Bà chủ cafe Katinat, vợ Tổng giám đốc Tô Hải muốn bán bớt 3% vốn Vietcap
(VNF) - Bà Trương Nguyễn Thiên Kim, vợ của ông Tô Hải - Tổng giám đốc Chứng khoán Vietcap muốn bán 3% vốn của doanh nghiệp này qua sàn chứng khoán, dự kiến rời ghế cổ đông lớn nếu hoàn tất giao dịch.
Vợ ông Tô Hải muốn bán 3% vốn Vietcap
Theo thông báo của Công ty Chứng khoán Vietcap (HoSE: VCI), bà Trương Nguyễn Thiên Kim, vợ của Tổng giám đốc Tô Hải vừa đăng ký bán 13,2 triệu cổ phiếu VCI bằng phương thức khớp lệnh và/hoặc thoả thuận, theo nhu cầu cá nhân. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 4/9/2024 đến ngày 3/10/2024.
Hiện tại, bà Trương Nguyễn Thiên Kim đang nắm giữ hơn 22,8 triệu cổ phiếu VCI, tương đương 5,17% vốn của công ty chứng khoán này. Nếu hoàn tất giao dịch, số lượng cổ phiếu VCI do bà nắm giữ sẽ giảm xuống còn hơn 9,6 triệu đơn vị. Tỷ lệ sở hữu giảm bớt 3% còn 2,18%. Điều này đồng nghĩa với việc bà Trương Nguyễn Thiên Kim sẽ rời vị trí cổ đông lớn của Vietcap.
Được biết, chồng bà là ông Tô Hải hiện đang là cổ đông lớn nhất của Vietcap, với số lượng cổ phiếu VCI sở hữu là hơn 99 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ 22,44% vốn.
Tạm tính theo thị giá của VCI, bà Trương Nguyễn Thiên Kim có thể thu về hơn 634 tỷ đồng từ việc thoái bớt vốn tại Vietcap.
Động thái “thoát hàng” của bà Trương Nguyễn Thiên Kim diễn ra trong bối cảnh Vietcap vừa hoàn tất tạm ứng cổ tức đợt 1 của năm 2024 với tỷ lệ 4% bằng tiền mặt. Số tiền đã chi là khoảng 177 tỷ đồng, trong đó vợ chồng bà Thiên Kim, ông Tô Hải có thể đã nhận về gần 49 tỷ đồng.
Về diễn biến cổ phiếu VCI, kể từ đầu năm đến cuối tháng 3, VCI đã duy trì xu hướng tăng và đạt mức đỉnh cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây trong phiên 21/3, đóng cửa ở mức giá 53.520 đồng/cổ phiếu (giá điều chỉnh).
Sau khi thiết lập mức đỉnh, VCI đã có nhiều pha điều chỉnh về vùng giá 44.600 đồng/cổ phiếu, cho đến đầu tháng 8 vừa qua thì rơi về vùng đáy 40.440 đồng/cổ phiếu (giá điều chỉnh phiên 5/8). Kể từ đó, VCI đã có nhịp tăng lên mức 48.050 đồng/cổ phiếu (phiên 27/8), tương đương mức tăng gần 19% trong khoảng 22 ngày.
Người đứng sau chuỗi Katinat, Phê La
Bà Trương Nguyễn Thiên Kim sinh năm 1976 tại Đà Lạt. Bà là thạc sĩ Tài chính, Lưu thông tiền tệ và Tín dụng của Đại học Kinh tế TP. HCM. Được biết, xuất phát điểm sự nghiệp của bà là từ những vị trí như nhân viên kiểm soát chất lượng, nhân viên nghiên cứu thị trường, kế toán,…
Đến năm 2007, bà chính thức đảm nhiệm vị trí Trưởng Ban kiểm soát Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận. Từ đó trở về sau, bà lần lượt đảm nhiệm nhiều vị trí cấp cao khác tại các doanh nghiệp như Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á, Công ty Cổ phần Đầu tư và Địa ốc Sài Gòn - Chợ Lớn, Công ty Cổ phần In số 2, Công ty Cổ phần Cấp nước Gia Định,…
Hiện tại, bà Thiên Kim không chỉ là cổ đông lớn của Vietcap mà còn nắm giữ các vị trí lãnh đạo tại Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế (UPCoM: IDP) và Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Bến Thành (HoSE: BTT).
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, vị nữ doanh nhân này còn được biết đến là người chủ đứng sau 2 chuỗi đồ uống đình đám Katinat, Phê La.
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, bà Trương Nguyễn Thiên Kim là cổ đông sáng lập của Công ty Cổ phần Phê La và Công ty Cổ phần Cafe Katinat. Trong đó, tại Phê La, vốn điều lệ của công ty này là 180 tỷ đồng. Bà Thiên Kim nắm giữ 9,18 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ sở hữu 51%. Các cổ đông khác là bà Nguyễn Hạnh Hoa, nắm giữ 6,48 triệu cổ phần (36%); ông Nguyễn Hoàng, nắm giữ 2,34 triệu cổ phần (13%).
Tại Katinat, công ty này có vốn điều lệ 38 tỷ đồng. Bà Thiên Kim nắm giữ 3,2 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ sở hữu 84,211%. Các cổ đông khác là Lê Ngọc Khánh, nắm giữ 300.000 cổ phần (7,895%) và Đinh Việt Hà, nắm giữ 300.000 cổ phần (7,895%).
Được biết, Phê La và Katinat là 2 trong số những chuỗi đồ uống nhận được sự quan tâm nhất hiện nay. Trong khi Phê La xuất phát điểm với cửa hàng đầu tiên ở Hà Nội, thì Katinat lại chọn TP. HCM là nơi phát triển thị trường đầu tiên. Dẫu vậy, cả 2 chuỗi đều đã mở rộng trên toàn quốc, đặc biệt là 2 thành phố lớn Hà Nội và TP. HCM.
F&B vốn là thị trường có sự cạnh tranh vô cùng gay gắt giữa các thương hiệu lớn, lão làng và các tân binh đầy tiềm năng. Tuy nhiên, không thể phụ nhận cả Katinat và Phê La đều đã có chỗ đứng nhất định và độ phủ sóng không hề nhỏ trong thị trường.
Cổ phiếu đắt nhất sàn HoSE tăng trần sau tin chia cổ tức, ai hưởng lợi nhất?
Ngày hội thống nhất non sông
(VNF) - Ngắm nhìn các hoạt động trong Ngày hội thống nhất non sông qua ống kính máy ảnh của tác giả Nguyễn Hữu Tấn.