(VNF) - Việc hoạt động bancassurance gặp khó trong thời gian qua và dự báo chưa thể hồi phục ngay nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến các ràng buộc mà ngân hàng đã ký kết với công ty bảo hiểm.
Từng là “gà đẻ trứng vàng” của ngân hàng
Trong giai đoạn 2019-2022, bancassurance (hoạt động phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng) vô cùng sôi nổi, được mệnh danh là “gà đẻ trứng vàng” cho các ngân hàng thương mại, đem về nguồn thu lớn và là điểm sáng trong hoạt động kinh doanh của các nhà băng. Trong giai đoạn này, liên tiếp nhiều thương vụ “khủng” được ký kết giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm về cung cấp bảo hiểm độc quyền với thời hạn 15-19 năm.
Ghi nhận trong năm 2021 – thời kỳ hoàng kim của bancassurance, phí từ hoạt động dịch vụ bảo hiểm của một số ngân hàng đều ghi nhận mức doanh thu hơn nghìn tỷ đồng. Chẳng hạn như Techcombank, phí dịch vụ bảo hiểm năm 2021 đạt 1.600 tỷ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ. Thu nhập từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm của MB cũng tăng 43%, đạt hơn 8.300 tỷ đồng. Mảng kinh doanh bảo hiểm của ACB trong năm 2021 đóng góp 1.300 tỷ đồng vào tổng lợi nhuận của ngân hàng này. VIB cũng đạt hơn 1.200 tỷ đồng thu nhập dịch vụ hoa hồng bảo hiểm năm 2021.
Sang năm 2022, các khoản thu lớn từ dịch vụ bảo hiểm vẫn tiếp tục được ghi nhận ở một số ngân hàng. Điển hình như MB đạt hơn 10.100 tỷ đồng từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm. VPBank ước tính đã thu về khoảng 8.000 tỷ đồng từ thương vụ tái ký thoả thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm với AIA. Techcombank tiếp tục ghi nhận doanh thu từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm đạt 1.750 tỷ đồng, con số mà VIB đạt được 1.300 tỷ đồng.
Trong giai đoạn này, các ngân hàng đều đặt kỳ vọng lớn vào hiệu quả của hoạt động bancassurance. Dù mô hình phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng không mới trên thế giới cũng như tại Việt Nam, nhưng chỉ trong giai đoạn 2019-2022 mới xuất hiện nhiều thương vụ độc quyền phân phối bảo hiểm qua ngân hàng có thời hạn dài và giá trị cao đến vậy. Cả phía công ty bảo hiểm và phía ngân hàng đều có cái nhìn vô cùng lạc quan về sự hợp tác này, thường xuyên đề cập đến triển vọng của bancassurance trong các phiên họp thường niên cũng như khi trao đổi với báo giới. Giới phân tích cũng từng nhận định bancassurance sẽ là động lực tăng trưởng mới cho thu nhập ngoài lãi của các nhà băng.
Sau tăng trưởng nóng là gì?
Kể từ cuối giai đoạn hoàng kim của bancassurance (cuối năm 2022), nhiều khách hàng đã tỏ ra vô cùng bức xúc khi phải “mua bia kèm lạc”, muốn vay tiền ngân hàng với mức lãi suất “mềm” hơn thì phải mua kèm theo sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Thậm chí, nhiều trường hợp được cho là lừa đảo khách hàng, đánh tráo khái niệm giữa “bảo hiểm nhân thọ” thành “sản phẩm đầu tư”, hoặc tự ý chuyển tiền gửi của khách hàng thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Sau hàng loạt lùm xùm, thời kỳ huy hoàng của bancassurance đã kết thúc vào năm 2023 khi một cuộc khủng hoảng niềm tin nổ ra đối với ngành bảo hiểm, hoạt động bán chéo bảo hiểm của ngành ngân hàng chậm lại đáng kể. Với việc thu nhập bị ảnh hưởng do kinh tế khó khăn, cộng với việc niềm tin sụt giảm, người dân trở nên ít mặn mà hơn đối với các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ - loại sản phẩm chính được phân phối qua kênh ngân hàng. Lần đầu tiên trong 10 năm, tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2023 sụt giảm, cụ thể là giảm 8,02% so với năm trước đó, trong đó tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ khai thác mới giảm sâu tới 44,5%.
Trao đổi với VietnamFinance, ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch GAMA Việt Nam, cho hay hoạt động bancassurance phát sinh nhiều vấn đề trong thời gian qua đã gây ảnh hưởng tiêu cực, dẫn đến sai lệch về nhận thức của người dân về bảo hiểm nhân thọ, ảnh hưởng tới quyết định tham gia bảo hiểm của người dân.
Đặc biệt, đối tượng bị ảnh hưởng rõ rệt nhất khi hoạt động bancassurance gặp khó chính là các ngân hàng – đơn vị trực tiếp phân phối bảo hiểm. Hàng loạt ngân hàng thương mại cho biết doanh thu bán bảo hiểm sụt giảm 60-70% trong năm 2023. Khi ký kết hợp đồng độc quyền bảo hiểm, các ngân hàng đã nhận một khoản phí trả trước (upfront-fee) từ công ty bảo hiểm lên đến hàng nghìn tỷ đồng và hạch toán dần trong vòng 3-5 năm. Khoản phí này được cho là áp lực buộc các nhà băng phải đẩy mạnh doanh số bán bảo hiểm.
Việc hoạt động bancassurance gặp khó trong thời gian qua và dự báo chưa thể hồi phục ngay trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến các ràng buộc mà ngân hàng đã ký kết với công ty bảo hiểm. Theo ông Nguyễn Đức Thắng, chỉ bàn riêng ở góc độ ký kết giao dịch kinh doanh, việc một bên không hoàn thành các cam kết chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các ràng buộc có quy định trong thỏa thuận giao dịch đã ký kết.
Khi nào trở lại thời kỳ hoàng kim?
Theo ông Nguyễn Đức Thắng, sau những lùm xùm diễn ra trong năm 2023, hiện nay nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ đã siết chặt hơn các quy trình, chuẩn mực trong hợp tác khai thác bảo hiểm qua kênh ngân hàng. Chất lượng tư vấn bán hàng và phục vụ hợp đồng được đưa vào thỏa thuận bằng việc xác lập hạn mức “tỷ lệ duy trì hợp đồng” tối thiểu và tăng dần đến tỷ lệ lý tưởng.
Chủ tịch GAMA Việt Nam cho biết, có doanh nghiệp đã tiến tới việc thiết lập một “Uỷ ban Quản lý chuẩn mực và ứng xử khách hàng” giữa các đối tác, đưa ra những tiêu chí và chế tài quản lý, giám sát các vấn đề liên quan đến tư vấn bán hàng, chăm sóc khách hàng, đồng thời thực hiện cuộc gọi giám sát chất lượng, xác thực thông tin, nhu cầu khách hàng,…
“Nếu các hành động nêu trên được triển khai tốt, chắc chắn hoạt động bancassurance sẽ từng bước được cải thiện, lấy lại được sự tín nhiệm của khách hàng, từ đó đạt được triển vọng mong muốn”, ông Nguyễn Đức Thắng cho biết. Theo ông, bancassurance khi được quản lý tốt sẽ đem đến lợi ích cho 4 bên: người dân, ngân hàng, công ty bảo hiểm và cả xã hội.
Trong năm 2022-2023, Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 10/17 công ty bảo hiểm nhân thọ có triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Năm 2024, Bộ Tài chính tiếp tục có kế hoạch thanh tra đối với 6 công ty bảo hiểm, bao gồm 2 công ty bảo hiểm nhân thọ triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Chuyên gia Nguyễn Đức Thắng đánh giá việc siết chặt thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh sai phạm trong kinh doanh bảo hiểm là cần thiết, nhất là trong bối cảnh cần khôi phục lòng tin trong người dân đối với bảo hiểm nhân thọ. Hoạt động thanh tra, kiểm tra này không ảnh hưởng gì tới hoạt động của công ty bảo hiểm, trừ khi kết luận thanh tra có vi phạm.
Mặt khác, nhiều ngân hàng vẫn khá lạc quan về triển vọng bancassurance trong thời gian tới. Lãnh đạo một số nhà băng cho rằng sẽ không loại bỏ việc bán chéo bảo hiểm ra khỏi hoạt động của ngân hàng, thay vào đó sẽ chấn chỉnh các hoạt động tư vấn, để thông tin được truyền tải tới khách hàng một cách minh bạch, rõ ràng về quyền lợi các bên. Các chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm cũng nhận định bancassurance dù gặp nhiều thách thức nhưng không đồng nghĩa với việc kênh này không còn dư địa để tăng trưởng. Bán bảo hiểm qua ngân hàng là mô hình hiệu quả, hoạt động lâu đời ở nhiều thị trường khác nhau cho đến nay. Do đó thay vì loại bỏ, phải tìm cách để bancassurance có thể phát triển tốt hơn.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone