Báo động về nguy cơ an ninh mạng tại khu vực Đông Nam Á

PV - 12/12/2018 07:20 (GMT+7)

Vấn đề an ninh mạng vô cùng quan trọng và cần thiết vì số lượng người sử dụng Internet trong khu vực Đông Nam Á được biết đến là cao nhất thế giới và vẫn đang có xu hướng tăng thêm.

VNF
Báo động về nguy cơ an ninh mạng tại khu vực Đông Nam Á. (Ảnh minh hoạ)

Trang mạng ASEAN Post mới đây đăng bài viết chỉ ra các nguy cơ mà các quốc gia khu vực Đông Nam Á đang phải đối mặt trong lĩnh vực an ninh mạng hiện nay. Từ đó, bài viết đề xuất các biện pháp cần thực hiện để giảm thiểu những nguy cơ hiện hữu này.

Khủng bố ở Đông Nam Á từ lâu đã là một mối đe dọa đối với khu vực này. Trước đây, bóng ma của chủ nghĩa khủng bố ám ảnh khu vực Đông Nam Á thông qua các mối đe dọa bạo lực, từ các vụ đánh bom liều chết đến các vụ bắt cóc.

Tuy nhiên, trong thời đại Internet hiện nay, chủ nghĩa khủng bố đã tìm ra những cách thức mới để tấn công các mục tiêu mà chúng nhắm tới. Các hoạt động khủng bố bằng cách sử dụng công nghệ cao tại khu vực Đông Nam Á đang ngày càng thu hút được mối quan tâm lớn của dư luận quốc tế.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng giới chức an ninh của các nước khu vực Đông Nam Á đang phản ứng rất chậm chạp với những hình thức khủng bố mới này.

Trên lĩnh vực an ninh mạng hiện nay, các quốc gia Đông Nam Á đang bị đánh giá là tụt hậu so với các khu vực khác trên thế giới. Dựa trên báo cáo của các chuyên gia tư vấn quản lý toàn cầu AT Kearney, địa bàn các nước ASEAN đang bị những kẻ khủng bố sử dụng cho các cuộc tấn công mạng.

Tháng 10/2017, tại Malaysia, thông tin cá nhân của khoảng 46 triệu thuê bao di động bị xâm phạm. Các thông tin bị rò rỉ bao gồm địa chỉ nhà, số thẻ nhận dạng quốc gia và thông tin thẻ SIM… Có nhiều thông tin cho rằng việc mất an toàn thông tin cá nhân này đã có dấu hiệu xảy ra từ năm 2014 nhưng cho đến cuối năm 2017 người ta mới phát hiện ra ở quy mô lớn.

Nguyên nhân dẫn đến vụ việc này một phần cũng là do Malaysia thiếu luật về cảnh báo vi phạm dữ liệu quốc gia, yêu cầu các công ty nắm dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng phải cảnh báo khi có nguy cơ thông tin bị lộ.

Singapore cũng là một trong số các nạn nhân của các cuộc tấn công mạng. Năm 2017, quốc gia này là mục tiêu của 3 cuộc tấn công mạng lớn, cụ thể là cuộc tấn công vào mạng của Bộ Quốc phòng (tháng 2/2017), tiếp đó là các cuộc tấn công bằng mã độc WannaCry Ransomware (tháng 5/2017) và cuộc tấn công bằng virus với tên gọi Petya Ransomware tháng (6/2017).

Những vụ việc này gióng lên hồi chuông báo động về vấn đề an ninh mạng tại khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, vấn đề an ninh mạng vô cùng quan trọng và cần thiết vì số lượng người sử dụng Internet trong khu vực Đông Nam Á được biết đến là cao nhất thế giới và vẫn đang có xu hướng tăng thêm.

Theo báo cáo thống kê của Hootsuite, hiện tại khu vực Đông Nam Á có 58% dân số (khoảng 370 triệu người) sử dụng Internet. Tuy nhiên, theo đánh giá của AT Kearney, mức chi cho việc bảo vệ an ninh mạng của các quốc gia khu vực Đông Nam Á lại không tương xứng.

Mặc dù các quốc gia tại khu vực này có mức tăng trưởng cao nhưng các nước thành viên ASEAN chỉ dành khoảng 1,9 tỷ USD (năm 2017) tương đương 0,06% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực cho việc bảo vệ an ninh mạng.

Trong khi đó, tác hại của các cuộc tấn công mạng có thể làm tê liệt và tàn phá hệ thống thông tin của khu vực Đông Nam Á. Theo dự báo của Trung tâm rủi ro châu Á Thái Bình Dương, năm 2019, thế giới sẽ chi phí cho việc bảo vệ an ninh mạng với mức chi dự kiến 2,1 nghìn tỷ USD.

Với xu hướng công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng như hiện nay và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống của con người, các nước ASEAN cần phải nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của an ninh mạng.

Khi công nghệ thông tin ngày càng phổ biến, chúng ta càng dễ bị giới tội phạm công nghệ cao lợi dụng đánh cắp thông tin. Và chỉ có một cách duy nhất là phải tăng cường các biện pháp bảo vệ thích hợp tại chỗ.

Năm 2017, một trong những mối đe dọa lớn nhất trong không gian mạng là sự xuất hiện của phần mềm khổng lồ. Mã độc tống tiền là một dạng tống tiền kỹ thuật số mà kẻ tấn công sử dụng một loại phần mềm độc để truy cập vào máy tính của người dùng và đe dọa đánh cắp dữ liệu của nạn nhân hoặc chặn vĩnh viễn quyền truy cập vào máy tính của nạn nhân trừ khi được trả tiền chuộc.

Các công cụ như ví điện tử, tiền điện tử hay vấn đề liên quan đến tài chính tổng thể có nguy cơ mất an toàn trong hệ thống ngân hàng Internet. Nếu không có biện pháp an ninh thích hợp tại chỗ, tài sản của chúng ta có thể sẽ bị đánh cắp khi các cuộc tấn công mạng diễn ra.

Một vụ việc xảy ra hồi đầu năm 2018, các tin tặc đã kiếm được 440 triệu USD tiền điện tử sau khi xâm nhập thành công vào một cuộc đổi tiền điện tử tại Nhật Bản.

Tác động tài chính tổng thể của các cuộc tấn công mạng quy mô lớn có thể tàn phá nền một nền kinh tế. Một trong những bước đi mà ASEAN có thể hướng tới là đưa ra một chiến lược kỹ thuật số để chống lại các cuộc tấn công mạng và đánh cắp dữ liệu.

Bên cạnh đó, một đòi hỏi nữa là các quốc gia ASEAN phải luôn nhận thức đầy đủ về lĩnh vực công nghệ và các hoạt động liên quan đến Internet. Chiến lược kỹ thuật số mà ASEAN đưa ra cần phải mang tầm khu vực và không có ranh giới vì thông tin và dữ liệu luôn được lưu chuyển tự do, không có ranh giới trên Internet.

Nhiều báo cáo cho thấy những năm qua, các quốc gia ASEAN cũng đã thực hiện các hoạt động hợp tác để thắt chặt an ninh mạng. Trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN gần đây, ASEAN và Mỹ đã đưa ra một tuyên bố chung khẳng định lại cam kết của họ trong việc tăng cường an ninh mạng. Nga cũng là quốc gia đã cam kết tương tự trong việc phát triển hợp tác an ninh không gian mạng với ASEAN.

Tuy nhiên, để đảm bảo công tác an ninh mạng hoạt động có hiệu quả, chính phủ các nước ASEAN cần phải có chiến lược tổng thể để bảo vệ cơ sở hạ tầng an ninh mạng phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, ngăn chặn có hiệu quả các đợt tấn công, xâm nhập hệ thống mạng quốc gia từ bên ngoài.

Xem thêm >> iPhone bị ‘cấm cửa’ tại Trung Quốc, chiến tranh thương mại ‘nóng càng thêm nóng’

Theo Bnews
Cùng chuyên mục
Tin khác