Bancassurance: 'Xóa bài làm lại', muốn phục hồi phải làm đúng
(VNF) - Đợt khủng hoảng bancassurance năm 2023 khiến cho các “ông lớn” bảo hiểm và ngân hàng không chỉ mất nghìn tỷ doanh thu và còn ảnh hưởng niềm tin dài hạn. Hàng loạt chính sách mới được áp dụng để giúp bancassurance phục hồi. Tuy nhiên, quá trình này sẽ mất nhiều thời gian và trước hết cần phải làm đúng
Bancasurance sụt giảm ngàn tỷ doanh thu
Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), trong 6 tháng đầu năm 2024, số lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khai thác mới 6 tháng năm 2024 đạt 769.336 hợp đồng (sản phẩm chính), giảm 22,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường 6 tháng năm 2024 ước đạt 12.063 tỷ đồng giảm 21,8% so với cùng kỳ năm trước. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc sụt giảm đến 2 con số này, nguyên nhân phần nhiều đến từ bancassurance, khi kênh này toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2024 giảm gần 39%.
Trước đó, trong năm 2023 liên tiếp xảy ra các vụ lùm xùm khách hàng tố bị “ép” mua bảo hiểm, bị “hô biến” từ tiền gửi tiết kiệm thành bảo hiểm nhân thọ như vụ việc ngân hàng SCB – Manulife, hay sự việc diễn viên Ngọc Lan và bảo hiểm Aviva …, khiến nhiều ngân hàng ghi nhận giảm mạnh doanh thu từ kênh bán chéo bảo hiểm sau gần 10 năm đạt tốc độ tăng trưởng cao, thậm chí có ngân hàng giảm tới hơn 70% doanh thu.
Cụ thể tại VIB, thu nhập từ hoa hồng bảo hiểm cả năm 2023 chỉ đạt 879 tỷ đồng, giảm 32% so với mức hơn 1.300 tỷ đồng năm 2022. Lãi thuần ngân hàng này nhận được từ hoa hồng bảo hiểm sau khi trừ chi phí còn hơn 776 tỷ đồng, giảm gần 33%.
MBBank cũng ghi nhận doanh thu bán bảo hiểm qua ngân hàng giảm gần 20%, trong khi doanh thu mảng này của MB từ 2017 – 2022 tăng trưởng đều qua các năm.
TPBank “bốc hơi” gần 57% doanh thu từ hoạt động dịch vụ kinh doanh, dịch vụ bảo hiểm và tư vấn. Cả năm 2023, mảng này chỉ mang về cho TPBank hơn 377 tỷ đồng, trong khi năm 2022 đạt tới hơn 876 tỷ đồng.
Không nằm ngoài xu hướng chung, doanh thu từ dịch vụ đại lý bảo hiểm của SeABank trong năm 2023 giảm tới 73% so với năm 2022, chỉ đạt 144,7 tỷ đồng năm qua.
Techcombank cũng ghi nhận doanh thu từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm giảm mạnh trong năm 2023, đạt hơn 667 tỷ đồng, giảm 62% so với năm 2022 (đạt 1.750 tỷ đồng). Sang quý I/2024, mảng dịch vụ này của Techcombank tiếp tục giảm 30% so với cùng kỳ.
Những lùm xùm đã khiến doanh thu phí của toàn thị trường bảo hiểm cả năm 2023 giảm hơn 8,3%, 6 tháng đầu năm 2024 giảm gần 4% và đây lần đầu tiên đi lùi sau 10 năm phát triển liên tục của Bancassurance.
Theo các chuyên gia kinh tế, thực trạng trên đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Đầu tiên, đó là việc khách hàng cho rằng mình bị tư vấn sai, không đúng bản chất sản phẩm. Việc này đến từ những nhân viên, tư vấn viên của ngân hàng, DNBH “cố tình” đánh tráo khái niệm, tư vấn sai bản chất của sản phẩm. Có những trường hợp khách hàng có bằng chứng chứng minh bị tư vấn sai, doanh nghiệp bảo hiểm đã hủy hợp đồng bảo hiểm và hoàn lại phí cho khách hàng, tuy nhiên đa phần không có bằng chứng chứng minh, doanh nghiệp bảo hiểm không có cơ sở để giải quyết yêu cầu của khách hàng, dẫn đến lùm xùm kéo dài.
Thứ hai, dù không còn chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, bối cảnh năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 vẫn đang có những hệ lụy kinh tế tác động đến khả năng chi trả của người dân, ảnh hưởng rất lớn đến cầu bảo hiểm.
Theo quan sát, Bancassurance đã và đang có ý nghĩa quan trọng ở hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng. Quy mô thị trường toàn cầu của Bancassurance đạt khoảng 1.166 tỷ USD vào năm 2018, 1.268 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến đạt 1.665 tỷ USD vào năm 2024, tăng trưởng với tốc độ là 5,9% trong giai đoạn 2022 – 2027.
Chính vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước đã sớm sửa đổi và cho ban hành Luật kinh doanh bảo hiểm 2023 và Luật các TCTD năm 2024 nhằm mục tiêu lấy lại niềm tin từ người dân và khôi phục kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế quốc gia – Bancassurance.
Phục hồi bancassurance: Cần phải làm đúng
Trao đổi với VietnamFinance, Chuyên gia kinh tế, thành viên Hội Luật gia Việt Nam, ông Trần Nguyên Đán cho biết, phục hồi kênh bancassurance chỉ tốt khi người thực hiện làm đúng. Năm 2023 doanh số kênh này sụt giảm mạnh, 2 quý đầu năm 2024 bắt đầu có những tín hiệu tích cực, nhưng để bancassurance có bước phục hồi bền vững, phụ thuộc vào cách triển khai của các ngân hàng và cần thêm thời gian.
Theo ông Đán, đội ngũ nhân viên ngân hàng họ có kiến thức về tài chính, ngân hàng rất tốt nên có lợi thế về tư vấn bảo hiểm.
Tuy nhiên, có một thực trạng là doanh thu thị trường BH Việt Nam tăng trưởng nhanh, cũng phần nhiều doanh số đến từ kênh bancassurance. Nhưng nếu xem lại K2 (tái tục năm thứ 2), gần như là rất thấp, có ngân hàng tỷ lệ này chỉ xấp xỉ 20%. Lý do là ngân hàng tập trung vào bán cho khách hàng vay, khách hàng muốn vay được tiền phải mua bảo hiểm, tình trạng này diễn ra trong một thời gian dài.
“Người vay tham gia bảo hiểm không phải vì nhu cầu, khách hàng chỉ có nhu cầu vay tiền. Chính vì vậy, tỷ lệ huỷ năm thứ 2 rất cao”, ông Đán nêu thực trạng.
Ông Trần Nguyên Đán quan ngại, hiện nay mặc dù đã có Luật mới ban hành quy định, nhưng đâu đó thực tế vẫn còn hiện tượng “lách luật” tại các ngân hàng.
“Thay vì bán bảo hiểm cho người đứng tên khoản vay là vợ hoặc chồng, họ tư vấn bán cho người nhà. Vậy liệu K2 (tỷ lệ tái tục năm 2) có duy trì được không hay vẫn bổn cũ soạn lại?”, ông Đán đặt câu hỏi.
Để giải quyết thực trạng này, ông Trần Nguyên Đán cho rằng, cái quan trọng nhất đối với bancassurance là cần thể hiện được tinh thần của bảo hiểm, người tham gia phải cảm nhận được nó là điều quan trọng đối với họ thông qua hoạt động tư vấn, để tiếp tục đóng phí năm 2,3 và các năm tiếp theo.
“Không nên phục hồi bằng mọi giá, mà phải thay đổi cách làm, để làm tốt từ từ, có thể “xoá bài làm lại”, các DNBH đặt quầy tư vấn đầy đủ, tường minh quyền lợi và trách nhiệm, khách hàng tự nguyện mua”, ông Đán nói thêm.
Đồng thời, ông Đán cũng nêu quan điểm, cần phải có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc thanh kiểm tra, giám sát hoạt động xem các ngân hàng, DNBH có triển khai đúng theo Luật quy định hay không. Nếu xảy ra vi phạm thì phải xử lý như thế nào. Ông Đán ví dụ, mô hình tổ chức bảo vệ khách hàng tài chính ở các nước châu Âu, họ phạt rất nặng nếu xảy ra sai phạm ở kênh bancassurance.
Hiện nay, Luật quy định doanh nghiệp bảo hiểm có thể bị phạt 80-100 triệu đồng nếu cung cấp không đúng các thông tin về quy tắc, điều kiện, điều khoản và các tài liệu tóm tắt, minh họa quyền lợi, giới thiệu sản phẩm cho khách hàng. Mức này còn quá nhẹ, chưa đủ sức nặng để răn đe.
Cùng với đó, cần tăng cường thanh kiểm tra, giám sát chặt chẽ, và xử lý nghiêm những vi phạm mà vai trò là Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước (NHNN).
“Bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng không sai, chỉ là cách triển khai tại Việt Nam bị sai, do đó, để phục hồi được kênh này, cần phải thay đổi cách làm, làm đúng và khó có thể trong ngắn hạn được”, ông Trần Nguyên Đán khẳng định.
Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, việc các chính sách mới của nhà nước ban hành bao gồm Luật và các thông tư, nghị định hướng dẫn cụ thể, đã khắc phục được những bất bập trước đó đã từng xảy ra với thị trường kênh bancassurance. Quan trọng hiện nay các bên cần tổ chức triển khai như thế nào, làm ra sao và kiểm tra giám sát chặt chẽ theo đúng Luật quy định, văn bản hướng dẫn, trên cơ sở đó, nếu phát hiện sai phạm thì phải có biện pháp xử lý mạnh tay, đủ sức răn đe, thị trường sẽ dần phục hồi.
“2 chính sách mới này bàn rất kỹ, nâng lên đặt xuống nhiều lần, và đã có những thông tư hướng dẫn chi tiết. Bộ Tài chính và NHNN cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm nếu có, thì kênh này mới có thể sớm phục hồi được”, PSG.TS Ngô Trí Long nói thêm.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng cũng nhận định rằng, mặc dù bức tranh ngành ngân hàng năm 2024 có nhiều yếu tố thuận lợi nhưng rủi ro ngắn hạn vẫn còn tiềm ẩn, đặc biệt là niềm tin “yếu” từ người dân với bancas, doanh thu khai thác phí mới cũng có sự tăng trưởng nhất định so với năm ngoái và ghi nhận sự hồi phục nhẹ từ mảng bancassurane trong 6 tháng cuối năm 2024.
“Cơ hội phục hồi là rõ ràng, bởi tỷ lệ thâm nhập (tính bằng phí bảo hiểm/GDP) năm 2023 của Việt Nam chỉ khoảng 2,3% và kênh bancassurance thì thực sự là quá lợi thế. Nhưng để kênh này tăng trưởng bền vững, rất cần cách làm “chuẩn” từ phía các ngân hàng và DNBH. Để tránh một lần nữa bancassurance mất niềm tin”, một vị chuyên gia tài chính nhấn mạnh.
Bancassurance: Cần nhiều thời gian hơn để phục hồi sau khủng hoảng
- MIC: Năm 2024, tăng 25% lợi nhuận, bancassurance là một mũi nhọn 11/04/2024 09:08
- Ngân hàng không còn 'mặn mà' với bancassurance 07/04/2024 07:29
- ACB: Lợi nhuận quý I ước đạt 4.900 tỷ, không có kế hoạch tăng trưởng bancassurance 04/04/2024 11:43
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.