(VNF) - Trong báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nâng dự báo kinh tế đối với các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á và Thái Bình Dương, trong khi hạ dự báo tăng trưởng khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Trong báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) tháng 12 của ADB, dự báo tăng trưởng của các quốc gia châu Á đang phát triển trong năm nay được điều chỉnh lên 4,9%, tăng so với dự báo 4,7% được đưa ra hồi tháng 9.
Triển vọng của khu vực này trong năm 2024 được giữ nguyên ở mức 4,8% như trong báo cáo ADO tháng 9.
Theo ADB, triển vọng của khu vực vẫn nhất quán với các giả định được đưa ra vào tháng 9, với nhu cầu và dịch vụ trong nước tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng đến năm 2024 và hoạt động sản xuất dần dần phục hồi.
Việc sửa đổi dự báo tăng trưởng năm 2023 của khu vực được thúc đẩy bởi sự điều chỉnh tăng lên đối với dự báo tăng trưởng của Trung Quốc và Ấn Độ. Tăng trưởng cũng được điều chỉnh tăng ở vùng Kavkaz và Trung Á.
Cụ thể, nền kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm nay, so với dự báo trước đó là 4,9%, nhờ tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư công đẩy mạnh tăng trưởng trong quý III.
Triển vọng tăng trưởng của Ấn Độ đã được nâng từ 6,3% lên 6,7% sau mức tăng nhanh hơn dự kiến trong giai đoạn từ tháng 7 tới tháng 9, nhờ tốc độ tăng trưởng hai chữ số của lĩnh vực công nghiệp.
Tuy nhiên, Đông Nam Á sẽ tăng trưởng chậm hơn dự kiến do điều chỉnh giảm đối với Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.
Theo đó, dự báo tăng trưởng Đông Nam Á năm 2023 được điều chỉnh giảm xuống còn 4,3% so với dự báo 4,6% trước đó. Tăng trưởng trong năm 2024 được hạ xuống 4,7% từ mức 4,8% trước đó. Việc điều chỉnh dự báo phản ánh hiệu suất mờ nhạt tại các nền kinh tế mở.
Indonesia, Philippines và Singapore là 3 quốc gia Đông Nam Á được giữ nguyên dự báo tăng trưởng trong năm 2023 và cả năm 2024, do cả 3 nước đều cho thấy mức tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay; đà này dự kiến sẽ tiếp tục, bất chấp điều kiện tài chính thắt chặt hơn.
Đáng chú ý, dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam từ mức 5,8% (tháng 9) đã bị ADB hạ xuống mức 5,2%. Theo ADB, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm hơn dự kiến trong 9 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng 4,2%, bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo cho năm 2024 vẫn được giữ ở mức 6,0%.
Tăng trưởng yếu hơn phản ánh tác động tích lũy của nhu cầu bên ngoài giảm; thực hiện ngân sách yếu, đặc biệt ở cấp tỉnh; sự phục hồi chậm chạp về việc làm và tiêu dùng trong nước. Về phía cung, tăng trưởng kinh tế đang bị cản trở do sản lượng công nghiệp và dịch vụ thấp hơn. Do sự suy giảm không lường trước được, dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 được điều chỉnh giảm.
Theo ADB, đầu tư công cao hơn sẽ thúc đẩy tăng trưởng ở các nền kinh tế Đông Nam Á vào năm 2024, cũng như chi tiêu tiêu dùng sẽ tăng, đặc biệt là vào khách sạn/nhà hàng và các hoạt động du lịch, trong bối cảnh du lịch quốc tế trên khắp Đông Nam Á phục hồi mạnh mẽ.
Dịch vụ và xây dựng ở Singapore tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và dự báo tăng trưởng của nước này không thay đổi. Sự phục hồi trong xuất khẩu điện tử và lĩnh vực công nghệ, cùng với sự cải thiện ở các nền kinh tế tiên tiến vào năm 2024, sẽ cải thiện hơn nữa triển vọng tăng trưởng của tiểu vùng.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone