Nga yêu cầu trả tiền dầu bằng Nhân dân tệ, Ấn Độ ‘không hài lòng’
Quang Đăng -
20/10/2023 11:15 (GMT+7)
(VNF) - Các nhà nhập khẩu Ấn Độ cảm thấy “không thoải mái” trước yêu cầu thanh toán dầu thô bằng nhân dân tệ của các nhà cung cấp Nga trong bối cảnh căng thẳng giữa New Delhi và Bắc Kinh vẫn đang âm ỉ.
Ấn Độ nổi lên là nhà nhập khẩu dầu đường biển hàng đầu của Nga trong năm nay, khi các nhà máy lọc dầu “săn lùng” các lô hàng dầu thô được Nga bán với giá chiết khấu sâu sau khi các quốc gia phương Tây đình chỉ nhập khẩu dầu từ Moscow nhằm lên án chiến sự tại Ukraine.
Tuy nhiên, Ấn Độ đang gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề thanh toán dầu mỏ với Nga khi Mỹ áp đặt mức trần giá 60 USD/thùng. Động thái này buộc các nhà máy lọc dầu Ấn Độ phải thanh toán bằng đồng dirham (tiền tệ của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất), đồng USD và một lượng nhỏ đồng nội tệ rupee của nước này, nếu họ mua dầu với giá cao hơn mức giá trần.
Một quan chức cấp cao của Ấn Độ trực tiếp tham gia đàm phán và một quan chức cấp cao khác tại một nhà máy lọc dầu quốc doanh của Ấn Độ cho hay thời gian qua Nga đẩy mạnh yêu cầu thanh toán bằng đồng nhân dân tệ.
Theo hãng tin Reuters, các nhà máy lọc dầu Ấn Độ đã bắt đầu sử dụng đồng nhân dân tệ để thanh toán một số lô dầu từ người bán Nga, đồng thời tiếp tục sử dụng đồng USD và dirham để thanh toán hầu hết các giao dịch mua dầu từ Nga.
Tập đoàn Dầu mỏ Ấn Độ (IOC.NS), nhà máy lọc dầu hàng đầu của nước này, đã sử dụng đồng nhân dân tệ và các loại tiền tệ khác để thanh toán cho dầu của Nga. Các nhà máy lọc dầu quốc doanh khác như Bharat Petroleum Corp và Hindustan Petroleum cho đến nay vẫn chưa thanh toán dầu bằng nhân dân tệ, cũng đã được các nhà cung cấp Nga yêu cầu thanh toán bằng tiền Trung Quốc, nguồn tin cho biết.
Tuy nhiên, theo các nguồn thạo tin của Reuters, chính phủ và các doanh nghiệp Ấn Độ dường như cảm thấy “khó chịu” với yêu cầu thanh toán bằng đồng nội tệ Trung Quốc. Việc này đã trì hoãn việc thanh toán ít nhất 7 lô hàng dầu thô nhập khẩu từ Nga.
Dù vậy, những tranh cãi về việc thanh toán cho đến nay vẫn chưa làm gián đoạn việc giao hàng. Các công ty Nga như Rosneft vẫn đang tiếp tục cung cấp dầu thô cho các nhà máy lọc dầu do nhà nước Ấn Độ kiểm soát.
“Nó không bị cấm và nếu một công ty tư nhân có đồng nhân dân tệ để thanh toán giao dịch, chính phủ sẽ không ngăn chặn nhưng cũng sẽ không khuyến khích hay tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại đó”, một quan chức của Bộ Tài chính Ấn Độ cho hay.
Các tập đoàn năng lượng lớn của Nga như Rosneft, Gazprom và Gazprom Neft và các công ty dầu Ấn Độ như BPCL và HPCL chưa có phản hồi với Reuters về vấn đề này.
Một số nhà máy lọc dầu của Ấn Độ cho hay việc thanh toán bằng đồng nhân dân tệ làm tăng chi phí của họ, vì trước tiên họ phải đổi đồng rupee sang đô la Hồng Kông rồi tiếp tục đổi sang đồng nhân dân tệ, điều này đã khiến chi phí “đội” lên hơn 2-3% so so với thanh toán bằng dirham.
Một số người thì cho rằng việc sử dụng đồng nhân dân tệ là mang lại lợi ích cho Trung Quốc, khi mối quan hệ giữa hai nước láng giềng vẫn căng thẳng sau cuộc đụng độ biên giới năm 2020.
Theo dữ liệu mới được Bộ Thương mại Ấn Độ công bố, doanh số bán dầu thô của Nga sang Ấn Độ trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay đã tăng 236,9% so với cùng kỳ, lên 29,9 tỷ USD.
Trong khi đó, Saudi Arabia, từng là nhà cung cấp dầu thô hàng đầu của New Delhi, đã chứng kiến doanh số bán hàng trong tháng 8 giảm 29,4%, xuống còn 2 tỷ USD.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone