Tiêu điểm

'Bó buộc tư duy thì đặc khu cũng khó tạo ra điều gì đặc biệt'

(VNF) - Thiếu cơ chế đặc biệt cả về tổ chức chính quyền lẫn chính sách kinh tế xã hội thì không thể gọi là "đặc khu". Nói nôm na, chỉ muốn cơi nới mà không xây mới thì cũng không gặt hái được gì.

'Bó buộc tư duy thì đặc khu cũng khó tạo ra điều gì đặc biệt'

Một góc huyện Vân Đồn - Quảng Ninh.

Đặc khu: Chỗ thành công, nơi thất bại

Những ngày này, ông Trần Duy Đông tất bật hơn thường lệ. Với vai trò là Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông phải đi giải trình khắp nơi về dự thảo Luật cho 3 đặc khu Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong. Luật ấy có tên gọi là Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.

Thực tế, đặc khu không phải là điều gì quá mới mẻ với thế giới. Từ năm 1942, trên thế giới có nhiều quốc gia đã phát triển thành công nhiều mô hình như: "khu thương mại tự do", "đặc khu kinh tế", "đặc khu hành chính", "thành phố tự do", "thành phố công nghiệp - công nghệ cao thông minh"… với chính sách mở, thông thoáng và ưu đãi hơn. 

Số lượng các đặc khu kinh tế tăng nhanh qua từng thời kỳ, từ 9 khu tại 9 nước vào những năm 1960 đến 111 khu tại trên 40 nước vào cuối những năm 1980 và tới năm 2016 đã có khoảng 4.500 khu tại 140 quốc gia.

Hiện nay, các mô hình này tiếp tục được các quốc gia hoàn thiện, phát triển.

Trong khi đó, ở Việt Nam, 15 năm qua, việc xây dựng đặc khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) vẫn cứ nâng lên đặt xuống.

Ông Trần Duy Đông thổ lộ: Bộ Chính trị nói chúng ta đi quá chậm, lúc nào cũng bàn thảo. Đặc khu kinh tế của Trung Quốc đã phát triển tới đời thứ 4 rồi, đã có đặc khu trong đặc khu, họ làm mới và thay đổi liên lục rồi. Ngay cả Lào, Campuchia, Myanmar năm 2014 cũng thành lập 3 – 4 đặc khu.

Nhưng không phải quốc gia nào cũng thành công với mô hình này. Singapore, các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Trung Quốc, Hàn Quốc, Quần đảo Virgin (BVI) và Quần đảo Cayman thuộc Anh được đánh giá là những nơi thành công khi xây dựng đặc khu.

Còn theo nghiên cứu quốc tế của Tổ chức tư vấn về môi trường đầu tư (2008), Pakistan, một số đặc khu kinh tế của Ấn Độ, một số quốc gia ở Châu Phi (Senegal, Namibia, Liberia, Bờ Biển Ngà, Công Gô, Nam Phi), Ukraine, Moldova đã thất bại khi theo đuổi mô hình đặc khu kinh tế.

Và dự án luật về đặc khu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đặt ra mục tiêu "xây dựng thành công mô hình đặc khu kinh tế ở Việt Nam".

Quan điểm xây dựng Luật được đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ: Luật này áp dụng tại một số khu vực có ranh giới địa lý xác định nên cần mạnh dạn cho phép thực hiện các chính sách mới, đột phá và đặc biệt về kinh tế xã hội. 

Quan điểm ấy cũng đã được thể hiện phần nào trong dự luật mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng. Ví như về tổ chức bộ máy thì trao quyền lớn cho trưởng đặc khu; doanh nghiệp được thuê đất đến 99 năm, doanh nghiệp nước ngoài được nước ngoài được thế chấp tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam; người nước ngoài có quyền mua bán, thừa kế nhà ở; hãng hàng không quốc tế được phép "bắt khách" ở sân bay của Việt Nam nếu có ít nhất một điểm đến hoặc một điểm đi tại đặc khu…

Những điều đó theo pháp luật hiện hành đều không được phép. Và đó là một trong những điểm khác biệt của đặc khu với các phần còn lại.

Vẫn có nơi không muốn đặc khu là nơi "đặc biệt"

Tuy thế, những điểm tạm cho là "khác biệt" và "đột phá" trong dự thảo Luật cũng vấp phải không ít tranh cãi.

Riêng về các ưu đãi đặc biệt về thuế, phí, ngân sách, văn bản góp ý hồi tháng 8 năm nay của Bộ Tài chính cũng đã tỏ ra không đồng tình với dự thảo. 

Chẳng hạn, Khoản 3 điều 16 dự thảo quy định "tổ chức kinh tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thế chấp tài sản gắn liền với đất trong đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại các tổ chức tín dụng nước ngoài để vay vốn đầu tư".

Tuy nhiên, Bộ Tài chính đề nghị bỏ quy định này. Bởi vì về nguyên tắc, tài sản thế chấp vay vốn tại tổ chức tín dụng sẽ bị tổ chức tín dụng xử lý thu hồi, bán để thu hồi nợ khi người vay không trả được nợ. Như vậy, nếu cho tổ chức kinh tế thuê đất (trả tiền thuê hàng năm) dùng quyền sử dụng đất thuê để thế chấp vay vốn thì doanh nghiệp phá sản, không trả được nợ vay, tổ chức tín dụng sẽ không xử lý được tài sản đảm bảo.

Bộ Tài chính cũng không đồng tình với việc để lại toàn bộ số thu nội địa phát sinh trên địa bàn đặc khu vì như thế "sẽ phải điều chỉnh tỷ lệ điều tiết giữa ngân sách trung ương và địa phương". Thay vào đó, chỉ nên để lại toàn bộ số tăng thu trên địa bàn đặc khu trong một thời gian nhất định.

Ngay cả đề xuất không thành lập Hội đồng nhân dân ở đặc khu với mục tiêu để bộ máy tinh gọn cũng không dễ nhận được sự đồng tình. Vai trò của Trưởng đặc khu đến đâu, giám sát thế nào cũng còn là câu chuyện dài.

Rồi cũng còn ý kiến lo ngại 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà) và Phú Quốc (Kiên Giang) có thể bị người nước ngoài biến thành một đơn vị ngoại bang trong lãnh thổ Việt Nam. 

TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cảnh báo: Nếu chúng ta cứ soi chiếu vào hệ thống luật pháp hiện nay, cùng cách tiếp cận cũ thì mô hình đặc khu kinh tế khó bứt phá được.

Ông Thiên nói thẳng: Chúng ta có một nhóm vẫn kiên trì, muốn vượt lên nhưng có một nhóm giữ quan điểm theo đúng luật, đúng các ràng buộc thể chế, cứ thế mà làm, và ưu đãi hơn một tí thôi. Bó buộc tư duy như thế thì đặc khu cũng khó tạo ra được điều gì đặc biệt. 

Tỏ ra sốt ruột trước việc chưa hiện thực hóa được một đặc khu kinh tế nào ở Việt Nam, ông Trần Duy Đông chia sẻ: "Không phải áp đặt nhưng Bộ Chính trị nói cứ làm đã, thử nghiệm sau đó chúng ta điều chỉnh sau. Không làm, không đi, không bao giờ đến được. Thủ tướng luôn nhấn mạnh quyết tâm của Chính phủ, không cần quá cầu toàn, phải làm đã. Cho nên Bộ Chính trị nói cứ làm đã, điều chỉnh sau. Không làm thì không đi đến đâu được".

Tin mới lên