Bộ Công Thương: 'Xuất khẩu thép sang Mexico không bị ảnh hưởng nhiều'

Minh Quang - 13/12/2021 19:37 (GMT+7)

(VNF) - Bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), cho biết trong trường hợp Mexico áp thuế chống bán phá giá thì mức thuế sẽ không cao tới mức cản trở hoạt động xuất khẩu thép Việt Nam sang thị trường này.

VNF
Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại: 'Hoạt động xuất khẩu thép sang Mexico không bị ảnh hưởng nhiều'.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Rủi ro phòng vệ thương mại khi tham gia các FTA - Nhìn từ vụ việc Mexico điều tra chống bán phá giá với thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam”, bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), cho biết khi Mexico khởi xướng điều tra chống bán phá giá với thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam từ tháng 10/2021 cũng không quá bất ngờ, bởi vì Hiệp hội thép và doanh nghiệp xuất khẩu thép đã được cảnh báo trước đó hơn 1 năm.

“Sự cảnh báo dựa trên 2 dấu hiệu, xuất khẩu thép Việt Nam sang Mexico tăng nhanh từ khi Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực và doanh nghiệp thép Mexico kiến nghị lên Chính phủ, rằng thép Việt Nam có thể gây ảnh hưởng đến ngành sản xuất thép của Mexico”, bà Giang cho hay.

Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết sau khi Mexico khởi xướng điều tra, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp với Hiệp hội và doanh nghiệp thép để thông tin, phổ biến các quy định của Mexico trong vụ kiện chống bán phá giá.

Theo bà Phạm Châu Giang, pháp luật của Mexico về chống bán phá giá cơ bản tuân thủ với quy định trong WTO, tuy nhiên cũng có những điểm thuận và không thuận lợi trong vụ việc này.

Về điểm không thuận lợi, khó khăn lớn nhất cho doanh nghiệp Việt Nam theo bà Giang đó là rào cản về ngôn ngữ. “Trong bản thông tin họ gửi đi và bản trả lời câu hỏi của doanh nghiệp Việt Nam họ yêu cầu dùng tiếng Tây Ban Nha, đồng thời phải hợp pháp hóa bởi lãnh sự”, bà nói.

Về mặt thuận lợi, theo bà Giang đây là vụ kiện thứ 19 của các nước đối với thép mạ Việt Nam nên các doanh nghiệp đã làm quen với quy trình của một vụ kiện.

“Điều may mắn trong quá trình đàm phán gia nhập CPTPP, chúng ta đề nghị và được Mexico chấp nhận nước ta là nền kinh tế thị trường. Vì vậy, khi điều tra, họ sẽ chấp thuận sử dụng các dữ liệu về sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam, chứ không sử dụng dữ liệu thay thế - điều rất bất lợi cho doanh nghiệp nước ta trong các vụ kiện mà nước kiện chưa công nhận nước ta là nền kinh tế thị trường”, bà Giang thông tin thêm.

“Với những điểm khó khăn và thuận lợi trên, có lý do để hy vọng, trong trường hợp Mexico áp thuế chống bán phá giá thì mức thuế sẽ không cao tới mức cản trở hoạt động xuất khẩu thép Việt Nam sang thị trường này”, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho hay.

Chia sẻ tại buổi toạn đàm, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết từ khi CPTPP có hiệu lực từ ngày 14/1/2019, kim ngạch xuất khẩu nói chung của Việt Nam sang thị trường Mexico tăng trưởng mạnh mẽ, trong 10 tháng đầu năm đạt 2,5 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với sản phẩm thép, trong 3 năm gần đây chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc. Theo đó, 10 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu thép sang Mexico đã vượt con số 700 nghìn tấn, với giá trị gần 800 triệu USD.

Số liệu từ Hiệp hội Thép cho thấy, xuất khẩu thép của Việt nam sang thị trường này chiếm 6% về lượng, 8% về giá trị trong 10 tháng đầu năm 2021, tăng gấp đôi so với năm 2020, lần lượt là 3% và 4%.

“Khi chúng ta thâm nhập sâu vào thị trường này cũng như các thị trường FTAs, việc đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại là điều dễ hiểu, và chúng ta đã sẵn sàng cuộc chơi này, trong đó có khả năng thép Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá, ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu sang thị trường này, ảnh hưởng đến hiệu quả, công ăn việc làm của doanh nghiệp xuất khẩu thép”, ông Giang cho hay.

Xem thêm: Thép chống ăn mòn của Việt Nam bị đề nghị điều tra lẩn tránh thuế

Cùng chuyên mục
Tin khác