30 năm Mỹ bỏ cấm vận với Việt Nam: Những thành quả hợp tác ấn tượng
Khánh Tú -
03/02/2024 00:58 (GMT+7)
(VNF) - 5h chiều 3/2/1994, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố chính thức dỡ bỏ cấm vận thương mại với Việt Nam. Quyết định này đã mở ra một chương mới cho sự phát triển và hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Thương mại song phương
Ngày 17/10/2001, Tổng thống George W. Bush phê chuẩn Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ, mở ra đường phát triển cho quan hệ giao thương giữa hai nước. Trong những năm qua, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ ước đạt 96,78 tỷ USD. Mặc dù giảm 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái do tác động chung của suy giảm kinh tế toàn cầu, nhưng Mỹ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam khi chiếm tới 27,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Mỹ cũng là thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam vượt mốc 100 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Mỹ trong năm 2023 đạt 13,82 tỷ USD. Như vậy, năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt gần 111 tỷ USD, đánh dấu năm thứ 3 liên tiếp thương mại Việt Nam - Mỹ đạt kim ngạch từ 100 tỷ USD trở lên.
Mỹ còn là đối tác thương mại thứ hai của Việt Nam cán mốc 100 tỷ USD (sau Trung Quốc). Mỹ cũng là thị trường đứng thứ 5 về cung cấp hàng hóa cho Việt Nam, chiếm tỉ trọng 5% trong tổng trị giá hàng hóa nhập khẩu của nước ta từ năm 2018. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ.
Kim ngạch thương mại hai chiều Việt-Mỹ năm 2022 là 123 tỷ USD, tăng gấp 4 lần so với năm 2013 và tăng tới 273 lần so với chỉ 450 triệu USD vào năm 1994 – thời điểm Mỹ dỡ bỏ cấm vận với Việt Nam.
Dòng vốn FDI
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2023, các nhà đầu tư Mỹ đã đầu tư vào Việt Nam gần 513 triệu USD, với 96 dự án cấp mới, 22 dự án điều chỉnh tăng vốn.
Mặc dù dòng vốn FDI từ Mỹ vào Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng nhưng đã có cải thiện trong những năm qua. Nhiều đoàn doanh nghiệp rất lớn của Mỹ đang hoạt động và sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam như tập đoàn General Electric (GE), hãng Intel, Nike Exxon Mobil, Amazon, Coca Cola, Google, Facebook, Paypal, Visa...
Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã chủ trương dịch chuyển. Ngày càng có nhiều nhà đầu tư Mỹ bày tỏ sự quan tâm đến các ngành sản xuất, chế tạo và công nghệ điện tử công nghệ cao, chip bán dẫn, y tế, năng lượng sạch… của Việt Nam.
Trong năm 2023, nhiều tập đoàn lớn của Mỹ lên kế hoạch mở rộng, tăng vốn đầu tư tại Việt Nam như tập đoàn P&G dự kiến đầu tư thêm 100 triệu USD để mở rộng dây chuyền sản xuất hay AES dự kiến đầu tư vào phát triển năng lượng tái tạo.
Những khoản đầu tư này là minh chứng cho vai trò then chốt và ngày càng tăng của Việt Nam đối với các doanh nghiệp Mỹ.
Các hiệp định và thỏa thuận hợp tác
Ngày 10/9/2023, Việt Nam và Mỹ chính thức nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Đây được xem là một mốc lịch sử trong quan hệ Việt – Mỹ, mang lại những lợi ích cả lâu dài và trước mắt cho cả hai phía.
Trước khi nâng cấp mối quan hệ lên đối tác toàn diện, Việt Nam và Mỹ cũng đã ký kết nhiều hiệp định và thỏa thuận hợp tác khác như Hiệp định Thương mại song phương (năm 2000), Hiệp định Hàng không (năm 2004), Hiệp định thương mại song phương về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (năm 2006), Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (năm 2007),…
Những hiệp định này đã đặt nền móng quan trọng, giúp tạo chuyển biến trong quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Mỹ một cách thực chất và mạnh mẽ hơn.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.