Báo chí phải là người bạn đồng hành cùng doanh nghiệp

Yến Thanh - 21/06/2017 10:47 (GMT+7)

(VNF) - Làm gì để phát huy tốt nhất mối quan hệ báo chí – doanh nghiệp vì sự phát triển chung?

Tăng kết nối từ cả hai phía

Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, về cơ bản, mối quan hệ giữa báo chí với doanh nghiệp từ trước đến nay và từ nay về sau vẫn là mối quan hệ hợp tác vì những mục đích chung, đó là phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Doanh nghiệp cần báo chí cung cấp những thông tin để nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng sức cạnh tranh, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm và mở rộng quan hệ hợp tác. Đó là những thông tin chính xác về hoạt động kinh doanh. Khi có những thông tin không chính xác thì doanh nghiệp mong muốn báo chí điều chỉnh, phản ánh đúng bản chất sự việc để bảo vệ uy tín cũng như thương hiệu doanh nghiệp.

Đồng thời, báo chí luôn cần thông tin về đời sống kinh tế của đất nước, trong đó mảng thông tin rất quan trọng là các hoạt động sản xuất kinh doanh, hợp tác của các doanh nghiệp. "Có thể nói, đời sống kinh tế của đất nước được phản chiếu từ các hoạt động của các doanh nghiệp thông qua báo chí", ông Lợi nói.

Hiện tại, Luật báo chí năm 2016 đã có những quy định cụ thể, tạo một hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động báo chí. Nhiệm vụ báo chí nói chung cũng như trách nhiệm xã hội của các nhà báo là phải trung thực, khách quan, công tâm bằng việc cung cấp những thông tin chính xác, kịp thời về mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vừa qua đã xảy ra một số vụ việc đáng tiếc, trong đó có vụ thông tin nước mắm nhiễm Asen. Theo Nhà báo Hồ Quang Lợi, trước hết, sai sót này bắt nguồn từ đơn vị cung cấp thông tin. Vinastas đã tổ chức một cuộc họp báo đưa ra những thông tin không chính xác, thậm chí là sai lệch về nước mắm nhiễm Asen.

Một số cơ quan báo chí khi tiếp cận những thông tin bất thường này lại thiếu thận trọng, mà sự thận trọng ấy phải được thể hiện bằng năng lực phân tích, đánh giá, thẩm định nguồn tin. Trong hoạt động báo chí, nếu thiếu thao tác kiểm định, kiểm chứng thông tin thì dễ dẫn tới ngộ nhận, thậm chí bị gài bẫy để đưa thông tin sai lệch.

"Tôi nghĩ, từ phía doanh nghiệp cũng cần thấy gặp gỡ cung cấp thông tin cho báo chí là trách nhiệm và quyền lợi của chính bản thân doanh nghiệp. Bởi nếu doanh nghiệp e ngại, thậm chí lẩn tránh báo chí thì dễ bị suy luận là doanh nghiệp có vấn đề gì đó muốn giấu thì mới ngại gặp báo chí... Mà ngay cả khi "có vấn đề" thì cũng nên cung cấp cho báo chí thông tin chính xác và cần thiết để báo chí nói đúng mức về sai sót, giảm thiểu những thiệt hại. Báo chí sẽ chia sẻ, thậm chí có cách giải thích thỏa đáng để công chúng hiểu đúng vấn đề. Đó là cách hỗ trợ doanh nghiệp, tránh làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của họ", ông Lợi nói.

Nghiêm túc về nội dung để giữ niềm tin của công chúng 

Trong khi đó, từ góc nhìn của một chuyên gia truyền thông, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch & CEO Le Group of Companies cho rằng hiện nay báo chí đang đánh mất dần uy tín và tính tin cậy. Đây không phải là vấn đề riêng của báo chí, mà còn là "thảm họa" của những người thực hành PR.

Nhìn lại báo chí đầu thập niên 1990, những tờ báo lớn như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Lao Động, Đầu tư khách quan, trung thực… cùng tên tuổi của các nhà báo nhiệt huyết, tự trọng và trong sáng, cùng các thiên phóng sự điều tra, những bài bình luận sắc bén, và những bản tin nóng bỏng trên trang nhất, là những cơ sở xác tín để người dân và cộng đồng doanh nhân tin cậy và tìm đọc mỗi ngày.

Khi đó, công chúng tin vào các bài báo và ngòi bút của các nhà báo, cũng như những người làm truyền thông cho doanh nghiệp tin rằng nếu được báo chí đăng tải thông tin thì sẽ có cơ hội củng cố niềm tin và sự thấu hiểu của khách hàng.

Sự bùng nổ của truyền thông mới, rồi mạng xã hội kéo theo sự suy thoái về hoạt động thương mại của báo chí truyền thống. Ngay cả báo điện tử cũng không phải dễ dàng, thậm chí cũng chịu thiệt thòi khi 85% doanh thu quảng cáo rơi vào tay kẻ trung gian là Google và Facebook. Thước đo thành công của một bài báo và tác giả của nó phụ thuộc vào lượng người xem. Thực tế này khiến phóng viên phải lựa chọn những chủ đề câu khách, rẻ tiền, thậm chí cố tính gây scandal hay sai lệch thông tin, loại nội dung dễ dàng được cộng đồng dễ dãi chia sẻ trên mạng.

Theo ông Vinh, hiện có tình trạng nhiều nhà báo cố tình truy vấn các sai sót của doanh nghiệp, đẩy vấn đề vượt quá phạm vi của nó, hoặc chỉ đề cập đến vấn đề mà không đả động đến giải pháp khắc phục của doanh nghiệp, khiến công chúng hoang mang vì thiếu hụt thông tin. Một động thái tích cực chăm sóc khách hàng, triệu hồi sản phẩm có nghi vấn để sửa chữa, sẽ được đẩy thành quy kết cho sản phẩm kém chất lượng, gây hoang mang cho người tiêu  dùng.

Hoặc một doanh nghiệp bất động sản đang thương thảo chậm nộp một khoản thuế bỗng biến thành nguy cơ tiềm tàng đối với khách hàng ngay cả khi chưa mở bán, gây tâm lý e ngại lan truyền. Chưa kể, đang xuất hiện ngày càng nhiều những người làm báo kiếm cớ đe dọa doanh nghiệp, cá nhân để trục lợi. Họ liên kết với nhau, thành các nhóm mafia, liên kết, móc ngoặc, chia sẻ thông tin, đánh hội đồng doanh nghiệp, để rồi lại đứng ra xử lý khủng hoảng cho chính doanh nghiệp đó bằng các thoả thuận bảo trợ thông tin mờ ám.

Tất cả những thực tế ấy khiến người dân mất dần niềm tin vào báo chí. Công chúng đành tin vào những đoạn trạng thái, bình luận mà họ thấy trên mạng xã hội, mà không có điều kiện kiểm chứng thực tế. Và để thay đổi được tình hình này, những người làm truyền thông cần những nguồn tin xác tín để gửi gắm thông tin minh bạch của doanh nghiệp mình, khách hàng của mình, nơi mà công chúng sẽ tìm đến để kiểm chứng thông tin trên mạng xã hội. 

Những kênh thông tin này phải được xây dựng từ liên minh những cơ quan báo chí uy tín, cam kết khách quan và có cơ chế quản lý đảm bảo sự tác nghiệp công bằng, có sự đầu tư sâu về nội dung, và giảm thiểu bị chi phối bởi các nhóm lợi ích kinh tế. "Có thể, nhiều người cho rằng đó là ước mơ không tưởng, nhưng xin lưu ý cho rằng, chúng ta từng có những tờ báo như thế", ông Vinh nêu kỳ vọng.

Cùng chuyên mục
Tin khác