4 năm siêu Ủy ban: Quyết tâm 'đổi màu' hiệu quả doanh nghiệp nhà nước
Bình An -
28/09/2022 16:28 (GMT+7)
(VNF) - Ngày mai (29/9) đánh dấu 4 năm hoạt động chính thức của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), một định chế được thành lập để làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Ngay từ ngày đầu đi vào hoạt động, CMSC, thường được ví von là “siêu Ủy ban”, đã đẩy mạnh cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty; đổi mới cơ chế, chính sách để DNNN thật sự vận hành theo cơ chế thị trường; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản trị và nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ quản lý DNNN…
Nhờ những nỗ lực này, siêu Ủy ban đã góp phần nhanh chóng tạo nên sự ổn định trong công tác điều hành xuyên suốt từ Ủy ban đến các tập đoàn, tổng công ty, từng bước khẳng định vai trò của một cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Sự thay đổi tích cực được thể hiện thông qua việc các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban đã nhanh chóng chuyên môn hóa, tập trung vào ngành, lĩnh vực nắm giữ vai trò quan trọng được Nhà nước giao (điện, dầu khí, khoáng sản, xăng dầu, viễn thông…);
Bên cạnh đó, đã sắp xếp tái cơ cấu để tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi; đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành; Công ty mẹ trực tiếp tham gia vào lĩnh vực kinh doanh chính của tập đoàn, tổng công ty đồng thời thực hiện chức năng đầu tư vốn, định hướng hoạt động và quản lý, giám sát đối với các công ty con, công ty liên kết thông qua người đại diện phần vốn tại doanh nghiệp…
Sau 4 năm chuyển về Ủy ban, 19 tập đoàn, tổng công ty cơ bản hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển duy trì liên tục, ổn định. Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 và tình hình bất ổn trên thế giới thời gian gần đây, về tổng thể vốn nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty vẫn bảo toàn, phát triển; tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách và thu nhập bình quân của người lao động được tăng lên.
Các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục thể hiện vai trò nòng cốt trong một số ngành, lĩnh vực; tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước; góp phần bảo đảm các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô và xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Tại thời điểm 31/12/2018, 19 tập đoàn, tổng công ty Ủy ban tiếp nhận có tổng tài sản công ty mẹ là 1.646.311 tỷ đồng, chiếm 63,5% tổng tài sản của các doanh nghiệp có vốn nhà nước; tổng vốn chủ sở hữu công ty mẹ là 911.350 tỷ đồng.
Đến năm 2020, tổng tài sản hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty là 2.399.149 tỷ đồng, tăng 4,9% so với năm 2016, chiếm 65,3% tổng tài sản của các doanh nghiệp có vốn góp nhà nước (Công ty mẹ là 1.649.655 tỷ đồng, tăng 3,7% so với năm 2016); tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất là 1.081.078 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2016, chiếm gần 63% tổng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp có vốn góp nhà nước (Công ty mẹ là 942.435 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2016).
Về kết quả sản xuất kinh doanh, giai đoạn sau khi được chuyển giao về Ủy ban, 19 tập đoàn, tổng công ty ngoài thực hiện tốt vai trò DNNN lớn, triển khai có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh góp phần phục hồi phát triển kinh tế-xã hội; thể hiện rõ vai trò của các DNNN then chốt trong việc góp phần bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm nhu cầu thiết yếu cho sản xuất và dân sinh về năng lượng, viễn thông, lương thực…
Trong giai đoạn 2018- 2021, đối với Công ty mẹ -19 tập đoàn, tổng công ty có tổng doanh thu đạt 3.357.757 tỷ đồng (trung bình đạt 839,4 ngàn tỷ đồng/năm), tổng lợi nhuận trước thuế đạt 204.606 tỷ đồng (trung bình đạt 51,2 ngàn tỷ đồng/năm), thuế và các khoản phát sinh nộp ngân sách đạt 278.514 tỷ đồng (trung bình trên 69,6 ngàn tỷ đồng/năm).
Về báo cáo hợp nhất, tổng doanh thu đạt trên 5.464,1 ngàn tỷ đồng (trung bình đạt trên 1.366 ngàn tỷ đồng/năm), tổng lợi nhuận trước thuế đạt trên 378,1 ngàn tỷ đồng (trung bình đạt 94,5 ngàn tỷ đồng/năm), thuế và các khoản phát sinh phải nộp ngân sách đạt trên 839,5 ngàn tỷ đồng (trung bình đạt 209,9 ngàn tỷ đồng/năm).
Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, việc thành lập Ủy ban đã hiện thực hóa chủ trương của Đảng về tách bạch giữa những chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp đối với một số Bộ, tạo điều kiện quan trọng cho các Bộ tập trung thực hiện chức năng quản lý nhà nước, ban hành cơ chế, chính sách pháp luật.
Ủy ban là cơ quan chuyên trách, thực hiện thống nhất chức năng đại diện chủ sở hữu đối với vốn nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty, hoạt động trong 16 ngành kinh tế, kỹ thuật, được chuyển giao từ 5 Bộ.
Thứ hai, Ủy ban đã tiếp nhận và thực hiện đầy đủ, toàn diện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty theo quy định tại Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 của Chính phủ.
Qua 4 năm hoạt động, Ủy ban đã thực hiện ngày càng chuyên nghiệp hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, đạt được nhiều kết quả tích cực đối với việc phát triển nâng cao hiệu quả DNNN.
Điển hình là nỗ lực vượt khó của Ủy ban và 19 tập đoàn, tổng công ty trong các năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 là một trong những yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp bắt nhịp nhanh cho hoạt động năm 2022 khi nền kinh tế bước vào giai đoạn hồi phục.
Thứ ba, bất chấp hàng loạt khó khăn và thách thức, nhiều dự án đầu tư được Ủy ban tích cực phối hợp với các Bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, triển khai thực hiện, trong đó có 10 dự án lớn, quan trọng, đã chậm tiến độ từ nhiều năm trước, với tổng mức đầu tư lên tới 259 nghìn tỷ đồng: Dự án Thăm dò khai thác dầu khí 4 lô tại Khu tự trị Nhenhexky- LB Nga (khoảng 89.000 tỷ đồng); Dự án Nhà máy điện Yaly mở rộng (tổng mức đầu tư 6.399 tỷ đồng); Dự án Nhà máy điện Hòa Bình mở rộng (tổng mức đầu tư 9.220 tỷ đồng; Dự án nhà máy điện Ô Môn IV (tổng mức đầu tư 29.944 tỷ đồng); Dự án đường dây 500 KV Vân Phong, Vĩnh Tân (tổng mức đầu tư 2.856 tỷ đồng); Dự án thành phần 3 Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (tổng mức đầu tư 10.990 tỷ đồng); Dự án mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài (tổng mức đầu tư 4.983 nghìn tỷ đồng); Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (tổng mức đầu tư 41.799 tỷ đồng)…
Thứ tư, một trong những nhiệm vụ quan trọng không thể không nhắc đến trong 4 năm hoạt động vừa qua, đó là vai trò của Ủy ban làm cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương.
Cụ thể, Ủy ban đã tiếp nhận, thực hiện đầy đủ, tích cực nhiệm vụ cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương. Đến nay một số dự án, doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến trong sản xuất, kinh doanh.
Vẫn theo Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh, trong thời gian tới, để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022 và cho những năm tiếp theo, Ủy ban và 19 tập đoàn, tổng công ty sẽ đẩy mạnh hơn nữa các mặt công tác để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao.
Ủy ban cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền việc hoàn thiện, phát triển mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động để thực hiện tốt hơn chức năng cơ quan chuyên trách, chuyên nghiệp thực hiện thống nhất chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Đồng thời, sẽ rà soát, phát hiện và đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý còn bất cập, chưa đồng bộ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với tổ chức và hoạt động của Ủy ban và doanh nghiệp.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone