Bị Mỹ liên tục ‘làm khó’, VASEP ‘kêu cứu’ với Bộ Công Thương

Vĩnh Chi - 07/02/2018 19:16 (GMT+7)

(VNF) - Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có văn bản gửi Bộ Công Thương trình bày một loạt khó khăn trong việc xuất khẩu các mặt hàng cá tra, tôm… vào thị trường Mỹ.

VNF
ảnh minh họa

Đề nghị Mỹ tham vấn Chương trình thanh tra cá da trơn và chống bán phá giá

Chương trình thanh tra cá da trơn và chống bán phá giá được thực thi đầy đủ vào ngày 1/9/2017. Tại thị trường Mỹ, cá da trơn là mặt hàng thủy sản duy nhất bị áp dụng việc kiểm soát theo các quy định như mặt hàng thịt, gia cầm bởi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thay vì cơ quan FDA như đối với các mặt hàng thủy sản khác.

Tuy nhiên chương trình thanh tra cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đặt ra những yêu cầu vượt quá những chuẩn mực về kiểm soát an toàn thực phẩm của thị trường toàn cầu và sẽ là rào cản phi thuế quan có tầm ảnh hưởng lớn đến quan hệ thương mại. Nếu chương trình này được thực thi sẽ gây ra những tổn thất lớn cho một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và tiêu tốn nhiều triệu USD của ngân sách nhà nước Hoa Kỳ.

Các quy định ngặt nghèo mà USDA áp dụng trong Chương trình thanh tra cá da trơn được xây dựng từ các tiêu chuẩn kiểm soát về thịt, trứng giá cầm của Mỹ áp đặt cho sản phẩm cá tra, do đó nhiều quy định khắt khe không phù hợp với thông lệ quốc tế, quá mức cần thiết đối với việc kiểm soát an toàn thực phẩm, có thể cản trở thương mại cho cả hai bên.

Cùng với việc áp đặt Chương trình thanh tra cá da trơn khi chưa có những chứng cứ khoa học để áp dụng các quy định quá mức cần thiết (theo thỏa thuận SPS trong WTO), Hoa Kỳ còn đang áp thuế chống bán phá giá mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh từ Việt Nam từ năm 2002 với mức thuế ngày càng cao qua kết quả của các kỳ xem xét hành chính. Việc này đã làm hạn chế nhập khẩu cá tra từ Việt Nam, ảnh hưởng đến tự do thương mại giữa các nước.

Trải qua 13 kỳ xem xét hành chính trong vụ kiện chống bán phá giá thì những kỳ xem xét hành chính gần đây Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã có những điều chỉnh trong phương pháp tính thuế bỏ qua các quy định thông thường khi đưa ra các quyết định về mức thuế hết sức phi lí làm cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam dù có tên trong danh sách được USDA chấp thuận đủ điều kiện xuất khẩu cá tra Hoa Kỳ lại không có cơ hội xuất khẩu do mức thuế quá cao.

Do đó, việc Việt Nam quyết định khởi kiện ra WTO một số vấn đề liên quan đến cá tra, thể hiện quyết tâm trong việc yêu cầu sự bình đẳng trong tự do thương mại, phù hợp với các nguyên tắc của WTO.

"Chúng tôi xin đề nghị phía Hoa Kỳ cần sớm đồng ý tham vấn tại WTO để có thể sớm dỡ bỏ các rào cản kỹ thuật và thương mại trên", VASEP nêu quan điểm.

FISS cần xem xét lại việc từ chối lô hàng cá tra xông khói

Theo VASEP, một lô hàng cá tra fillet xuất khẩu vào thị trường Mỹ đã bị từ chối vì sản phẩm này được xử lý xông khí CO để tạo màu nhằm tăng giá trị cảm quan cho thịt cá theo yêu cầu của khách hàng nhập khẩu.

"Việc Cơ quan thanh tra an toàn thực phẩm (FSIS) của USDA từ chối sản phẩm cá tra xông CO (hay còn gọi là sản phẩm tasteless smoke) là không hợp lý vì hiện tại các sản phẩm cá ngừ vẫn được phép xông CO khi xuất khẩu vào Mỹ và FDA khẳng định phương pháp xử lý này hoàn toàn an toàn. Ngoài ra được biết theo quy định hiện nay thì USDA, cơ quan đang giám sát nhập khẩu cá tra của Việt Nam, cũng chấp nhận sản phẩm thịt được phép xử lý CO", VESEP cho biết.

Do vậy, VASEP đề nghị Bộ Công Thương đưa vấn đề này vào buổi làm việc với đại diện thương mại Hoa kỳ nhằm yêu cầu FSIS xem xét lại việc từ chối lô hàng cá tra do nguyên nhân cá được xông CO.

"Phương pháp này chỉ giúp tăng giá trị cảm quan của sản phẩm hoàn toàn không gây hại về sức khỏe cũng như không thay đổi mùi vị và cấu trúc của sản phẩm. Phương pháp xông CO cũng được cá nước cho phép và thực tế Hoa Kỳ cũng đang chấp nhận việc xông CO cho các sản phẩm thịt và cá khác", hiệp hội nhấn mạnh.

Đề nghị dỡ lệnh chống bán phá giá với tôm

Theo VASEP, trong giai đoạn xem xét hành chính là thứ 11 – POR 11 (1/2/2014 – 31/1/2015) DOC đã công bố kết quả cuối cùng thuế bán phá giá cho tôm Việt Nam là 4,78%. Đây là mức thuế rất cao cho các doanh nghiệp tôm so với mức thuế 0,84% của Ấn Độ.

Bên cạnh đó kết quả rà soát hoàng hôn lần thứ 2 đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam cũng không đạt được kết quả như mong đợi đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình xuất khẩu tôm vào Hoa Kỳ. Hiện nay các doanh nghiệp tôm Việt Nam đang trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 – POR 12 và chuẩn bị bước vào giai đoạn POR 13.

Trải qua 13 đợt rà soát hành chính và 2 lần rà soát hoàng hôn với nhiều lần doanh nghiệp tôm Việt Nam có được mức thuế bằng không. Quan trọng hơn, Minh Phú là công ty xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ lớn nhất Việt Nam và hiện chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm vào Mỹ, đã được gỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá từ năm 2016 do có thuế suất bằng không liên tục qua các kỳ xem xét hành chính.

Điều đó chứng tỏ các doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá và việc áp thuế chống bán giá cho tôm Việt Nam là không phù hợp và không công bằng cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam.

"Vì vậy Hiệp hội kiến nghị Bộ Công Thương có ý kiến với Chính phủ Hoa Kỳ xem xét gỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá cho tôm Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ sau nhiều năm chịu thuế chống bán phá giá".

Kiến nghị Hoa Kỳ không đưa tôm nuôi vào đối tượng kiểm soát của chương trình SIMP

VASEP cho biết hiện các sản phẩm hải sản nhập khẩu sang Mỹ đang chịu sự giám sát của Chương trình giám sát thủy sản nhập khẩu của DOC và có hiệu lực từ 1/1/2018. Chương trình này được thiết lập dành cho 13 loài nằm trong nguy cơ bị đánh bắt IUU, trong đó có cá ngừ là sản phẩm cá biển chủ lực của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ. Theo thông báo của NOAA thì việc thực hiện đối với bào ngư và tôm sẽ tạm hoãn đến khi có thông báo.

Việc dự định áp dụng chương trình SIMP đối với sản phẩm tôm nuôi sẽ gây ra nhiều khó khăn đối với xuất khẩu tôm của Việt Nam trong tương lai. Trong thực tế hiện nay chương trình IUU của châu Âu cũng không áp dụng cho sản phẩm mới. Do đó xin kiến nghị Hoa Kỳ không đưa sản phẩm tôm nuôi vào trong đối tượng kiểm soát của chương trình SIMP.

"Thực tế hiện nay các trại nuôi tôm đều tổ chức truy xuất nguồn gốc tự nguyện theo quy định của các thị trường nhập khẩu đồng thời đều tuân thủ nuôi trồng có trách nhiệm, bền vững và được chứng nhận bởi các tổ chức chứng nhận quốc tế cũng như của Hoa Kỳ.

"Hiệp hội và các doanh nghiệp tôn trọng và tuân thủ chương trình SIMP đồng thời mong muốn Chính phủ Hoa Kỳ xem xét hỗ trợ kỹ thuật giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hành động nhằm nâng cao năng lực quản lý nghề cá hiệu quả và bền vững, chống lại các hoạt động đánh bắt IUU", VASEP kiến nghị.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.