ACB: Lợi nhuận quý I ước đạt 4.900 tỷ, không có kế hoạch tăng trưởng bancassurance

Hải Đường - 04/04/2024 11:43 (GMT+7)

(VNF) - Tổng giám đốc ACB Từ Tiến Phát cho biết, doanh số bancassurance sụt giảm trong năm 2023 do ảnh hưởng của các bộ luật được phê duyệt trong thời gian qua. Trong năm 2024, ban lãnh đạo ACB cho biết mục tiêu của mảng bancassurance sẽ đạt tương tự năm 2023. Theo đó ACB không có kế hoạch tăng trưởng cho mảng này.

VNF
ĐHĐCĐ Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)

ĐHĐCĐ Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) diễn ra vào sáng 4/4 tại TP. HCM. Tại phiên thảo luận, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB, đã tiết lộ tình hình kinh doanh sơ bộ của ngân hàng này trong quý I/2024.

Theo đó, trong bối cảnh kinh tế quý I của Việt Nam có dấu hiệu khởi sắc, GDP tăng 5,66%, lạm phát duy trì dưới 4%, lãi suất ổn định ở mức thấp, ông Phát cho rằng vẫn còn tồn tại một số yếu tố không thuận lợi như tỷ giá tăng trên 2%, tín dụng toàn ngành chưa tích cực khi thị trường bất động sản vẫn chưa khởi sắc.

Về ACB, tăng trưởng tín dụng trong quý I tăng 3,7% so với thời điểm cuối năm 2023 và tích cực hơn mức giảm 0,6% cùng kỳ năm 2023. Tổng giám đốc ACB cũng dự kiến mức tăng trưởng tín dụng này sẽ cao gấp đôi mức tăng trưởng trung bình ngành.

Huy động ước tăng 2,1%, trong đó huy động từ CASA tăng 6,4%, đạt tỷ lệ 23%. Lợi nhuận quý I ước đạt 4.900 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2023 do 2 nguyên nhân. Thứ nhất tăng trưởng tín dụng quý I/2024 đạt cao hơn cùng kỳ, dẫn đến việc phải gia tăng trích lập dự phòng. Thứ hai là trong quý I/2023, ACB ghi nhận khoản thu nhập bất thường, trong khi cùng kỳ năm nay không còn phát sinh.

Nếu loại bỏ 2 yếu tố này, Tổng giám đốc ACB cho rằng lợi nhuận của ACB vẫn tăng trưởng khoảng 3% so với cùng kỳ.

Lãi suất cho vay của ACB hiện duy trì ở mức 4,6% cho khách hàng doanh nghiệp và 6,8% cho khách hàng cá nhân. Dư nợ cho vay các nhà phát triển bất động sản tại ACB là dưới 2%, không có nợ xấu. Dư nợ cho vay người mua nhà đạt 22%, nợ xấu thấp hơn mức bình quân chung.

Tổng giám đốc ACB cho biết ngân hàng sẽ không thực hiện đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới, các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận hiện tại đều là đầu tư ngắn hạn, không đáng kể.

Về mảng bancassurance, ông Từ Tiến Phát cho biết do ảnh hưởng của các bộ luật được phê duyệt trong thời gian qua, doanh số bancassurance của ACB có sự sụt giảm, tuy nhiên ACB vẫn duy trì được vị thế hàng đầu thị trường về mảng này. Trong năm 2024, ban lãnh đạo ACB cho biết mục tiêu của mảng bancassurance sẽ đạt tương tự năm 2023. Theo đó ACB không có kế hoạch tăng trưởng cho mảng này.

Tuy nhiên, ông Từ Tiến Phát nhận định rằng khó khăn của mảng bancassurance sẽ đi qua trong thời gian tới, thị trường sẽ lành mạnh hơn trong năm 2024 và tăng trưởng trở lại trong những năm tiếp theo.

Đề bù đắp cho mảng phí, ACB cho biết sẽ phát triển các mảng khác như thẻ, kinh doanh ngoại tệ, thanh toán quốc tế. Ngoài ra, ACB dự kiến đưa vào hoạt động 2 mảng mới là giám sát và lưu ký để thúc đẩy tăng trưởng về phí cho ngân hàng.

Trả lời cổ đông về kế hoạch M&A, Chủ tịch Trần Hùng Huy cho biết trong ngành ngân hàng có nhiều tổ chức tín dụng cần sự hỗ trợ từ đối tác, cũng như có yêu cầu từ cơ quan quản lý. Tời thời điểm hiện tại, ACB đã quan sát một số đơn vị có thể thực hiện M&A, tuy nhiên vẫn quyết định sẽ phát triển nội tại ACB trước.

ACB cũng cho biết không có kế hoạch mở chi nhánh tại nước ngoài trong thời gian hiện tại mà tập trung vào thị trường nội địa vì còn nhiều tiềm năng phát triển.

Với kế hoạch bán vốn ACBS, Chủ tịch Trần Hùng Huy cho biết ngân hàng luôn tìm kiếm cơ hội hợp tác. Trong thời gian trước, ACB đã tiếp xúc với đối tác có thể giúp cho ACBS nâng tầm cao hơn, tuy nhiên sau quá trình dịch Covid-19, tình hình đã thay đổi, do đó ACB sẽ tiếp tục phát triển ACBS trong thời gian tới. Tuy nhiên, ông Trần Hùng Huy cho biết ACB vẫn rất cởi mở nếu có đối tác có thể giúp nâng tầm và tạo đột phá cho các công ty con của ngân hàng.

Trong năm 2024, ACB dự kiến phát triển mảng doanh nghiệp vừa và lớn bên cạnh mảng bán lẻ vốn là chủ đạo của ngân hàng trong thời gian qua. Tổng giám đốc ACB cho biết dư địa mảng doanh nghiệp vừa và lớn còn rất lơn, ACB dự kiến phát triển dựa vào mối quan hệ với các doanh nghiệp đầu ngành là các tập đoàn, tổng công ty lớn.

Đối với thắc mắc của cổ đông về vấn đề an toàn hệ thống, ông Từ Tiến Phát cho biết đầu quý III/2024 tới đây, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) sẽ tiến hành đầu tư nâng cấp hệ thống giao dịch. ACB cho biết luôn chú trọng quản lý rủi ro liên quan đến công nghệ thông tin.

“Chúng tôi luôn đầu tư về hạ tầng dữ liệu, bảo mật. Những khoản đầu tư này khá lớn, riêng hạ tầng công nghệ thông tin ACB đã đầu tư 1.000 tỷ đồng. Chúng tôi luôn tiến hành nâng cấp hệ thống hạ tầng cũng như chú trọng việc quản trị rủi ro tại ACB”, ông Từ Tiến Phát cho biết.

Cùng chuyên mục
Tin khác