đã buộc phải xem xét bảo hiểm diện rộng để phòng ngừa những rủi ro tương tự. Sự gia tăng nhận thức đã dẫn đến sự gia tăng nhu cầu về không gian từ các công ty bảo hiểm trong nước, nhiều công ty trong số họ đã ghi nhận khối lượng giao dịch tăng đột biến.
Trong một diễn biến khác, dữ liệu lớn, nền tảng đám mây và trí tuệ nhân tạo cũng được chứng minh là các dịch vụ thiết yếu trong thời gian dịch. Với một cơ sở tiêu dùng nội địa khổng lồ, khu vực kinh tế kỹ thuật số thế hệ tiếp theo dường như đã vượt qua cơn bão tương đối tốt. Các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ này cũng được kỳ vọng phát triển.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone