Bancassurance: Lúng túng với luật mới, hiểu sao cho đúng?
(VNF) - Sau hơn 2 tháng kể từ khi Luật các Tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực, nhiều ngân hàng và DNBH vẫn loay hoay với quy định cấm gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng
- Bancassurance: 'Xóa bài làm lại', muốn phục hồi phải làm đúng 02/09/2024 11:30
Bancassurance: Luật cấm gắn kèm BH không bắt buộc
Tại điều 113 của Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) 2024 có hiệu lực từ 1/7/2024, cho phép các ngân hàng thương mại được chào bán, tư vấn bảo hiểm.
Cụ thể, “Ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước”.
Tại điều 14 thông tư số 34/2024 cũng quy định, khi giấy phép mà Ngân hàng Nhà nước cấp cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có nội dung hoạt động đại lý bảo hiểm thì ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm.
Tuy nhiên, cũng tại khoản 5, điều 15, Luật các TCTD lại cấm: "gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức".
Hiện tại, nhiều ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm đang có cách hiểu khác nhau về khái niệm "gắn" này.
Trao đổi với VietnamFinance, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế Hồ Chí Minh cho biết, trước đây các khách hàng không có nhu cầu về một sản phẩm bảo hiểm nào đó, mà đây là sản phẩm không bắt buộc, nhưng ngân hàng vẫn buộc nếu muốn vay được thì phải tham gia bảo hiểm. Luật cấm hành vi này, chứ không cấm bán chéo sản phẩm.
Bán chéo sản phẩm tức là nếu khách hàng thực hiện một khoản vay, nhân viên ngân hàng tư vấn thêm cho khách hàng để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ, có thể tham gia một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Việc này giúp đảm bảo, trong trường hợp không may khách hàng gặp rủi ro lớn như tử vong, bệnh hiểm nghèo… công ty BH có trách nhiệm chi trả bồi thường và có thể dùng khoản này để trả nợ khoản vay.
“Sản phẩm bảo hiểm này là không bắt buộc, nhân viên ngân hàng có thể tư vấn thêm cho khách, tuỳ theo nhu cầu chứ không “ép” khách hàng tham gia”, ông Huân nói thêm.
Cùng quan điểm, theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, quy định này sẽ được hiểu cụ thể như, cấm yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm để được vay vốn, mở tài khoản, sử dụng dịch vụ ngân hàng khác; không được gây khó khăn, phiền hà cho khách hàng khi họ không mua bảo hiểm; cấm quảng cáo, giới thiệu sản phẩm bảo hiểm một cách sai lệch, gây hiểu lầm cho khách hàng…
Quy định này được đưa ra trong bối cảnh vài năm trở lại đây, mức hoa hồng chiết khấu cao cho đại lý bảo hiểm nhân thọ là một trong các nguyên nhân dẫn đến việc “ép” khách vay vốn phải mua bảo hiểm nhân thọ. Đồng thời, các ngân hàng và công ty bảo hiểm thường trong một hệ sinh thái của tập đoàn kinh tế và họ muốn dùng kênh ngân hàng để hỗ trợ bán hàng cho bảo hiểm và sử dụng lợi thế của việc bán chéo sản phẩm.
Được biết, vì có cách hiểu khác nhau và chưa có thông tư, nghị định hướng dẫn cụ thể về khái niệm “gắn kèm”, nhiều ngân hàng đã tạm dừng bán bảo hiểm, kể cả bảo hiểm phi nhân thọ, khiến doanh thu của các doanh nghiệp giảm sút mạnh ngay từ khi Luật có hiệu lực.
Làm đúng bảo vệ cả khách hàng và ngân hàng
Trao đổi với VietnamFinance, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, cần hiểu rõ vai trò của từng sản phẩm bảo hiểm và trong việc tư vấn cần phải đưa thông tin một cách chính xác, tường minh đến cho khách hàng, những quyền lợi được và trách nhiệm.
Theo ông Ánh, chính việc mập mờ trong vai trò của từng sản phẩm bảo hiểm, bảo hiểm liên kết đầu tư bị hô biến như một sản phẩm đầu tư, tiết kiệm lãi suất cao, khiến khách hàng hiểu nhầm, trong khi “sứ mệnh” của bảo hiểm chỉ là bảo vệ.
“Nhiều người tiêu dùng hiện nay chưa hiểu rõ về các sản phẩm bảo hiểm, cũng như nhầm lẫn với sản phẩm của ngành ngân hàng, các Ngân hàng, DNBH cần phải truyền thông tốt về thông tin này”, ông Ánh cho biết thêm.
Đồng quan điểm, Chuyên gia kinh tế, thành viên Hội Luật gia Việt Nam, Ông Trần Nguyên Đán cho biết, khi vay vốn có một số loại bảo hiểm bắt buộc phải mua như BH TNDS xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ chung cư (còn gọi là bảo hiểm phi nhân thọ)…đây là các loại bảo hiểm cần thiết để bảo vệ tài sản của người vay cũng như như giúp ngân hàng phòng vệ rủi ro.
“Trong Luật có ghi rõ cấm gắn kèm các loại bảo hiểm không bắt buộc, cụ thể được hiểu là BHNT”, ông Đán nói thêm.
Tuy nhiên, ông Đán lưu ý quan trọng, nếu một người đi vay ngân hàng, mà vay tín chấp, việc tư vấn tham gia bảo hiểm nhân thọ là cần thiết. Để bảo đảm an toàn khoản vay cho chính người đi vay và ngân hàng. Nhưng có những trường hợp vay thế chấp, họ đã có tài sản rồi, vẫn “ép” khách hàng phải mua bảo hiểm nhân thọ, mới được giải ngân khoản vay. Như vậy là sai, vi phạm Luật, bảo hiểm nhân thọ là bảo hiểm không bắt buộc.
Hoặc trường hợp, khách hàng vay thế chấp, tài sản thế chấp bắt buộc phải đang được bảo hiểm. Nếu chưa tham gia bảo hiểm, ngân hàng yêu cầu mua bảo hiểm tài sản mới nhận thế chấp, điều này là hoàn toàn đúng nhưng hiện nay nhiều ngân hàng yêu cầu phải mua bảo hiểm của chính hệ sinh thái đó, mà không chấp nhận của hãng khác.
“Luật bắt buộc mua bảo hiểm, chứ không phải bắt buộc mua bảo hiểm của chính ngân hàng đó. Nhân viên tư vấn của ngân hàng cần phải thực hiện đúng điều này”, ông Đán nói thêm.
Theo một Giám đốc chi nhánh NHTM tại Hà Nội, thực tế hiện nay ngay sau khi Luật Tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực, một số ngân hàng đã tạm dừng bán chéo bảo hiểm vì còn nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến doanh số tháng 7 của một số hãng như VBI, BIC… sụt giảm.
Vị này cũng cho rằng, cần phải hiểu rõ vai trò của từng loại sản phẩm bảo hiểm, đồng thời nhân viên tư vấn của ngân hàng cần phải giải thích rõ ràng, đầy đủ với khách hàng. Bảo hiểm phi nhân thọ mà phải gắn kèm với các khoản vay như bảo hiểm TNDS xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ nhà, bảo hiểm nông nghiệp…đây là các sản phẩm bảo hiểm bắt buộc kèm theo các khoản vay. Mục đích nhằm bảo vệ tài sản của cả người vay và ngân hàng. Khi không may xảy ra rủi ro, bảo hiểm sẽ đứng ra chi trả bồi thường chi phí, khách hàng không mất mát đi tài sản lớn, hệ thống ngân hàng an toàn, tránh được nợ xấu.
Còn sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, theo quy định của Luật là không bắt buộc, nhân viên ngân hàng tư vấn chéo thêm, gia tăng giá trị, nếu khách hàng có nhu cầu.
“Khách hàng chưa có BHNT thì tư vấn khách hàng nên tham gia để đảm bảo nghĩa vụ khoản vay, còn nếu có rồi thì tuyệt đối không được “ép” tham gia. Tất cả để khách hàng lựa chọn”, vị Giám đốc này nhấn mạnh.
Đồng thời, theo vị Giám đốc, những lùm xùm về kênh bancassurance chủ yếu liên quan đến BHNT, đặc biệt là bảo hiểm liên kết đầu tư, khiến các cơ quan quản lý phải có những biện pháp chấn chỉnh, siết chặt kênh này. Điều này là hoàn toàn cấp thiết.
Tuy vậy, theo các doanh nghiệp BH và ngân hàng, không nên đánh đồng bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ, cần phân biệt rõ đâu là bảo hiểm bắt buộc, đâu là bảo hiểm không bắt buộc, quy định theo Luật nào để người đi vay, người tham gia hiểu đúng vai trò, và cũng nhằm có cơ chế quản lý đúng.
Thực tế cho thấy, nếu không có bảo hiểm, hàng nghìn tỷ tiền cho vay của các ngân hàng sẽ rơi vào nợ xấu và phải xử lý bằng tài sản đảm bảo của người vay. Do đó, bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm phi nhân thọ sẽ giúp có thêm một “tấm khiên” về mặt tài chính để cả ngân hàng và người vay vốn cùng được bảo vệ, giúp duy trì sự an toàn cho cả thị trường tài chính, và an ninh tài chính quốc gia.
Với tầm quan trọng đó, các DNBH, ngân hàng đều mong muốn rằng, hoạt động cho vay và kinh doanh bảo hiểm rất cần sự định hướng đúng đắn của các cơ quan quản lý nhà nước, các thông tư, nghị định hướng dẫn chi tiết cụ thể để triển khai Luật các Tổ chức tín dụng 2024, từ đó phát triển bền vững thị trường bảo hiểm nói riêng và tài chính nói chung.
Bancassurance: Cần nhiều thời gian hơn để phục hồi sau khủng hoảng
- MIC: Năm 2024, tăng 25% lợi nhuận, bancassurance là một mũi nhọn 11/04/2024 09:08
- Ngân hàng không còn 'mặn mà' với bancassurance 07/04/2024 07:29
- Bancassurance: Khi nào trở lại thời kỳ hoàng kim? 01/04/2024 11:13
Bên trong dự án ở Đắk Lắk từng đạt giải Quy hoạch đô thị quốc gia
(VNF) - Đây là dự án Khu đô thị Đông Nam đường Trần Hưng Đạo có vị trí nằm tại phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk với quy mô 19,29 ha.