Chuyên gia Nguyễn Quốc Hoàn: ‘Đừng nói tới tăng trưởng ngành khách sạn, tồn tại và vượt qua dịch là tốt rồi’

Lệ Chi - 06/05/2020 07:09 (GMT+7)

(VNF) - Ông Nguyễn Quốc Hoàn, CEO một chuỗi khách sạn uy tín ở Việt Nam chia sẻ rằng trong bối cảnh hiện nay, hãy đừng nói tới tăng trưởng khách sạn. Với ngành này, ông cho rằng tồn tại và vượt qua dịch là vô cùng tốt rồi.

VNF
Ông Nguyễn Quốc Hoàn được biết đến là một trong những người đảm nhiệm vị trí quản lý cấp cao trong ngành khách sạn tại Việt Nam đã nhiều năm

Nhân viên ở luôn trong khách sạn vì hết tiền, ban giám đốc không nhận lương

Theo báo cáo của Savills, tình hình kinh doanh khách sạn tại Hà Nội trong quý I/2020 rất kém, đơn cử, công suất khách sạn 3 - 5 sao hồi tháng Ba giảm xuống dưới 30%, doanh thu phòng giảm khoảng 50% (khách sạn 5 sao giảm 46%, khách sạn 3 - 4 sao giảm 60%).

- Là một trong những người đảm nhiệm vị trí quản lý cấp cao trong ngành khách sạn tại Việt Nam đã nhiều năm, theo ông, những con số trên đã thể hiện hết sự khó khăn của ngành khách sạn chưa, hay thực tế còn ảm đạm hơn?

Ông Nguyễn Quốc Hoàn: Thật khó khi nói con số thể hiện hết sự khó khăn của ngành khách sạn nói riêng. Nhưng báo cáo của Savills phản ánh rất rõ nét tình hình kinh doanh của khách sạn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch.

Có thể thấy, kinh doanh khách sạn đang trên đà phát triển nhiều năm liền khi bối cảnh kinh tế xã hội toàn cầu phát triển bền vững. Và khi đại dịch xảy ra, kinh doanh dịch vụ là một trong những lĩnh vực suy thoái nghiêm trọng, công suất phòng khách sạn, giá trung bình trượt dốc với tốc độ phi mã do nhu cầu đi lại du lịch, công tác sụt giảm.

- Vậy ông có thể chia sẻ một số câu chuyện cụ thể về những khó khăn của các khách sạn?

Chúng tôi có muôn vàn khó khăn khi con số sụt giảm nghiêm trọng. Thứ nhất là sự tồn tại của một khách sạn trên thị trường. Với những doanh nghiệp kinh doanh khách sạn mà phải thuê khách sạn của chủ sở hữu, tuỳ theo quy mô, tiền thuê lên tới vài trăm triệu đồng/tháng, hoặc thậm chí cả tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí vận hành khách sạn hàng tháng cũng tiêu tốn con số tương ứng như vậy.

Trong khi đó doanh thu không có… doanh nghiệp chỉ có thể cầm cự nổi một số ngày chứ không thể kéo dài được nhiều tháng. Có nhiều chủ sở hữu khách sạn chia sẻ, cảm thông thì họ giảm giá rất nhiều tiền thuê khách sạn, nếu không may mắn được giảm giá tiền thuê thì câu chuyện lại đi hướng khác, tiêu cực hơn. Lãi vay ngân hàng thì vẫn trả đều, khấu hao tài sản…

Thứ hai, khi khách sạn không có doanh thu, đồng nghĩa với việc phải cắt giảm chi phí tới mức tối đa, đặc biệt là nhân sự dẫn tới nguy cơ nhân viên mất việc làm… vậy họ sẽ ra sao? Bạn sẽ cảm thấy thế nào khi những nhân viên gắn bó với khách sạn giờ phải nghỉ làm? Họ thậm chí chẳng trả nổi tiền thuê nhà trọ, tiền ăn hàng ngày…. Có những khách sạn khi đóng cửa, cho nhân viên “về quê”, tuy nhiên họ không về được vì giãn cách xã hội, vậy đi không được, ở cũng không xong, thiếu tiền, hàng quán đóng cửa…

- Ngoài những đơn vị đã đóng cửa, một số khách sạn vẫn tiếp tục kinh doanh, cầm cự với đại dịch và khủng hoảng kinh tế. Xin ông chia sẻ về các biện pháp mà các khách sạn đã áp dụng để sống sót qua đại dịch?

Theo tôi hiểu thì hiếm lắm mới có một số khách sạn tiếp tục kinh doanh… thế nhưng họ mở cửa để cầm cự mà thôi. Nhiều khách sạn cho nhân viên ở lại luôn trong khách sạn, vì họ chẳng còn tiền trả tiền thuê nhà, song đây cũng là điều tốt khi khách sạn có nhân viên hàng ngày chăm sóc. Đó cũng là tính nhân văn, tình người giúp nhau qua khó khăn.

Đối với chúng tôi, việc cắt giảm, cho nhân viên thôi việc là điều cực chẳng đã, là phương sách cuối cùng nếu chúng tôi buộc phải giải thể, đóng cửa khách sạn. Dù không có khách nhưng chúng tôi vẫn phải duy trì, bảo trì nếu không khách sạn sẽ xuống cấp nghiêm trọng nên vẫn cần một số lượng nhân viên nhất định thay nhau đi làm.

Do vậy chúng tôi chỉ giảm tổng số công làm việc hàng tháng, chứ không để họ nghỉ việc. Và để chia sẻ với nhân viên thì ban giám đốc cũng không nhận lương.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đưa ra các chương trình khuyến mại rất tốt để khách hàng có thể mua ngay và hạn sử dụng dài cả năm để thu về chút dòng tiền. Và hơn hết, chủ đầu tư chia sẻ và hỗ trợ một số tiền nhất định hàng tháng cho từng cá nhân để họ đảm bảo tối thiểu cuộc sống. Đó là cách chúng tôi cầm cự.

Ông Nguyễn Quốc Hoàn kỳ vọng tới năm 2022, thị trường khách sạn có thể sôi động trở lại, nếu may mắn thì sẽ rất khả quan, tăng trưởng mạnh.

Đừng nói tới tăng trưởng ngành khách sạn, sống sót và vượt qua dịch là tốt rồi

- Hiện nay, Chính phủ đã nới lỏng lệnh giãn cách xã hội. Ông nghĩ đây có phải là cơ hội tốt để ngành khách sạn phục hồi không?

Theo tôi, đây là cơ hội tốt cho nhiều ngành. Với ngành du lịch, khách sạn thì tất nhiên là cơ hội rất tốt. Có thể thấy, các khách sạn sẽ có cơ hội đón khách dịp lễ 30/4 vừa qua để có doanh thu. Nới lỏng là biện pháp trước mắt tạo điều kiện cho doanh nghiệp khách sạn. Tuy nhiên để phục hồi thì sẽ là chặng đường dài.

- Vậy các khách sạn cần phải làm những gì trong bối cảnh hiện tại để sống sót và tăng trưởng, thưa ông?

Hãy đừng nói tới tăng trưởng. Với ngành khách sạn, tồn tại và vượt qua là vô cùng tốt rồi. Ngoài những chiến lược, kế hoạch cụ thể như tôi đã chia sẻ trên, chúng ta cũng đảm bảo cho nhân viên một mức thu nhập để họ có thể tồn tại và đóng góp trách nhiệm cá nhân hơn nữa với doanh nghiệp. Và chúng ta cần lên kế hoạch bảo dưỡng, nâng cấp khách sạn, điều chỉnh chiến lược kinh doanh, tăng cường đào tạo nâng cao cho đội ngũ nhân viên, để họ sẽ phục vụ tốt hơn, chuyên nghiệp hơn khi khách hàng trở lại.

Nếu may mắn, đến năm 2022, thị trường khách sạn sẽ sôi động trở lại

- Theo ông, khó khăn của ngành khách sạn sẽ còn kéo dài trong bao lâu?

Chúng tôi nhìn nhận rằng thị trường nội địa sẽ hồi phục dần trong năm nay 2020. Tuy nhiên sẽ khó nhộn nhịp do các yếu tố khách quan, học sinh sẽ phải đi học trong hè, vậy các gia đình có con trong độ tuổi đi học sẽ khó có kỳ nghỉ dài. Chắc chỉ có cuối tuần. Các gia đình trẻ hoặc ở độ tuổi đã nghỉ hưu, họ sẽ vẫn có nhu cầu du lịch.

Với thị trường quốc tế, đặc biệt là châu Âu và Mỹ, họ lên kế hoạch đi du lịch trước cả năm, thậm chí 2 năm. Và tới thời điểm hiện tại, một số nước chúng tôi coi là thị trường trọng điểm thì vẫn trong tâm dịch. Các công ty đối tác nước ngoài của chúng tôi vẫn đang chống chọi với dịch nên các kế hoạch đã có của 2020, 2021 dường như huỷ bỏ. Và khi hết dịch, người dân cần phải có việc làm, phải có tiết kiệm mới có thể nghĩ tới việc đi du lịch nước ngoài. Khoảng thời gian này sẽ kéo dài tới hết 2021 là có thể xảy ra.

Tôi kỳ vọng tới năm 2022, thị trường khách sạn có thể sôi động trở lại, nếu may mắn thì sẽ rất khả quan, tăng trưởng mạnh. Chỉ có Việt Nam, nơi mà cả hệ thống chính trị vào cuộc kiểm soát chỉ đạo sát sao, vô cùng tốt và chiến thắng đại dịch sớm nhất. Nhiều báo chí uy tín nước ngoài ca ngợi cách Việt Nam chống dịch, nhiều khách du lịch quốc tế nhiễm virus được cứu mạng tại Việt Nam, tính nhân văn lan toả không biên giới…

Đó chính là điều cá nhân tôi cũng như các đồng nghiệp của tôi vô cùng tự hào, là điểm mạnh cho chúng tôi đi quảng bá du lịch Việt Nam với thế giới… không có lý do gì chúng ta không sôi động trở lại sớm nhất có thể.

- Lời chia sẻ của ông với tư cách một nhà quản lý khách sạn lâu năm gửi tới các đồng nghiệp?

Về góc độ chuyên môn, cắt giảm nhân sự, cắt giảm chi phi là rất quan trọng khi doanh thu không có cũng đồng nghĩa với việc đồng nghiệp, nhân viên mất việc làm và đó là điều không mong muốn. Tuy nhiên, càng khó khăn, chúng ta càng phải vững vàng. Vững vàng để chèo lái vượt qua khủng hoảng, vậy hãy chia sẻ nhiều hơn và nghĩ tới mọi người nhiều hơn.

Trước mắt, tôi cho rằng chúng ta sẽ tập trung nhiều hơn vào thị trường nội địa, hãy tập trung để đem lại sự hài lòng, những trải nghiệm tuyệt vời nhất cho khách hàng và luôn giữ phong độ của chất lượng dịch vụ.

Cùng chuyên mục
Tin khác