Ấn Độ thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc: Khi 'con voi' phi nước kiệu
Lê Anh -
03/11/2023 15:42 (GMT+7)
(VNF) - Trong khi nền kinh tế toàn cầu chao đảo từ cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác, kinh tế Ấn Độ được ví như một con voi đã thoát khỏi dáng đi ì ạch và chuyển sang phi nước kiệu.
Thượng đỉnh G20 vừa khép lại và được đánh giá là một thành công lớn của New Delhi cả về ngoại giao và kinh tế khi ký kết được thỏa thuận ghi nhớ phát triển một mạng giao thông kết nối Ấn Độ với Trung Đông và châu Âu. Đây được xem là một dự án “cạnh tranh với Con đường tơ lụa” của Trung Quốc.
Trước đó, hồi tháng 8, Tàu vũ trụ Chandrayaan-3 của Ấn Độ đã thực hiện thành công sứ mệnh đổ bộ xuống cực nam của Mặt trăng, giúp nước này trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới từng đưa tàu đáp xuống hành tinh này cùng với Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô trước đây.
Ông Eswar Prasad, giáo sư chính sách thương mại tại Đại học Cornell, cho biết: “Không thể phủ nhận nền kinh tế Ấn Độ đã sẵn sàng bùng nổ, với một số cải cách được thực hiện trong những năm qua cuối cùng đã mở đường cho sự tăng trưởng vững chắc”.
Thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc
Kinh tế Ấn Độ đang ghi nhiều dấn ấn đúng vào thời điểm Trung Quốc, vốn là động lực tăng trưởng toàn cầu trong nhiều thập kỷ, đang chứng kiến sự suy thoái kinh tế nghiêm trọng. Người hàng xóm phía nam của nước này đang nhanh chóng nổi lên như một người kế thừa tiềm năng. Từ dân số trẻ ngày càng tăng đến tốc độ phát triển của các nhà máy mới khiến đất nước này có rất nhiều điều thuận lợi.
Trong vài thập kỷ qua, có nhiều giai đoạn toàn cầu có những đánh giá lạc quan về kinh tế Ấn Độ, nhưng sự phấn khích cứ giảm dần trong khi Trung Quốc vẫn lặng lẽ tiến về phía trước.
Khoảng cách giữa hai nền kinh tế châu Á hiện khá lớn. Nền kinh tế Ấn Độ hiện trị giá gần 3.500 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới. Trong khi đó Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, lớn hơn 15.000 tỷ USD.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết cả hai dự kiến sẽ đóng góp khoảng một nửa tăng trưởng toàn cầu trong năm nay với 35% trong số đó đến từ Trung Quốc.
Các nhà phân tích của Barclays viết trong báo cáo tháng 10 rằng để vượt qua Trung Quốc thành nước đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng toàn cầu trong 5 năm tới, Ấn Độ phải đạt được tốc độ tăng trưởng bền vững ở mức 8%.
IMF dự báo Ấn Độ sẽ tăng trưởng ở mức 6,3% trong năm nay. Trong khi đó, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% vì nước này đang phải vật lộn với những thách thức ngày càng gia tăng từ tiêu dùng yếu đến cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng sâu sắc.
“Nền kinh tế Ấn Độ có đủ điều kiện để tăng trưởng với tốc độ hàng năm ít nhất 6% trong vài năm tới. Nhưng để đạt được tốc độ tăng trưởng 8% đầy khát vọng, khu vực tư nhân ở Ấn Độ cần phải tăng cường mức độ đầu tư”, các chuyên gia của IMF nhận định.
Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi, với mục tiêu đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế trị giá 5.000 tỷ USD vào năm 2025, hiện đang đặt nền móng để tạo điều kiện kinh doanh dễ dàng hơn và thu hút nhiều công ty đầu tư hơn.
Giống như Trung Quốc đã làm cách đây hơn ba thập kỷ, Ấn Độ đang tích cực nâng cấp cơ sở hạ tầng quy mô lớn bằng cách chi hàng tỷ USD để xây dựng đường sá, bến cảng, sân bay và hệ thống đường sắt. Chỉ trong ngân sách năm nay, 120 tỷ USD đã được chi cho cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế.
Kết quả có thể được nhìn thấy trên thực tế với việc xây dựng rầm rộ đang được tiến hành trên toàn quốc. Ấn Độ đã nâng cấp hoặc phát triển hơn 50.000km đường cao tốc trên khắp đất nước, tăng 50% tổng chiều dài từ năm 2014 đến năm 2022.
Cuộc cách mạng kỹ thuật số
Ấn Độ, nơi có một số công ty phần mềm lớn nhất thế giới, cũng đã xây dựng một cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số vững chắc.
Trong khi ở các quốc gia châu Âu, ngân hàng, cơ quan quản lý, chính trị gia không ngừng thảo luận về hệ thống thanh toán thống nhất thì ở Ấn Độ, nơi có dân số đông gấp 3 lần và trẻ hơn 3 lần, đã bước sang kỷ nguyên kỹ thuật số từ hơn 10 năm trước.
Đơn cử như hệ thống định danh cá nhân bằng sinh trắc học Aadhaar được triển khai năm 2009 đã thay đổi cuộc sống của hàng triệu người dân nước này. Theo đó, mỗi công dân Ấn Độ có số nhận dạng gồm 12 chữ số, giúp họ có thể truy cập các dịch vụ kỹ thuật số cũng như lưu trữ một loạt dữ liệu cá nhân, từ ảnh mống mắt, khuôn mặt, dấu vân tay, giới tính đến giấy chứng nhận tiêm chủng Covid-19, tờ khai thuế hoặc tài khoản ngân hàng...
Một nền tảng khác là Giao diện thanh toán hợp nhất (UPI) cho phép người dùng thực hiện thanh toán ngay lập tức bằng cách quét mã QR. Nó đã được người Ấn Độ thuộc mọi tầng lớp xã hội đón nhận, từ chủ quán cà phê đến người ăn xin…
Với tốc độ như hiện tại, các khoản thanh toán thực hiện qua hệ thống UPI dự kiến đạt 2.000 tỷ USD trong năm nay, tương đương hơn một nửa GDP của cả nước.
Vào tháng 9, ông Modi trích dẫn một báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết nhờ cơ sở hạ tầng số, “Ấn Độ đã đạt được các mục tiêu về tài chính toàn diện chỉ trong 6 năm mà lẽ ra phải mất ít nhất 47 năm”.
Các công ty Ấn Độ hiện đang bắt tay vào hành động. Một số tập đoàn lớn nhất nước này, bao gồm Reliance Industries của tỷ phú Mukesh Ambani và tập đoàn cùng tên của tỷ phú Gautam Adani, đang chi hàng tỷ USD cho 5G và năng lượng sạch, mặc dù họ đã xây dựng đế chế của mình dựa trên các ngành công nghiệp truyền thống như nhiên liệu hóa thạch.
Liệu có bắt kịp?
Ấn Độ đang nỗ lực ghi điểm trong mắt các công ty quốc tế muốn đa dạng hóa hoạt động của họ khỏi Trung Quốc, nơi họ phải đối mặt với những trở ngại trong đại dịch và bị đe dọa bởi căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington.
Nền kinh tế lớn thứ ba châu Á đã triển khai chương trình khuyến khích liên kết sản xuất trị giá 26 tỷ USD để thu hút các công ty thành lập sản xuất trong 14 lĩnh vực, từ điện tử và ô tô đến dược phẩm và thiết bị y tế.
Kết quả là một số công ty lớn nhất thế giới, bao gồm cả nhà cung cấp Foxconn của Apple, đang mở rộng hoạt động đáng kể ở Ấn Độ.
Nhưng ngay cả khi sức nặng của Ấn Độ ngày càng tăng, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng nước này chưa thể “tái tạo được phép màu kinh tế” mà Trung Quốc đã tạo ra cách đây nhiều thập kỷ.
Ông Willy Shih, giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard, cho biết: “Ấn Độ không giống Trung Quốc vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000 ở chỗ chính phủ không nhanh chóng giải quyết các trở ngại đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)”.
Trung Quốc chiếm khoảng 30% đầu tư thế giới, trong khi Ấn Độ chỉ dưới 5%. “Ngay cả khi giả định mức tăng trưởng bằng 0 ở Trung Quốc và mức tăng chi tiêu đầu tư ở Ấn Độ tăng gấp ba lần so với mức trung bình gần đây, sẽ phải mất thêm 18 năm nữa chi tiêu đầu tư của Ấn Độ mới bắt kịp Trung Quốc”, ngân hàng HSBC nhận định trong một báo cáo hồi tháng 10.
Và theo báo cáo, sẽ phải mất thêm 15 năm nữa để mức tiêu dùng của Ấn Độ có thể bắt kịp mức Trung Quốc hiện nay xét về tổng chi tiêu.
Các chuyên gia cho rằng kinh tế Ấn Độ còn có quá ít trụ cột, trong khi Trung Quốc "đơn giản là quá lớn" và tầm quan trọng của nước này đối với nền kinh tế thế giới chưa thể bị lu mờ.
Khoảng cách giữa 2 nền kinh tế châu Á sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai gần, lên tới 17.500 tỷ USD vào năm 2028, dựa trên dự báo của IMF. Con số này tương đương với quy mô hiện tại của nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU).
Dù vậy, các nhà kinh tế của HSBC vẫn thực sự kỳ vọng Ấn Độ đóng góp đáng kể vào nhu cầu thế giới về hàng hóa, tiêu dùng và tư liệu sản xuất.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone